Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo liệu có thực sự cần thiết?

02/02/2024 06:44
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có khoảng 1,6 triệu giáo viên, cho dù Bộ chủ trương “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí” thì thực hiện cũng rất tốn kém.

Vừa qua, Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng luật Nhà giáo. Một nội dung đáng chú ý là bàn về tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo. Chính sách này quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo. Trong đó, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào Luật Nhà giáo. Điều này đang thu hút sự quan tâm của giáo viên cả nước.

Hiện nay, trước khi được tuyển dụng và trở thành giáo viên đứng lớp, những sinh viên sư phạm đã hoàn thành chương trình đào tạo ở các trường sư phạm theo đúng quy định pháp luật hiện hành và được đơn vị đào tạo cấp bằng tốt nghiệp. Khi được tuyển dụng thành viên chức ngành giáo dục thì hàng năm giáo viên được đánh giá, xếp loại với rất nhiều loại công cụ khác nhau.

Ngoài ra, giáo viên còn phải bồi dưỡng thường xuyên, phải tập huấn chuyên môn theo yêu cầu công việc ở mỗi giai đoạn khác nhau. Chẳng hạn, khi triển khai chương trình 2018, giáo viên phải tập huấn 9 module về chương trình, phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục…

Nguồn ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội)

Nguồn ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (Hà Nội)

Bằng chuyên môn do trường đại học cấp, tuyển dụng theo chuẩn trình độ thì giấy chứng nhận nghề nghiệp để làm gì?

Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay...

...Khi có giấy chứng nhận nghề nghiệp, nhà giáo có thể dạy liên trường, dạy theo chế độ thỉnh giảng tại các cơ sở khác. Việc điều động nhà giáo giữa công lập và ngoài công lập, việc thuyên chuyển nhà giáo giữa các địa phương được triển khai thuận tiện hơn, đảm bảo đồng đều về chất lượng dạy học và giáo dục…”. [1]

Đọc những những chia sẻ của ông Vũ Minh Đức, người viết nhận thấy giấy chứng nhận nghề nghiệp thực sự không cần thiết và có thể trở nên tốn kém cho ngành giáo dục.

Bởi lẽ, trước khi trở thành giáo viên đứng lớp, những sinh viên sư phạm đã hoàn thành chương trình đào tạo ở các trường sư phạm. Khi tuyển dụng ở thời điểm hiện nay, các cơ quan chức năng phải căn cứ vào Luật giáo dục 2019 để xác định chuẩn trình độ đối với giáo viên mỗi cấp học.

Bước vào ngành, các giáo sinh phải tập sự 12 tháng, nếu đáp ứng được yêu cầu mới được đơn vị trường học ký hợp đồng làm việc lâu dài. Hàng năm, giáo viên sẽ được đánh giá, xếp loại viên chức theo Nghị định của Chính phủ (hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP).

Bên cạnh việc xếp loại viên chức, giáo viên có Chuẩn giáo viên; chất lượng giảng dạy; phiếu dự giờ của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn. Nếu giáo viên là đảng viên thì còn có phiếu đánh giá, nhận xét của chi bộ Đảng nữa. Vì thế, các công cụ đánh giá, xét thi đua, kỷ luật giáo viên đều có những văn bản cụ thể quy định.

Việc "thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay" càng không cần thiết. Bởi vì những giáo viên bỏ việc từ địa phương (tỉnh, thành) sang địa phương khác ; hoặc từ trường công sang trường tư và làm lại từ đầu chỉ chiếm một tỉ lệ cực nhỏ.

Phần nhiều, khi chuyển sang địa phương khác, giáo viên sẽ thực hiện bằng hình thức thuyên chuyển nên không liên quan đến việc tập sự và việc đóng bảo hiểm xã hội.

Chỉ có một ít giáo viên ở một số đô thị lớn mới dám bỏ hoặc chuyển từ trường công sang trường tư, còn lại, các trường ở các tỉnh lẻ, vùng nông thôn trường tư không có hoặc có rất ít.

Còn nói, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo thay thế cho chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì lại càng không cần thiết vì cơ bản những giáo viên hiện nay đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Các trường sư phạm còn chiêu sinh cả sinh viên sư phạm học chứng chỉ này thì việc "thay thế" liệu có thực sự cần thiết khi giáo viên, sinh viên sư phạm đã bỏ một khoản tiền học để có chứng chỉ từ những năm vừa qua, nhất là khi Bộ ban hành chùm Thông tư 01-04/2021.

Có cần thiết phải giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo?

Cũng theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo): “Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ.

Bên cạnh đó còn quy định việc xác định tương đương đối với giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo hoặc các văn bản có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp khi đáp ứng đủ các điều kiện”. [1]

Nếu rơi vào trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cũng đồng thời đã bị kỉ luật, buộc thôi việc theo hợp đồng lao động, Luật Viên chức. Lúc này, việc “thu hồi hoặc tạm đình chỉ giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo” cũng còn có ý nghĩa gì đâu.

Đặc biệt là khâu tuyển dụng giáo viên mấy năm gần đây được làm rất nhiều bước. Các thí sinh phải thi về lý thuyết, thực hành, phỏng vấn, nộp văn bằng, bảng điểm, chứng chỉ...theo đúng hướng dẫn của cơ quan tuyển dụng.

Thực tế cho thấy, những năm học vừa qua, giáo viên ở các nhà trường đã có quá nhiều chứng chỉ, giấy chứng nhận. Ngoài bằng đại học, cao đẳng sư phạm theo chuẩn, giáo viên còn có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, quốc phòng, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…

Giấy chứng nhận thì sau khi bồi dưỡng chương trình 2018 giáo viên đều có giấy chứng nhận. Hàng năm, có thêm chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên; chứng nhận giáo viên giỏi các cấp; chứng nhận đạt giải các phong trào của ngành…

Thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo liệu có thay đổi được chất lượng của đội ngũ nhà giáo hay không đó là câu hỏi cần làm rõ để tránh chồng chéo, phát sinh thêm giấy tờ không cần thiết.

Cả nước, có khoảng 1,6 triệu giáo viên, cho dù Bộ chủ trương “giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí” thì việc hoàn tất công việc này cũng tốn kém vô cùng. Các trường học, các địa phương chuẩn bị hồ sơ, bộ kiểm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận cho chừng ấy con người sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ngoài ra, còn tốn kém về giấy tờ, in ấn, phát hành cho giáo viên cả nước. Bởi thế, mỗi giáo viên thêm 1 cái giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo chỉ làm tăng thêm áp lực cho ngành mà thực tế cũng khó có thể đem lại lợi ích đáng kể cho giáo viên.

Chúng tôi cho rằng không nên so sánh giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo cũng như bác sĩ, luật sư và một số ngành nghề cũng có chứng chỉ này nọ bởi so sánh như vậy là khập khiễng. Số lượng giáo viên hiện nay rất lớn so với các ngành nghề khác. Nếu ngành nào cũng cần phải có chứng nhận thì rất vô lý và trở thành gánh nặng cho thủ tục hành chính.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/nha-giao-se-duoc-cap-giay-chung-nhan-nghe-nghiep-185240119090208755.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI