Kiểm định và bảo đảm chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ sở giáo dục đại học thực hiện cam kết chất lượng đối với xã hội và người học, thể hiện trách nhiệm giải trình trong bối cảnh tự chủ hiện nay.
Hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục với sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số cơ quan kiểm định chất lượng độc lập và các cơ sở giáo dục đại học trong những năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng.
Theo các chuyên gia, cùng với quá trình đổi mới giáo dục đại học, các trường đại học cần thiết lập văn hóa bảo đảm chất lượng và tiếp tục nâng cao năng lực về bảo đảm chất lượng chất lượng .
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính.
Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính (ngoài cùng bên trái). Ảnh: NVCC |
Phóng viên: Thưa Thầy, từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã thành lập một số cơ quan kiểm định chất lượng độc lập và đặc biệt đã có những sửa đổi các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Thầy đánh giá như thế nào về hoạt động kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học hiện nay?
Giáo sư Nguyễn Đức Chính: Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của phần lớn các cơ sở giáo dục hiện nay đã được thiết lập, đã có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và thực hành bảo đảm chất lượng. Các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong theo các quy định và đã có sự chuyển biến từ quá trình tự đánh giá, đặc biệt là tiếp cận với các tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng bên trong theo quy định của Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT.
Tuy nhiên, các hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong chưa thực sự được ổn định và hiệu quả, thể hiện từ kết quả đánh giá ngoài đối với phần lớn cơ sở giáo dục đại học.
Cụ thể, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, vấn đề thứ nhất là phần lớn các cơ sở giáo dục đại học chưa có chính sách ưu tiên phù hợp để thúc đẩy các hoạt động bảo đảm chất lượng, đáp ứng mục tiêu chiến lược và bảo đảm chất lượng; đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng còn hạn chế về số lượng, ít được đào tạo, bồi dưỡng về công tác bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng giáo dục.
Các trường cũng chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, kể cả bên trong và bên ngoài nhà trường trong xây dựng kế hoạch chiến lược bảo đảm chất lượng; chưa xây dựng đầy đủ bộ chỉ số và các chỉ tiêu phấn đấu chính để đo lường toàn diện các công tác bảo đảm chất lượng cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo.
Các hoạt động bảo đảm chất lượng ở các trường hiện nay chủ yếu tập trung cho tự đánh giá để kiểm định chất lượng giáo dục, chưa chú trọng đến các hoạt động thường kỳ để cải tiến, nâng cao chất lượng. Các quy định, hướng dẫn về hoạt động bảo đảm chất lượng chưa được ban hành đầy đủ để hướng dẫn các bên tham gia thực hiện.
Thứ hai, các chính sách chất lượng, mục tiêu chất lượng chưa được xây dựng bài bản. Các tài liệu hướng dẫn cho công tác tự đánh giá, cải tiến chất lượng cho từng hoạt động của các trường đại học nhìn chung chưa được cập nhật, chủ yếu dựa vào các hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý.
Nguồn lực, năng lực và mức độ ổn định của đội ngũ làm công tác bảo đảm chất lượng tại các đơn vị cũng còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai công tác tự đánh giá, cải tiến nâng cao chất lượng nhà trường. Có nhiều điểm tồn tại sau tự đánh giá chưa được lập kế hoạch cải tiến, khắc phục phù hợp.
Bên cạnh đó, chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng cũng chưa có nhiều thay đổi để đạt được các mục tiêu chiến lược của nhà trường. Việc cải tiến quy trình tự đánh giá và chuẩn bị cho đánh giá ngoài chưa được cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản hướng dẫn cùng với các quy trình, biểu mẫu thực hiện.
Kế hoạch thực hiện tự đánh giá các chương trình đào tạo cũng chưa được thiết lập rõ ràng hoặc được thực hiện nhưng chưa bảo đảm tiến độ.
Thứ ba, hệ thống quản lý thông tin bảo đảm chất lượng bên trong chưa được xây dựng hoàn chỉnh để hỗ trợ cho các cấp ra quyết định phù hợp; chưa được rà soát, phát triển. Một số cơ sở giáo dục đại học chưa tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai quản trị thông tin.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng chưa được thực hiện thường xuyên. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý thư viện, khai thác nguồn tài nguyên số còn hạn chế.
Các chính sách, thủ tục bảo mật và an toàn về thông tin chưa được rà soát định kỳ. Các cơ sở giáo dục đại học cũng chưa tổ chức đánh giá hiệu quả của các chính sách, quy trình và kế hoạch quản lý thông tin bảo đảm chất lượng bên trong để khắc phục nhằm tăng hiệu quả cho công tác quản lý nhà trường.
Thứ tư, việc đối sánh chưa được tiếp cận đầy đủ. Các cơ sở giáo dục đại học chưa có quy định chính thức về hoạt động lựa chọn đối tác đối sánh, xác định rõ những thông tin so chuẩn cần thiết về đối tác.
Hoạt động so sánh và đối chuẩn chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của việc so sánh (comparative) và đối chuẩn (benchmarking), chưa chỉ ra được những thực hành tốt nhất, phù hợp nhất với nhà trường trên cơ sở phân tích thông tin về đối tác, đặc biệt là về chính sách, hệ thống, quy trình, thủ tục và nguồn lực để làm cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện.
Kết quả so chuẩn và đối sánh cũng chưa được sử dụng để xây dựng các biện pháp, kế hoạch cải tiến nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Việc rà soát và cải tiến quy trình lựa chọn, sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh chất lượng cũng chưa được các cơ sở giáo dục đại học thực hiện định kỳ theo quy định.
