GV mất động lực khi cần 10 năm phấn đấu lên Giáo sư nhưng lương không cải thiện

03/12/2023 06:38
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng ta chưa trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đội ngũ GS, PGS, điều này “triệt tiêu” động lực phấn đấu của các giảng viên.

Trong đợt xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023, có 6 ngành/ liên ngành "trắng" giáo sư bao gồm: Dược học, Giáo dục học, Ngôn ngữ học, Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học, Triết học - Xã hội học - Chính trị học và Văn học.

Đặc biệt có ngành "trắng" giáo sư hai năm liên tiếp như ngành Ngôn ngữ học, Giáo dục học, Dược học, Văn học.

Nhiều chuyên gia đặt vấn đề về nguy cơ thiếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong tương lai, đặc biệt ở các ngành khoa học xã hội nhân văn.

Nhiều giảng viên mất động lực phấn đấu lên giáo sư, phó giáo sư

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen – Giáo sư ngành Sử học (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Ở nhiều nước phương Tây, nơi có những trường đại học tự chủ hoàn toàn, việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư được giao cho các trường thực hiện.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen cho rằng cần có đãi ngộ xứng đáng với giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: TTXVN

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Sen cho rằng cần có đãi ngộ xứng đáng với giáo sư, phó giáo sư. Ảnh: TTXVN

Thế nhưng, ở Việt Nam đang trong quá trình chuyển dần sang tự chủ đại học, nên quá trình phong giáo sư, phó giáo sư cũng cần có thời gian quá độ, chứ chưa thể giao ngay cho các trường. Việc để các trường tự phong giáo sư, phó giáo sư có thể là câu chuyện tương lai của giáo dục đại học Việt Nam, nhưng hiện nay thì chưa thực hiện được.

“Thời gian qua, các hội đồng giáo sư ngành, liên ngành, Hội đồng giáo sư Nhà nước cũng đã làm việc rất nghiêm túc và dư luận cũng theo dõi, chú ý nhiều, những trường hợp ứng viên nào gian dối đã bị loại nhanh.

Thực tế, các yêu cầu, tiêu chí xét duyệt chức danh giáo sư, phó giáo sư hiện rất khó. Công tác xét duyệt rất khắt khe. Và dù có trở thành giáo sư, phó giáo sư, lương của giảng viên cũng không tăng lên đáng kể, vì thế nên nhiều thầy cô mất động lực phấn đấu, không muốn làm hồ sơ đăng ký”, Giáo sư Sen chia sẻ.

Một trong những tiêu chí khó khăn hiện nay có thể kể đến là yêu cầu về công bố bài báo quốc tế, nhất là với các ngành khoa học xã hội và nhân văn và một số ngành/lĩnh vực đặc thù.

Giáo sư Võ Văn Sen cho hay, trong giai đoạn chuyển tiếp để tiến tới thực hiện tự chủ đại học thực sự, số lượng giáo sư, phó giáo sư giảm cũng mang tính quy luật và là điều dễ hiểu. Nhưng không thể vì số lượng mà bỏ qua yếu tố chất lượng, chúng ta phải chuyển đổi từ từ, đảm bảo chất lượng và không xảy ra khủng hoảng trong hệ thống giáo dục đại học.

“Thời gian tới, cần có những giải pháp tạo động lực cho đội ngũ giảng viên phấn đấu trở thành giáo sư, phó giáo sư.

Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế và các cơ sở giáo dục đại học phải có giải pháp cải thiện thu nhập cho giảng viên, để thầy cô sống được bằng khoa học, để họ nuôi dưỡng đam mê và phấn đấu trong công tác nghiên cứu.

Còn hiện nay, phấn đấu đến giáo sư, phó giáo sư cũng chưa có cải thiện nhiều về đồng lương thì thầy cô sẽ nản lòng.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng nên có kinh phí để trợ giúp các giảng viên trong quá trình phấn đấu thành giáo sư, phó giáo sư, ví dụ như hỗ trợ thầy cô về kinh phí thực hiện các bài báo khoa học quốc tế,… Hỗ trợ, động viên giảng viên tham gia hoạt động nghiên cứu thông qua các chương trình, đồng thời ủng hộ thêm về nguồn lực tài chính.

Và khi giảng viên dành thời gian cho nghiên cứu khoa học, trường đại học cũng cần linh động tạo điều kiện về thời gian, giảm bớt một số công việc để thầy cô chuyên tâm làm nghiên cứu”, Giáo sư Võ Văn Sen nêu quan điểm.

Giáo sư Võ Văn Sen cũng đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với các giáo sư, phó giáo sư để đội ngũ này có thể cống hiến nhiều hơn cho khoa học, điều này cũng giúp các thầy cô có động lực phấn đấu nhiều hơn.

Vì với giáo sư, phó giáo sư, từ 60 - 65 tuổi mà nghỉ làm công tác giảng dạy và nghiên cứu là rất lãng phí nhân tài, đây không phải là đội ngũ công chức, viên chức bình thường.

Thực tế hiện nay, khi đã đến tuổi nghỉ hưu, các trường vẫn hợp đồng lại với các thầy cô nhưng đội ngũ này không còn được tính trong chỉ tiêu giảng viên cơ hữu cho các trường. Điều này là chưa phù hợp.

Cần thay đổi chính sách tiền lương cho giáo sư, phó giáo sư

Trong công tác xét chức danh giáo sư, phó giáo sư, từ khi có Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, yêu cầu về bài báo khoa học quốc tế uy tín (thuộc danh mục ISI/SCOPUS) cũng là một khó khăn với các ứng viên của các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Về vấn đề này, Giáo sư Võ Văn Sen cho biết, theo quy định hiện nay, có thể thay bài báo khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus bằng các bài báo tương đương. Tuy nhiên, việc xác định bài báo tương đương cũng là một vấn đề phức tạp, khó khăn.

Là Phó Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, Giáo sư Võ Văn Sen cho biết, Hội đồng ngành hiện đang thảo luận, xem xét việc xác định bài báo tương đương để kiến nghị, đề xuất với Hội đồng giáo sư Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc xác định cụ thể các tạp chí uy tín vào danh mục bài báo tương đương để tránh xảy ra tranh luận không thống nhất trong hội đồng, nếu được Hội đồng giáo sư Nhà nước thông qua thì các tạp chí này mới được công nhận.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc – Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học. Ảnh: NVCC

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc – Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học. Ảnh: NVCC

Bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Bắc – Thư ký Hội đồng Giáo sư ngành Văn học chia sẻ, về phía Nhà nước, cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng với giáo sư, phó giáo sư, đặc biệt là đối với các giáo sư để họ có động lực phấn đấu.

“Để từ phó giáo sư phấn đấu lên giáo sư, với các ngành khoa học xã hội và nhân văn phải mất ít nhất 10 năm. Thế nhưng mức lương khởi điểm của giáo sư và phó giáo sư là bằng nhau và bằng với mức lương khởi điểm của giảng viên cao cấp. Vậy liệu còn ai muốn phấn đấu lên giáo sư nữa? Đây là vấn đề bất cập có thể thấy rõ hiện nay”, Giáo sư Lê Huy Bắc đặt vấn đề.

Điều 10 Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, quy định: Chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.

Theo Điều 8 của Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang:

Chức danh phó giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp.

Chức danh giáo sư được xếp hạng I theo phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và hưởng thang, bậc lương tương đương chuyên gia cao cấp.

Giáo sư Bắc cho rằng, mức lương khởi điểm của giảng viên cao cấp hay mức lương của giáo sư và phó giáo sư đều là 6,2. Điều này cho thấy chúng ta chưa có trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đội ngũ tri thức bậc cao và “triệt tiêu” động lực phấn đấu của các giảng viên.

Trước hết phải thay đổi chính sách tiền lương đối với giáo sư, phó giáo sư, không thể có sự cào bằng như hiện nay. Nếu có chính sách đãi ngộ xứng đáng thì chất lượng đội ngũ sẽ được nâng lên.

Một rào cản lớn nhất hiện nay với các ứng viên là công bố bài báo khoa học quốc tế uy tín, điều này rất khó với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Dĩ nhiên, nhà khoa học có thể vượt qua được khó khăn này, nhưng với điều kiện là chế độ tiền lương, đãi ngộ phải thay đổi.

Điều 3 Nghị định 50/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập quy định:

"Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.”

Trong đó, đối tượng viên chức được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn có viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Phạm Minh