Băn khoăn việc không thu tiền dạy thêm khi ôn tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp

04/02/2025 08:39
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi học sinh lớp 9 và lớp 12 học hết chương trình cũng đồng thời thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm đã nhận được sự đồng tình của nhiều người bởi ai cũng mong muốn giảm đi những áp lực học thêm không cần thiết.

Học thêm tràn lan vừa khiến cho học sinh mệt mỏi, vừa khiến cho phụ huynh tốn kém tiền bạc và đâu đó trong một số nhà trường còn có những cự cãi, bất đồng quan điểm khi chấm kiểm tra giữa giáo viên dạy thêm và giáo viên không dạy thêm khi chấm bài cho học sinh đang học thêm.

Tuy nhiên, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT cũng có những điểm khiến nhiều người băn khoăn, nhất là những thầy cô giáo dạy những môn thi tuyển sinh 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bởi đây là phần dạy ngoài chương trình học, nếu không thu tiền từ học sinh sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho nhà trường và những người trực tiếp giảng dạy.

18-1789-8994.png
Ảnh minh họa (giaoduc.net.vn)

Dạy thêm cho học sinh chưa đạt và bồi dưỡng học sinh giỏi không thu tiền là đúng

Theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT , việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:

a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;

b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;

c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Người viết cho rằng việc không thu tiền của những học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt và học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi là hoàn toàn đúng. Lâu nay, đa phần các trường học cũng không thu tiền 2 đối tượng này.

Đối với những đối tượng học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt, nhà trường sẽ có kế hoạch phụ đạo cho các em. Thông thường, ban giám hiệu vẫn vận động, yêu cầu giáo viên bộ môn phụ đạo cho các em này trên tinh thần tự nguyện.

Có nghĩa, giáo viên không thu tiền học sinh và giáo viên cũng không được tính tiết theo định mức. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên vẫn vui vẻ nhận trách nhiệm này, kể cả trong năm học và trong dịp hè để học sinh kiểm tra lại.

Đối với những học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi được xem như những “con cưng” trong nhà trường bởi đây là những em thực sự đam mê môn học và tham gia đội tuyển học sinh giỏi.

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi rất vất vả nhưng đổi lại đây được xem là “mũi nhọn” cho các nhà trường vì uy tín của trường học, giáo viên sẽ được nâng lên khi có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi văn hóa.

Vì thế, bồi dưỡng học sinh giỏi văn hóa không chỉ là bồi dưỡng đam mê cho học sinh yêu thích môn học mà còn là một cách nâng vị thế nhà trường khi có nhiều em đạt giải cao. Từ đó, tạo niềm tin cho phụ huynh các khóa sau khi lựa chọn địa chỉ học tập cho con em mình.

Đối tượng bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường không thu tiền mà còn có những chính sách hỗ trợ, động viên các em tham gia đội tuyển. Khi đi thi được chăm sóc kĩ lưỡng, khi đạt giải luôn được nhà trường động viên bằng những khen thưởng tương xứng.

Bởi vậy, việc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn không thu tiền dạy thêm đối với học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt và học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi là hoàn toàn phù hợp và lâu nay các trường phổ thông đã và đang thực hiện như thế.

Băn khoăn về hướng dẫn ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp “không thu tiền”

Khi đọc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, bản thân người viết bài không tránh khỏi những băn khoăn với hướng dẫn không thu tiền đối với học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Băn khoăn bởi lẽ một khi học sinh lớp 9 và lớp 12 học hết chương trình cũng đồng thời thầy cô đã hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Giáo viên cấp trung học cơ sở dạy 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/tuần cũng đồng nghĩa họ chỉ dạy theo định mức. Nếu quá số quy định này, giáo viên sẽ được chi trả tiền làm thêm giờ. Điều này đã thể hiện rất rõ trong các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Hơn nữa, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn “học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi” cũng đồng nghĩa là các em muốn học thêm để có thêm kiến thức nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi nhưng không phải đóng tiền học thêm thì em nào chẳng đăng ký học.

Khi đó, nhà trường sẽ sắp xếp giáo viên nào giảng dạy. Tất nhiên, lúc này nhà trường không thể động viên giáo viên dạy không công được bởi ôn thi tuyển sinh, hay thi tốt nghiệp diễn ra trong thời gian dài và tương đối áp lực.

Nếu nhà trường chi trả, tất nhiên sẽ phải có kinh phí. Các trường công lập đang thực hiện kinh phí khoán và đến thời điểm này, chưa thấy có văn bản nào hướng dẫn cấp kinh phí cho nhà trường chi trả cho giáo viên ôn thi.

Trong dự thảo Thông tư quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/6/2024 (hiện Bộ chưa ban hành chính thức) cũng không có chữ nào nhắc đến tính định mức tiết dạy cho giáo viên dạy thêm khi ôn tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp.

Vì vậy, về cơ sở pháp lý để nhà trường phân công giáo viên dạy thêm khi ôn tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể.

Lâu nay, phần khi ôn tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp, nhà trường thực hiện sau khi hoàn thành chương trình các môn học lớp 9 và lớp 12- khoảng cuối tháng 4 hằng năm và phần ôn thi này nhà trường có thu tiền nhưng luôn phải đăng ký với cơ quan chức năng và đóng thuế dạy thêm (2%).

Sau ngày 14/2 tới đây, việc dạy thêm trong nhà trường sẽ không được thu tiền của học sinh và trong đó có đối tượng “học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp” nhưng chưa có văn bản nào hướng dẫn sẽ thực hiện ra sao.

Nếu nhà trường tổ chức ôn tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp mà có thu tiền học sinh cũng đồng nghĩa sai quy định.

Nhưng, nếu không thu tiền, nhà trường lấy đâu ra kinh phí chi trả cho giáo viên ôn tập. Nếu phân công giáo viên ôn tập không công, sẽ không khả thi và giáo viên sẽ tìm cách thoái thác cũng không phải là điều bất ngờ.

Hy vọng, Bộ sẽ có những giải pháp căn cơ, phù hợp với thực tế tại các nhà trường. Trong đó, có việc học sinh ôn thi cuối cấp không được thu tiền cũng cần thiết cân nhắc kĩ lưỡng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT DUY