Giáo viên đủ điều kiện nhưng không phải muốn thăng hạng lúc nào cũng được?

16/07/2023 07:24
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên mong có thêm những quy định về thời gian tổ chức xét hoặc thi thăng hạng để giúp thầy cô đủ điều kiện thăng hạng chức danh cao hơn.

Trong các trường tiểu học hiện nay, giáo viên được chia làm 3 hạng chính: giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II và giáo viên tiểu học hạng I.

Mỗi hạng, giáo viên có một thang bảng lương khác nhau và có sự khác biệt khá lớn. Phần đông, ở các trường tiểu học hiện nay, chủ yếu là giáo viên hạng III và hạng II còn giáo viên tiểu học hạng I chiếm tỷ lệ khá thấp, đôi khi cả huyện thị với vài chục trường tiểu học cũng không có lấy một giáo viên hạng I.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Nhiều thầy cô giáo băn khoăn, để thăng lên hạng giáo viên tiểu học hạng I, có khó không và giáo viên cần bao nhiêu năm công tác mới thăng lên được mức này?

Muốn đăng ký thăng hạng giáo viên tiểu học hạng I, giáo viên phải có ít nhất gần 20 năm công tác

Muốn thăng hạng lên giáo viên tiểu học hạng I thì trước đó, thầy cô giáo phải là giáo viên tiểu học hạng II.

Một giáo viên tiểu học mới ra trường (đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học như có bằng đại học giáo dục tiểu học, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp), sau thời gian tập sự 12 tháng sẽ được bổ nhiệm là giáo viên tiểu học hạng III.

Sau khi giữ hạng, giáo viên tiểu học hạng III được 9 năm, các thầy cô mới đủ điều kiện để tham gia kỳ thi hoặc xét thăng hạng giáo viên tiểu học hạng II.

Theo Điểm I, Khoản I, Điều 4, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT thì viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nếu, địa phương thường xuyên tổ chức kỳ thi xét hoặc thi thăng hạng thì nhanh nhất, giáo viên này phải có ít nhất 9 năm công tác (và một năm tập sự) mới đủ điều kiện tham gia kỳ thi hoặc xét.

Khi ở hạng giáo viên tiểu học hạng II được 6 năm, các thầy cô này mới đủ điều kiện tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng giáo viên tiểu học hạng I.

Thông tư 08/2023 quy định:

“Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Về lý thuyết, để một giáo viên mới ra trường (có đầy đủ yếu tố như quy định) và thăng lên được giáo viên tiểu học hạng I thì phải cần ít nhất khoảng 16 năm trở lên. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải giáo viên cứ có đầy đủ điều kiện thì muốn thăng hạng lúc nào cũng được mà phải phụ thuộc rất lớn vào việc tổ chức các kỳ thi hay xét thăng hạng do địa phương tổ chức.

Vì thế, để đạt được giáo viên hạng I nhanh nhất (đối với những giáo viên có đầy đủ các yếu tố theo quy định về bằng cấp, chứng chỉ và năng lực) thì thời gian công tác của một nhà giáo ít nhất cũng gần 20 năm.

Tuy nhiên, không phải giáo viên muốn thăng hạng lúc nào cũng được mà còn phải phụ thuộc vào việc địa phương ấy có tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng hay không? Thế nên, có khi hơn 20 năm, thậm chí gần về hưu nhiều thầy cô giáo vẫn chưa thể nào vươn tới được thứ hạng cao nhất dù mọi điều kiện cho việc thăng hạng đã đầy đủ.

Sự cần thiết phải quy định rõ thời gian tổ chức xét hoặc thi thăng hạng giáo viên

Thực tế trong những năm qua đã cho thấy, có những địa phương thường xuyên tổ chức kỳ thi hoặc xét thăng hạng. Nhờ đó, trong mỗi trường học đều có giáo viên hạng II và hạng I.

Những địa phương này, đã rất quan tâm đến đội ngũ nhà giáo, tạo động lực để thầy cô phấn đấu giúp cải thiện năng lực nghề nghiệp cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thế nhưng, có những địa phương lại hững hờ, hàng chục năm vẫn không tổ chức một kỳ thi hoặc xét thăng hạng nào. Dẫn đến, nhiều giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ vẫn chỉ là giáo viên hạng IV (theo Thông tư 21/2015) và gần như không có giáo viên hạng I dù không ít thầy cô giáo vô cùng xứng đáng. Giáo viên chỉ biết ngậm ngùi vì quá thiệt thòi so với đồng nghiệp ở nơi khác.

Vì thế, giáo viên mong cơ quan chức năng cần có thêm những quy định về khoảng thời gian tổ chức xét hoặc thi thăng hạng hằng năm để giúp cho các thầy cô giáo có đủ bằng cấp, chứng chỉ, đủ thời gian công tác khỏi cảnh ngậm ngùi vì không thể thăng hạng chức danh cao hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết