Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học để lấy ý kiến góp ý.
Là một giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn, người viết có một số góp ý về quy định trong dự thảo.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông nhiều cấp học quy định trường trung học phổ thông có tổ văn phòng và tổ chuyên môn. Mỗi trường chỉ có 01 tổ văn phòng, còn tổ chuyên môn không có quy định số lượng cụ thể.
Hiện nay, trong trường trung học, tổ chuyên môn tồn tại hai dạng: một là tổ chuyên môn đơn môn như tổ Ngữ văn, tổ Toán,…; hai là tổ chuyên môn đa môn (ghép nhiều bộ môn) như tổ Ngữ văn – Lịch sử, tổ Khoa học xã hội, tổ Bổ túc văn hóa,…
Tổ chuyên môn là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của nhà trường
Tại Điều 14, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định tổ chuyên môn gồm 3 nội dung:
Thứ nhất, tổ chuyên môn gồm cán bộ quản lý, giáo viên, viên chức làm công tác thư viện, thiết bị giáo dục, cán bộ làm công tác tư vấn cho học sinh của nhà trường. Tổ chuyên môn có tổ trưởng, nếu có từ 07 thành viên trở lên thì có tổ phó. Tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn do hiệu trưởng bổ nhiệm, chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng.
Thứ hai, tổ chuyên môn có những nhiệm vụ sau:
1) Chủ động xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục thuộc chuyên môn phụ trách theo tuần, tháng, học kỳ, năm học; phối hợp với các tổ chuyên môn khác xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường.
2) Đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, xuất bản phẩm tham khảo để sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3) Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt.
4) Tham gia đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5) Tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của tổ chuyên môn và của nhà trường.
6) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Thứ ba, tổ chuyên môn tổ chức sinh hoạt chuyên môn ít nhất 01 lần trong 02 tuần và có thể họp đột xuất theo yêu cầu công việc hoặc khi hiệu trưởng yêu cầu. Tổ chuyên môn hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tôn trọng, chia sẻ, học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên để phát triển năng lực chuyên môn.
Như vậy, Thông tư chỉ quy định tổ chuyên môn có từ 7 tổ viên thì có tổ phó, dưới 7 tổ viên thì không có tổ phó nhưng không quy định số lượng tổ viên tối thiểu và tối đa trong 01 tổ.
Tên gọi là “tổ chuyên môn” không phải “tổ bộ môn” nên hiểu cơ bản, tổ chuyên môn có thể gồm 01 bộ môn (đơn môn) hay tổ ghép nhiều bộ môn (đa môn) và không có quy định tổ đa môn thì ghép những môn nào.
Tổ chuyên môn không tổ chức thực hiện quản lý hành chính mà thực hiện các hoạt động chuyên môn, các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ trường trung học.
Tùy theo đặc điểm của từng đơn vị trường học; cách quản lý, điều hành của hiệu trưởng để đảm bảo chất lượng giáo dục cao nhất mà hiệu trưởng sẽ quyết định số lượng tổ chuyên môn, số thành viên của mỗi tổ và tổ ghép thì nên ghép những bộ môn nào.
Tuy nhiên, nếu là tổ ghép cũng nên cân đối số lượng tổ viên trong các tổ tương đối đều nhau để thuận lợi trong công tác thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường và các hoạt động khác.
Trong bối cảnh cả nước đang tinh giản biên chế, sắp xếp lại đơn vị hành chính, cải cách tiền lương và trong bối cảnh giáo dục phổ thông hiện hành, có nhiều môn học không bắt buộc dẫn đến số lượng giáo viên những bộ môn này ngày càng ít; nên việc sắp xếp lại các tổ chuyên môn trong đơn vị sự nghiệp đã được nhiều trường học nghiên cứu, tổ chức một cách hợp lý để tiết kiệm tài chính, cải thiện tiền thu nhập tăng thêm cuối năm cho giáo viên, nhân viên.
Vì thế, xu hướng tổ chuyên môn ghép ngày càng phổ biến. Theo đó, tổ chuyên môn gồm đa môn thì nhiều việc hơn, sinh hoạt chuyên môn tốn nhiều thời gian và công sức hơn. Do đó, tổ trưởng chuyên môn tổ ghép quản lý, điều hành cũng vất vả hơn so với tổ đơn môn.
Chế độ của giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn hiện nay
Thứ nhất, Thông tư 33/2005/TT-BGD&ĐT hướng dẫn tạm thời thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập thì tổ trưởng chuyên môn và tương đương (không phân biệt hạng trường) được hưởng hệ số phụ cấp là 0,25 (khoản 1, IV).
Với mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 73/20024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thường đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức phụ cấp tổ trưởng chuyên môn hiện nay là 585.000 đồng.
Thứ hai, Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông thì tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần (khoản 5, Điều 8); định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể đối với giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết (Điều 6). Vì vậy, giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn sẽ có định mức tiết dạy là 14 tiết/ tuần.
Như vậy, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn hiện được hưởng chế độ phụ cấp 585.000 đồng/tháng và 3 tiết/tuần là có cơ sở pháp lý và phù hợp với Luật Viên chức 2019 (Số: 26/VBHN-VPQH): Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2); Viên chức quản lý là người được bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý có thời hạn, chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và được hưởng phụ cấp chức vụ quản lý (Điều 3).
Đôi điều góp ý về Dự thảo Thông tư quy định chế độ tổ trưởng chuyên môn
Theo dự thảo, tại Điều 4, Nguyên tắc xác định chế độ làm việc: Mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 02 nhiệm vụ quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 Thông tư này.
Đối với các vị trí kiêm nhiệm và các hoạt động chuyên môn theo quy định tại Chương III Thông tư này (trừ kiêm nhiệm công tác công đoàn, bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường) nếu đã được nhận tiền thù lao hoặc tiền phụ cấp thì không được quy đổi ra tiết dạy.
Theo người viết hiểu, giáo viên kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn chỉ nhận tiền thù lao hoặc phụ cấp 0,25 thì không được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy 3 tiết/ tuần (khoản 3, Điều 8).
Là giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn từ nhiều năm nay (như tổ trưởng tổ Bổ túc văn hóa, tổ trưởng tổ Nghề học sinh phổ thông, tổ trưởng tổ Ngữ văn, tổ trưởng tổ Ngữ văn – Lịch sử) xin đề xuất giữ nguyên cả phụ cấp và giảm định mức tiết dạy, bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều môn giảm số lượng giáo viên nên xu hướng sẽ ghép nhiều bộ môn thành tổ chuyên môn.
Vì thế công việc của tổ trưởng chuyên môn nhiều hơn, vất vả hơn bởi mỗi một bộ môn có đặc thù riêng gắn với hoạt động giáo dục đặc trưng, thời gian sinh hoạt tổ chuyên môn cũng dài hơn, trách nhiệm quản lý chất lượng giáo dục nặng hơn bởi chất lượng giáo dục của các tổ chuyên môn góp phần tạo thành chất lượng giáo dục của nhà trường. Nên giáo viên kiêm tổ trưởng chuyên môn mỗi tháng nhận thêm vài trăm nghìn đồng chưa tương xứng với công việc vất vả mà thầy cô phải làm.
Thứ hai, Chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều điểm mới, tổ trưởng chuyên môn phải nắm bắt nhanh chóng những thông tin mới, chuyên môn phải vững vàng mới có thể phổ biến, vận động tổ viên cùng “Thực hiện kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường đã được hội đồng trường phê duyệt”.
Hơn nữa, tổ trưởng phải là tiên phong người gánh vác nhiệm vụ, khéo léo gắn kết các thành viên lại, tránh chia phe chia phái, từ đó tạo ra một tập thể đoàn kết, cùng hướng về một mục tiêu giáo dục. Thực tế, có nhiều thầy cô lớn tuổi vì áp lực công việc của tổ trưởng nên đã từ chối, không làm tổ trưởng chuyên môn.
Bởi tính chất công việc yêu cầu ngày càng cao để góp phần thúc đẩy chất lượng chuyên môn của trường nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, giữ nguyên phụ cấp và giảm định mức tiết dạy cho tổ trưởng chuyên môn để tổ trưởng chuyên môn hoàn thành công việc một cách có trách nhiệm nhất.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.