GS.Đặng Ứng Vận: Đấu thầu là một cách để giảm bớt chi phí kiểm định chất lượng

28/09/2023 06:33
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giao quyền tự kiểm định và công bố kết quả cho các trường, vẫn phải có một bước thẩm định kết quả tự đánh giá của NT để tạo niềm tin cho XH.

Từ năm 2012, Luật Giáo dục đại học đã quy định, một trong những nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục đại học là phải "tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục". Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 đã đưa bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học là điều kiện để thực hiện quyền tự chủ, điều kiện để các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, xác định mức học phí tương xứng với chất lượng đào tạo…

Trên thực tế, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong những năm gần đây cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, số lượng chương trình đào tạo giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng ngày càng tăng.

Tuy nhiên, vừa qua nhiều cơ sở giáo dục chia sẻ rằng nguồn lực tài chính dành cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường đang là gánh nặng lớn. Do đó, có ý kiến đề xuất rằng, nên để cơ sở giáo dục đại học được tự kiểm định các chương trình đào tạo thay vì một trung tâm kiểm định ngoài như hiện nay.

Theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, khi giao quyền tự kiểm định và công bố kết quả cho các trường, vẫn cần thiết phải có một cơ chế giám sát các kết quả này. Ảnh: UEB

Theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, khi giao quyền tự kiểm định và công bố kết quả cho các trường, vẫn cần thiết phải có một cơ chế giám sát các kết quả này. Ảnh: UEB

Mức đạt trường đại học tự đánh giá thường cao hơn của Đoàn đánh giá ngoài

Bàn luận về vấn đề này, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận - người đã và đang giữ vai trò là Trưởng đoàn của nhiều Đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học (đồng thời là nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ) cho rằng, tự đánh giá và công bố kết quả tự đánh giá là việc nhà trường phải làm trong quy trình đảm bảo và kiểm định chất lượng hiện nay đã được Nhà nước quy định.

“Vấn đề ở đây là, khi chuyển từ Nhà nước định chế sang Nhà nước giám sát thông qua việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học thì ai sẽ đứng ra thực hiện việc giám sát chất lượng giáo dục đại học, tạo niềm tin cho xã hội về chất lượng đào tạo của các trường? Vì vậy, cần một cơ chế giám sát kết quả tự đánh giá của Nhà trường”, Giáo sư Vận đặt vấn đề.

Theo đó, hiện nay chúng ta đang thực hiện theo một cơ chế bao gồm 3 bước:

Bước 1: Đánh giá ngoài bởi một nhóm các chuyên gia am hiểu về công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng và về giáo dục đại học;

Bước 2: Thẩm định kết quả đánh giá ngoài bởi một hội đồng có uy tín;

Bước 3: Ra quyết định công nhận kết quả đánh giá ngoài bởi tổ chức kiểm định chất lượng. Ngoài ra, Nhà trường cần có một báo cáo giữa kỳ việc triển khai thực hiện các khuyến nghị nâng cao chất lượng của Hội đồng thẩm định.

Từ kinh nghiệm thực tế tham gia kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhiều năm qua, thầy Vận cho biết, mức đạt do các trường tự đánh giá bao giờ cũng cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với mức đánh giá của Đoàn đánh giá ngoài. Do vậy, khi giao quyền tự kiểm định và công bố kết quả cho các trường, không tránh được việc phải có một bước thẩm định kết quả tự đánh giá của Nhà trường để tạo niềm tin cho xã hội.

“Vì số lượng chương trình đào tạo quá lớn, nên chúng ta có thể thực hiện phân cấp quản lý được. Nhưng phân cấp ở mức độ nào, tiến hành như thế nào thì Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cần phải có biện pháp cụ thể”, Giáo sư Vận nhấn mạnh.

Về nguồn lực tài chính chi cho hoạt động kiểm định, nhiều cơ sở giáo dục chia sẻ chi phí chi cho hoạt động này khá lớn. Về vấn đề này, chuyên gia cho rằng, khối lượng công việc liên quan đến các hoạt động để kiểm định chất lượng là rất lớn; chưa kể, phần lớn các trường cũng chỉ mới bắt đầu vào công việc kiểm định, hệ thống minh chứng đáp ứng yêu cầu của các mốc chuẩn đa số còn nhiều thiếu sót.

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

Ảnh minh họa: Báo Chính phủ

“Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục 111 tiêu chí và chương trình đào tạo 50 tiêu chí cũng như quy trình thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài do Cục quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) hướng dẫn bao gồm từ 2 đến 6 mốc chuẩn; Và mỗi mốc chuẩn cần xem xét đánh giá rất nhiều minh chứng, đòi hỏi các Đoàn đánh giá ngoài phải “lao động cật lực” và chuyên nghiệp mới có thể hoàn thành trong một thời gian ngắn.

Hiện nay một phần quan trọng chi phí là dành cho công việc đánh giá ngoài tại Nhà trường. Chi phí cho lao động trí óc cần được đánh giá đầy đủ, nếu không thì sẽ khó huy động được đội ngũ kiểm định viên tham gia”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Cần giảm bớt số tiêu chuẩn, tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Theo Giáo sư Vận, khi chưa có cơ chế giám sát nào khác của xã hội đối với việc tự đánh giá chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, để giảm được chi phí cho hoạt động kiểm định, có một số việc cần làm:

Thứ nhất, Cục Quản lý chất lượng cần rà soát, đánh giá lại các Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, giảm bớt số tiêu chí, tiêu chuẩn trên cơ sở những phân tích thực tiễn và có luận cứ khoa học đầy đủ. Mặt khác, cần đơn giản hoá quy trình đánh giá ngoài và báo cáo đánh giá ngoài bao gồm cả việc lựa chọn các tiêu chí, tiêu chuẩn cốt lõi, mốc chuẩn và minh chứng cốt lõi quyết định chất lượng các hoạt động của Nhà trường yêu cầu Đoàn đánh giá ngoài phải xác định được mức đạt của các tiêu chí này.

Thứ hai, các trường đại học thực hiện số hoá toàn bộ các minh chứng cần thiết và dữ liệu cung cấp trực tuyến cho Đoàn đánh giá ngoài, chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng mọi thủ tục, các yêu cầu… liên quan đến kiểm định, nhằm giảm khối lượng công việc của Đoàn đánh giá ngoài tại trường và kèm theo là giảm chi phí kiểm định.

Thứ ba, tổ chức đánh giá ngoài nhóm các chương trình đào tạo theo lĩnh vực, theo nhóm ngành để giảm bớt sự trùng lặp trong khâu đánh giá theo các tiêu chuẩn, tiêu chí.

Ngoài ra, cũng nên tiếp tục dùng hình thức đấu thầu kinh phí kiểm định chất lượng. Tuy rằng, với hình thức đấu thầu sẽ có những điểm khó khăn và thuận lợi nhất định và từ khi áp dụng đấu thầu thì một số (khâu) trong các quy định/hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không còn phù hợp, cần phải rà soát, nhưng nhìn chung, đấu thầu cũng là một cách để giảm bớt chi phí kiểm định”, Giáo sư Vận chia sẻ thêm.

Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến ngày 31/7/2023, toàn quốc có 1263 chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học được kiểm định và cấp chứng nhận, trong đó có 864 chương trình đào tạo được các tổ chức trong nước kiểm định bằng bộ tiêu chuẩn trong nước và 399 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài; 183 cơ sở giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 09 cơ sở được kiểm định bởi tổ chức kiểm định nước ngoài.

Minh Chi