Hệ thống trường đại học, cao đẳng địa phương có vai trò quan trọng

10/05/2024 06:16
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng.

Thực trạng về hệ thống trường đại học - cao đẳng địa phương hiện nay

Theo Luật Giáo dục 2019, tại các địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương) hiện chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục đại học địa phương là trường cao đẳng sư phạm địa phươngtrường đại học địa phương (đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý).

Các trường cao đẳng khác thuộc Giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý và không thuộc về giáo dục đại học.

Kinh nghiệm thế giới cũng như thực tiễn Việt Nam nhiều năm qua cho thấy một nền giáo dục đại học tốt cần có sự phân tầng. Trên thế giới, phân tầng giáo dục đại học chủ yếu nhằm 2 mục đích:

Thứ nhất, thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp.

Thứ hai, mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó, đồng thời người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học.

truongdhhd.jpg
Khuôn viên Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Ảnh: Website trường

Hệ thống trường cao đẳng sư phạm địa phương

Tại Việt Nam, hệ thống các trường cao đẳng sư phạm được hình thành từ rất lâu (gần 60 năm), phần đa trực thuộc chính quyền địa phương và được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Trong khi đó, các trường đại học sư phạm trước đây chỉ đào tạo giáo viên trung học phổ thông và một số năm gần đây mới được giao thêm nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở trình độ đại học với số lượng hạn chế.

Tuy nhiên, hiện nay các trường cao đẳng sư phạm địa phương đang có nguy cơ tiêu vong trước năm 2030.

Theo Luật Giáo dục 2019, các trường cao đẳng sư phạm hiện chỉ còn chức năng đào tạo giáo viên mầm non.

Hệ thống trường đại học địa phương

Trong thời gian vừa qua, có tình trạng chính quyền một số địa phương nợ trả lương nhiều tháng cho giảng viên của các trường địa phương.

Cũng phổ biến tình trạng chính quyền địa phương không biết hoặc không muốn giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên phổ thông cho các trường địa phương như tinh thần của Nghị định 116 nhằm “tranh thủ” ngân sách trung ương, “tiết kiệm” ngân sách địa phương.

Điều đáng lo hơn, xuất hiện xu hướng muốn sáp nhập trường đại học địa phương vào các đại học trọng điểm để trở thành trường thành viên hoặc phân hiệu của các đại học đó, với hy vọng các đại học này sẽ hỗ trợ giúp nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao đẳng cấp, đồng thời cung cấp ngân sách dồi dào cho các trường đại học địa phương.

Tuy nhiên, thông qua thực tế đã và đang diễn ra hiện nay, các trường địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được bất kỳ sự ưu đãi gì mà chỉ mất đi đặc thù “cộng đồng” đã có.

Nói tóm lại, hệ thống các cơ sở giáo dục đại học địa phương (bao gồm các trường đại học địa phương và các trường cao đẳng sư phạm địa phương) đang có nguy cơ tiêu vong.

Nguyên nhân

Có các nhóm nguyên nhân sau:

Thứ nhất, từ góc độ quản lý nhà nước: Nhiều văn bản pháp quy quản lý nhà nước về giáo dục hạn chế tính năng động cần có của các trường địa phương (như: cào bằng “chuẩn” về chính sách và năng lực giữa các trường trung ương với các trường địa phương; đưa vào cơ chế “đấu thầu” để thay thế cho cơ chế “phân cấp nhiệm vụ” trong đào tạo giáo viên; không cho các trường đại học địa phương được đào tạo đa cấp; đưa cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học; hợp nhất các trường địa phương với các trường khác sứ mệnh, khác đẳng cấp, khác địa phương;…).

Thứ hai, từ góc độ địa phương: Lãnh đạo không ít địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình như quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Khoản 5 Điều 105 của Luật Giáo dục 2019
“… 5. Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn;
b) Bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của trường công lập thuộc phạm vi quản lý;
c) Phát triển các loại hình nhà trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương;
đ) Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển giáo dục tại địa phương…”

Thứ ba, từ góc độ cộng đồng: Tại không ít địa phương người dân và doanh nghiệp còn chưa thực sự hiểu rõ triết lý “của dân, vì dân, do dân” của trường đại học/cao đẳng địa phương nên chưa xem các trường địa phương là đứa con của mình, do đó còn ỷ vào hỗ trợ của Nhà nước mà không thấy trách nhiệm phải chăm lo cho chúng.

Thứ tư, từ góc độ của chính trường địa phương: Nhiều trường địa phương hoạt động thụ động. Nặng tư duy bao cấp. Kém ý thức “cộng đồng”. Tư tưởng “cục bộ”, không muốn hợp tác.

Các kiến nghị về hệ thống trường đại học địa phương

Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay luôn coi trọng hệ thống giáo dục địa phương nói chung và hệ thống giáo dục đại học địa phương nói riêng và xem giáo dục địa phương là một bộ phận không thể thiếu được của hệ thống giáo dục quốc gia, cũng giống như vai trò của "3 thứ quân" trong chiến lược chiến tranh nhân dân của Đảng ta trước đây.

Khác với các loại hình cơ sở giáo dục đại học khác, các trường địa phương/cộng đồng muốn phát triển vững chắc cần tuyệt đối tuân theo các triết lý “của dân”, “vì dân “ và “do dân”: Trường đại học địa phương là trường đại học của địa phương, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương, do đó phải được Chính quyền và cộng đồng người dân địa phương chăm lo, nuôi dưỡng bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền địa phương, tức là từ nguồn ngân sách địa phương, cũng như bằng đóng góp tự nguyện của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp có tại địa phương.

Ngay từ năm 1987, khi bắt đầu công cuộc đổi mới giáo dục đại học của đất nước, Bộ trưởng Trần Hồng Quân cũng từng chỉ ra hướng phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương: Trường Cao đẳng sư phạm 🡪 Trường Cao đẳng Cộng đồng 🡪 Trường Đại học địa phương, tùy theo nhịp độ tăng trưởng của mỗi địa phương.

Đáng tiếc là chúng ta đã không đi theo hướng phát triển đúng đắn đó, dẫn tới tình trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học địa phương sau khi trải qua thời kỳ “nở rộ” hiện đang có nguy cơ bị “xóa sổ”: hoặc bị “nghề hóa”, hoặc bị sáp nhập vào các trường trung ương để hy vọng được “trung ương hóa”.

Trước tình hình như vậy, tôi có một số đề nghị như sau:

- Cơ bản giữ nguyên hệ thống các cơ sở sư phạm đang có hiện nay. Thực hiện phân tầng (theo sứ mệnh) hệ thống này thành các trường đại học sư phạm/ đại học giáo dục trọng điểm, các cơ sở sư phạm trung ương, các trường/khoa đại học sư phạm địa phương, các trường/khoa cao đẳng sư phạm địa phương.

Nhiệm vụ đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở chủ yếu được ưu tiên trao cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương, theo yêu cầu của địa phương (Nghị định 116).

Cần duy trì việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu đào tạo và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho người đứng đầu các địa phương như vẫn làm từ trước tới nay theo tinh thần của Điều 105 Luật Giáo dục 2019.

Trong tương lai, các trường cao đẳng sư phạm địa phương sẽ dần chuyển thành các trường đa lĩnh vực (tức trường đại học địa phương/cộng đồng), trong đó vẫn giữ nhiệm vụ nòng cốt là đào tạo giáo viên.

- Nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương được miễn trừ áp dụng Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính.

Để bảo đảm nguyên tắc công bằng, các cơ sở giáo dục đại học địa phương cần được chính quyền (trung ương và địa phương) ưu tiên đầu tư ngân sách cho cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển.

- Các trường đại học địa phương phải được chấp nhận tổ chức theo theo mô hình đa cấp, đa ngành, đa hệ, như kiểu đại học cộng đồng rất phổ biến hiện nay trên thế giới, để có được tính năng động tối đa.

