GV ra nước ngoài học tập: Làm gì để study tour không chỉ là các buổi chụp hình?

06/12/2022 06:55
TS. Hoàng Ngọc Vinh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sẽ thật lãng phí nếu thành viên tham gia study tour không rõ mục đích của chuyến đi học tập và chỉ mải chăm chú đến chụp ảnh selfie, mua hàng hóa... 

Nhân chuyện Hà Nội cử 200 giáo viên đạt chuẩn IELTS ra nước ngoài học tập ngắn hạn, hi vọng rằng họ sẽ là những hạt nhân giúp đổi mới giáo dục Thủ đô trong thời gian tới, từ kinh nghiệm của bản thân trong nhiều chuyến đi công tác nước ngoài, tôi thấy khá nhiều chương trình study tour không đạt hiệu quả như mong đợi.

Sau đây là chia sẻ vài kinh nghiệm của cá nhân tôi để tham quan và study tour (được hiểu là: học tập kết hợp khảo sát, trao đổi kinh nghiệm) đạt hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa: nguồn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)

Ảnh minh họa: nguồn Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)

Người Việt ta có có câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" với ý nghĩa rằng: con người có thể học được nhiều điều hay, lẽ phải bên ngoài cuộc sống của làng xóm hay gia đình thông qua những chuyến đi.

Việc tổ chức study tour ở nước ngoài rất có ý nghĩa đối với người Việt để học hỏi, thay đổi tư duy, học tập và áp dụng những kinh nghiệm hay của thế giới, qua đó có những ý tưởng, những cách làm mang tính đổi mới...

Đã có những người nông dân nhờ một lần ra nước ngoài học tập, tham quan, khi trở về mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, cách làm ăn mới và trở nên giàu có, trở thành chủ trang trại.

Nhưng cũng rất đáng tiếc, một số cán bộ, nhân viên trong một số cơ quan trong nước ra nước ngoài tham quan hay học tập lại không đạt kết quả như mong đợi, có đôi khi học được rất ít những điều đáng ra cần học, nhưng lại khá "nhạy bén" về các phương thức dùng tiền công quỹ, lo mua hàng miễn thuế...

Thế giới ngày nay đã trở nên gần gũi nhờ hệ thống thông tin truyền thông phát triển mạnh và phương tiện vận chuyển hành khách càng ngày càng hiện đại... Điều đó giúp cho mọi người có cơ hội học hỏi lẫn nhau. Qua đó, tránh được nhiều sự ngộ nhận theo kiểu "mẹ hát con khen hay" hoặc "mẹ hát mẹ khen hay" - tư duy cũ như thế sẽ khó có sự đổi mới... Và cũng tránh được kiểu “ông nói gà bà nói vịt” khi bàn về những vấn đề đổi mới trong giáo dục.

Vậy, phải làm gì để các chuyến gọi là study tour mang lại hiệu quả cao? Theo kinh nghiệm của bản thân mình, tôi nhận thấy cần phải có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng:

Trước mỗi đợt study tour rất cần có nghiên cứu về nhu cầu của chính bản thân người hoặc đoàn được cử ra nước ngoài học tập. Trên cơ sở nhu cầu, những vấn đề của người học, của cơ sở giáo dục và của hệ thống để xác định quốc gia hoặc nền giáo dục nào có điểm mạnh, bối cảnh, lịch sử xử lý những vấn đề mà quốc gia của mình đã và đang gặp phải để giúp người được cử đi đào tạo cải thiện được tri thức, góp phần mang kinh nghiệm của nước bạn về vận dụng cho hoàn cảnh cụ thể ở đơn vị mà mình đang công tác.

Trong quá trình ấy, người được cử đi học sẽ biết thực chất bản thân cần tìm hiểu kiến thức thực tế gì và chuẩn bị thông tin về những vấn đề mà mình quan tâm nhất để tập trung tìm hiểu khi đến đất nước bạn - đặc biệt ở những vấn đề mà thông tin trên mạng Internet có thể chưa đầy đủ.

Còn với các thông tin chung khác trên Internet đã khá đầy đủ, có thông tin, người học sẽ so sánh các vấn đề của nước mình và nước được cử đến học tập trước chuyến đi - giúp tiếp cận vấn đề nhanh hơn; khi sang trao đổi tại nước bạn sẽ đỡ mất thời gian và không xuất hiện những câu hỏi ngây ngô, không cần thiết. Việc so sánh thông tin trước chuyến đi sẽ giúp người học có tư duy nhìn ra sự tương phản khác biệt, tổng hợp lại những điều có thể học tập được từ phía nước bạn...

Trong các buổi trao đổi trực tiếp tại nước bạn, rất cần chuẩn bị sẵn các câu hỏi theo nhu cầu của bản thân mỗi người học. Muốn hỏi cho trúng vấn đề, ngoài kiến thức và thông tin được chuẩn bị trước, thì phải rất tập trung để nghe các diễn giả trình bày, giới thiệu về hoạt động của họ; tránh làm việc riêng hay thường xuyên xem điện thoại, dẫn đến mất tập trung, vừa khiến người khác nghĩ người học không tôn trọng lắng nghe diễn giả, vừa khiến người học bị hiểu nhầm, không được coi trọng, đánh giá cao về thái độ học tập...

Đã có không ít trường hợp người học đặt câu hỏi không liên quan đến chủ đề hoặc hỏi những câu thể hiện bản thân không hiểu chút nào về những vấn đề đang trao đổi khiến cho diễn giả mất hứng.

Trong quá trình trao đổi, do hành trình của study tour liên tục, nhiều khi có sự thay đổi múi giờ so với ở Việt Nam, người học có thể cảm thấy mệt mỏi và rất dễ... ngủ gật, nhất là đối với những người mà khả năng ngoại ngữ hạn chế cũng như ít động cơ học hỏi. Vì thế, rất cần có sự chuẩn bị về sức khỏe và sự tỉnh táo để học hỏi, thảo luận đạt hiệu quả (như cần uống một chút cà phê trước khi vào trao đổi chẳng hạn).

Khi về nước, nên viết lại một số ý chính vào sổ cho khỏi quên và nếu có điều kiện thì nên chia sẻ lại cho đồng nghiệp những kiến thức bản thân đã lĩnh hội được, sẽ nhớ lâu hơn...

Có địa phương "khoe" rằng đã đưa được các giáo viên và cán bộ quản lý đi học tập ngắn hạn ở vài quốc gia ASEAN để chuẩn bị cho quá trình hội nhập khu vực. Nhưng khi hỏi kế hoạch triển khai cụ thể thế nào sau đợt tham quan, học tập đó thì lại tỏ ra lúng túng. Vì vậy, trước khi tổ chức đoàn ra nước ngoài học tập, rất cần yêu cầu mỗi người nên có kế hoạch chuẩn bị tập trung vào vấn đề gì cần tìm hiểu, báo cáo kết quả thu hoạch được và đặc biệt là kế hoạch triển khai tiếp theo sau đợt thực tập, cũng như kết quả kỳ vọng.

Ngân sách của công hay của tư đều có giới hạn, rất khó đưa toàn bộ giáo viên đi học tập ngắn hạn. Vì thế, với những người được đi học về, các đơn vị, nhà trường nên tổ chức những buổi seminar (thảo luận) trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ những vấn đề đã học được cho những đồng nghiệp khác thì hiệu quả của những chuyến công tác, học tập như thế mới đầy đủ ý nghĩa.

Nếu thành viên tham gia study tour không rõ mục đích của chuyến đi học tập và chỉ mải chăm chú đến chụp ảnh selfie, mua hàng hóa, và không có kế hoạch chi tiết thì thật lãng phí tiền của và công sức.

Điều này cũng nhắc nhở những người tổ chức các đoàn đi học tập ngắn hạn ở nước ngoài về việc phải chú trọng vào mục tiêu: Đi để học hỏi, trải nghiệm chứ không phải là đi thỏa mãn sự đãi ngộ theo chế độ.

TS. Hoàng Ngọc Vinh