Qua đánh giá của các chuyên gia, có thể thấy, hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong của các trường đại học vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Phóng viên: Như thầy đã chia sẻ, hoạt động kiểm định chất lượng dù đã được một số kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại hạn chế, vậy nguyên nhân của những hạn chế này là gì, thưa thầy?
Giáo sư Nguyễn Đức Chính: Một nguyên nhân cốt lõi nhất của hiện trạng này là hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chưa hình dung được cụ thể hình hài của hệ thống bảo đảm chất lượng, bao gồm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài, trong đó có cơ chế kiểm định chất lượng (điều này được ghi rõ trong điều 49, 50 Luật Giáo dục Đại học 2018) .
Hơn nữa trong Quyết định phê duyệt Chương trình "Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030" (Quyết định 78/QĐ-TTg) cũng đã chỉ rõ cấu trúc của hệ thống bảo đảm chất lượng, bao gồm bảo đảm chất lượng bên trong và bảo đảm chất lượng bên ngoài như 2 cấu phần của 1 hệ thống.
Quyết định 78/QĐ-TTg cũng làm rõ hơn khái niệm hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với các cấu phần: “mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình bảo đảm chất lượng và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước và nước ngoài” (trích Quyết định 78).
Các cấu phần của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong có thể được chia thành 4 nhóm: Thứ nhất là mục tiêu, chính sách, kế hoạch chất lượng; Thứ hai là các quy trình bảo đảm chất lượng trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng; Thứ ba là hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng và thứ tư là các nguồn lực khác.
Bảo đảm chất lượng bên trong, với một cấu phần quan trọng là khung bảo đảm chất lượng với các thủ tục, quy trình, hướng dẫn công việc trên cơ sở bộ chuẩn chất lượng cùng với các cấu phần khác có chức năng thiết lập và duy trì chất lượng cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo.
Bảo đảm chất lượng bên ngoài bao gồm kiểm định chất lượng, thanh tra chất lượng, giám sát của các bên liên quan… có chức năng tư vấn, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, giúp hoàn thiện hệ thống, cải tiến cách vận hành hệ thống để cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục.
Cấu trúc của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong bao gồm:
Một là cấp chiến lược: Xây dựng chính sách chất lượng, chiến lược bảo đảm chất lượng và ban hành các quy định bảo đảm chất lượng.
Hai là cấp hệ thống: Xây dựng các quy trình và công cụ bảo đảm chất lượng dựa trên chu trình PDCA (Plan - Do - Check - Act: lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, điều chỉnh) và phổ biến đến toàn thể cán bộ - giảng viên- nhân viên trong cơ sở giáo dục thực hiện.
Ba là cấp chiến thuật bao gồm: tự đánh giá cấp chương trình đào tạo; cải tiến các hoạt động sau đánh giá ngoài; cơ sở dữ liệu và mục tiêu chất lượng; thu thập thông tin các bên có liên quan; trao đổi thông tin bảo đảm chất lượng và tập huấn chuyên môn.
Hiện nay, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong trong các trường đại học Việt Nam chủ yếu có 2 cấp: Cấp chiến lược, bao gồm mục tiêu chiến lược, chính sách chất lượng, sứ mạng, tầm nhìn, văn hóa… và cấp chiến thuật/tác nghiệp, bao gồm hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng, các lực lượng đánh giá, giám sát, các nguồn lực…
Cấu phần quan trọng nhất của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cấp hệ thống thì gần như vắng bóng. Cấu phần này bao gồm các thủ tục, quy trình, hướng dẫn từng công việc theo các yêu cầu của từng tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dựa trên chu trình PDCA và phổ biến tới từng thành viên trong tổ chức để thực hiện.
Cấu phần này được xây dựng trên nguyên tắc: quy trình hóa, văn bản hóa (dưới dạng sổ tay đảm bảo chất lượng cho từng đơn vị, cá nhân trong trường) và thể chế hóa.
Nếu cấu phần này được xây dựng và tổ chức vận hành với sự hỗ trợ của 2 cấu phần trên thì nhà trường đã thiết lập và duy trì được chất lượng trường mình. Còn kiểm định chất lượng với tư cách một cơ chế bảo đảm chất lượng bên ngoài có chức năng đánh giá việc xây dựng và vận hành cấu phần này, góp ý hoàn thiện cấu phần, cải tiến cách vận hành cấu phần sẽ góp phần nâng cao chất lượng.
Phóng viên: Bảo đảm chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để cơ sở giáo dục đại học thực hiện trách nhiệm giải trình trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay. Vậy thầy có kiến nghị giải pháp gì để công tác kiểm định chất lượng, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học được thực chất và hiệu quả hơn?
Giáo sư Nguyễn Đức Chính: Tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Quản lý chất lượng cần có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các trường đại học xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với 4 cấu phần ở cả 3 cấp: Cấp chiến lược (hiện nay chưa hoàn chỉnh), cấp hệ thống (hiện nay hầu như vắng bóng) và cấp chiến thuật/tác nghiệp.
Đồng thời tổ chức tập huấn cách vận hành hệ thống này (để thiết lập và duy trì chất lượng). Song song với hoạt động này cần đồng bộ hóa kiểm định chất lượng như một cấu phần của hệ thống bảo đảm chất lượng bên ngoài, có chức năng đánh giá hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và cách vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong để nâng cao chất lượng.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!