- Các trường đại học địa phương nên tổ chức theo cơ chế bán tự chủ: Chủ tịch Hội đồng trường phải là Chủ tịch/Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh nhằm khẳng định quyền lực và trách nhiệm của cộng đồng đối với trường.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ như quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục 2019; phải có trách nhiệm duy trì, hỗ trợ, ưu tiên giao nhiệm vụ và cấp ngân sách hợp lý cho các trường trực thuộc địa phương để chúng thực hiện đúng sứ mệnh của mình như đã cam kết với Chính phủ khi thành lập.

Để bảo đảm nguyên tắc công bằng, nguồn ngân sách này cần đảm bảo sao cho mức học phí trung bình cho người học địa phương không được vượt quá 50% học phí trung bình của các cơ sở giáo dục đại học khác.

Trong trường hợp địa phương gặp khó khăn về ngân sách đầu tư, lãnh đạo địa phương có thể cân nhắc giảm quy mô đào tạo của trường, cũng có thể vận dụng các giải pháp về xã hội hóa giáo dục để tìm kiếm thêm các nguồn lực mới cho phát triển nhà trường.

Trước mắt, để giúp cho chính quyền địa phương nắm vững nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương khi giao chỉ tiêu đào tạo cho trường cao đẳng sư phạm/đại học địa phương của mình, các địa phương cần sớm thành lập Hội đồng giáo dục sau trung học (bao gồm đại diện các sở, ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương,…) làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm, điều mà các chiến lược/kế hoạch ở tầm quốc gia không thể thực hiện nổi.

Trong tương lai gần, khi cả nước chỉ còn một hệ thống giáo dục - đào tạo thống nhất, hội đồng này có thể mở rộng thành Hội đồng Giáo dục - Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực của địa phương.

- Cho phép các doanh nghiệp nếu đóng góp cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương thì được trừ phần đóng góp khỏi thu nhập chịu thuế như rất nhiều quốc gia vẫn áp dụng.

- Vận dụng quy trình đào tạo mới trên cơ sở hình thành các cụm trường liên kết để hỗ trợ lẫn nhau và thực hiện chuyển đổi số để thiết lập hệ thống giáo dục mở, liên thông cho mạng lưới cơ sở đào tạo tại mỗi địa phương nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống có trên địa bàn.

Các cụm trường liên kết này, trước mắt có thể gồm các trường đại học địa phương, cao đẳng sư phạm và cả các trường đại học trung ương đóng trên địa bàn, nhưng trong tương lai gần, còn bao gồm tất cả các trường cao đẳng chuyên nghiệp, khi những trường này được các luật về giáo dục trả lại tên, sứ mệnh và cấp độ đào tạo (cấp độ 5 theo ISCED-11) như trước đây.

Kết luận

Thứ nhất, cùng với các cơ sở giáo dục đại học quốc gia/vùng, các cơ sở giáo dục đại học địa phương (bao gồm các trường đại học địa phương và cao đẳng sư phạm địa phương) giữ vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của mọi quốc gia.

Loại trường này phải được chính quyền và cộng đồng địa phương chăm lo bảo tồn và phát triển.

Thứ hai, trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, để phát triển thuận lợi, các trường địa phương nên được tổ chức theo mô hình của trường đại học/cao đẳng cộng đồng, được đi lên chủ yếu từ các trường cao đẳng sư phạm địa phương.

Thứ ba, khuyến khích hình thành các cụm trường liên kết trên cùng địa bàn để hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời triển khai hệ thống giáo dục mở thông qua quy trình đào tạo mới, nhằm khai thác tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban Cải cách giáo dục trực thuộc Tổng thống Hàn quốc, Cải cách giáo dục cho thế kỷ XXI bảo đảm để dẫn đầu trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, Nhà xuất bản Giáo dục, 2016.

2. Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987-1997, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2017.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam)