GV THPT có bằng thạc sĩ sẽ được ưu tiên khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp?

28/07/2023 09:00
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên THPT hạng III đã có bằng thạc sĩ và có thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp từ đủ 6 năm trở lên thì được dự thi hoặc xét thăng hạng II.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập (sau đây gọi tắt là văn bản hợp nhất Thông tư).

Văn bản hợp nhất Thông tư này có nội dung đáng chú ý như sau:

Giáo viên có bằng thạc sĩ được giảm thời gian giữ hạng

"Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) nếu đã có bằng thạc sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này." (Điều 9, Chương IV của Thông tư hợp nhất)

Bằng thạc sĩ. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Bằng thạc sĩ. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Theo quy định này, giáo viên trung học phổ thông hạng III dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II thì phải thỏa mãn 3 điều kiện:

1) Trường hợp giáo viên trung học phổ thông dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II nếu đã có bằng thạc sĩ và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng.

Như vậy, theo văn bản hợp nhất Thông tư, giáo viên trung học phổ thông dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II nếu đã có bằng thạc sĩ trước hoặc sau khi tuyển dụng thì chỉ cần 6 năm giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III.

2) Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng II được quy định tại văn bản hợp nhất Thông tư như sau:

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học phổ thông theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông.

3) Theo văn bản hợp nhất Thông tư, thời gian giữ hạng của giáo viên trung học phổ thông hạng III dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II được tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng - là quy định lợi thế về mặt thời gian.

Giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ, có trái Luật Giáo dục?

Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập nêu rõ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 như sau:

"Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên".

Còn Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau (trích):

"Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Người viết băn khoăn rằng, văn bản hợp nhất Thông tư quy định giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ, liệu có phù hợp với Luật Giáo dục 2019 (chỉ yêu cầu giáo viên trung học phổ thông có bằng cử nhân)?

Hơn nữa, thực tiễn giảng dạy cho thấy, nhiệm vụ chính của giáo viên trung học phổ thông là giảng dạy và giáo dục học sinh. Giáo viên có bằng cử nhân hay bằng thạc sĩ cũng chỉ đơn thuần làm các nhiệm này mà thôi.

Ngoài ra, giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ hiếm khi làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học như ở bậc đại học để giảm trừ tiết dạy. Hoặc quy định giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục (theo văn bản hợp nhất Thông tư) trở lên để làm gì? Họ đâu có giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí (hiệu trưởng, hiệu phó)?

Đáng nói, cùng là giáo viên giảng dạy bậc phổ thông nhưng văn bản hợp nhất Thông tư quy định giáo viên trung học phổ thông hạng I phải có bằng thạc sĩ còn giáo viên trung học cơ sở thì không.

Theo đó, văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập không yêu cầu giáo viên trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ.

Là giáo viên bậc trung học phổ thông, người viết cho rằng, không thể nói giáo viên có bằng thạc sĩ thì sẽ làm tốt nhiệm vụ hơn người chỉ có bằng cử nhân.

Điều quan trọng của giáo dục phổ thông không phải là bằng cấp cao, mà cần những người am hiểu, có trải nghiệm thực tế - tức là giỏi chuyên môn (giảng dạy) và nghiệp vụ (quản lí giáo dục học sinh) thì mới có thể hoàn thành tốt công việc.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/contents/preview?content_id=944100283108394625

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-thong-tu-08-2023-tt-bgddt-sua-doi-quy-dinh-bo-nhiem-xep-luong-giao-vien-pho-thong-119230416104910129.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên