Giáo viên vùng khó khăn có được ưu tiên gì khi xét danh hiệu NGƯT, NGND?

13/10/2022 06:40
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng ba năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân là danh hiệu cao quý, vinh danh những đóng góp cao cả của thầy cô trong sự nghiệp trồng người, cũng chính là mục tiêu mà nhiều giáo viên phấn đấu, vươn lên khắc phục khó khăn, gắn bó và cống hiến hết mình.

Tuy nhà nước cũng có một số ưu tiên trong việc xét các danh hiệu Nhà giáo Ưu tú cho giáo viên công tác tại các vùng khó khăn nhưng chưa được cụ thể, giáo viên công tác tại các vùng khó khăn do điều kiện thiếu thốn, vất vả,…nên vẫn rất khó đạt được các tiêu chuẩn để được xét tặng các danh hiệu cao quý trên.

Dù khó khăn, giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Ảnh minh họa: L.C

Dù khó khăn, giáo viên vẫn bám trường, bám lớp. Ảnh minh họa: L.C

Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để được xét tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú

Tại Điều 4 Nghị định 27/2015/NĐ-CP quy định thời gian xét tặng và công bố danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú”: “Danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng ba năm một lần và công bố vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.

Căn cứ theo Điều 9 quy định về tiêu chuẩn Nhà giáo Ưu tú như sau:

“Điều 9. Tiêu chuẩn danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú”

Danh hiệu “Nhà giáo Ưu tú” được xét tặng cho các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định này và đạt các tiêu chuẩn cụ thể sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương nơi cư trú.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, tận tụy với nghề, là tấm gương sáng, là nhà giáo mẫu mực, tiêu biểu, xuất sắc có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội, được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng; đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; quản lý, giảng dạy đạt chất lượng, hiệu quả cao.

3. Đã 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 07 lần được tặng danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 07 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng; 01 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bộ hoặc danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, bộ; 01 lần được tặng Bằng khen cấp tỉnh, bộ.

4. Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau:

a) Giáo viên mầm non:

Đảm bảo chất lượng và hiệu quả nuôi dạy trẻ; chăm sóc, giáo dục trẻ đạt chất lượng cao, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng; có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập, góp phần thu hút trẻ đến trường; thực hiện xuất sắc mục tiêu, yêu cầu của ngành học giáo dục mầm non; hướng dẫn, vận động được nhiều cha mẹ các cháu nuôi dưỡng, chăm sóc con theo phương pháp khoa học; được cha mẹ các cháu tín nhiệm; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu.

b) Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở:

Có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của học sinh trong học tập; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp huyện trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến về đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục học sinh đã được áp dụng có hiệu quả cao trong trường, được hội đồng sáng kiến cấp huyện nghiệm thu.

c) Giáo viên trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập, trường giáo dưỡng:

Giảng dạy, giáo dục đạt chất lượng và hiệu quả cao; phát huy được năng lực, tính chủ động, sáng tạo, hợp tác của người học; giúp đỡ được 02 giáo viên trở thành giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;

Chủ trì 02 sáng kiến hoặc 02 đề tài nghiên cứu khoa học đã được áp dụng hiệu quả trong giảng dạy, giáo dục, được hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu…

5. Nhà giáo có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy từ 15 năm trở lên. Cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.”

Danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” được trao tặng cho các cá nhân đạt các tiêu chuẩn Nhà giáo Nhà giáo nhân dân tại Điều 8 Nghị định 27/2015/NĐ-CP.

Giáo viên vùng khó khăn được ưu tiên gì khi xét danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân?

Đối với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân thì người viết không thấy có tiêu chuẩn nào đề cập đến yếu tố nhà giáo công tác tại vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng ưu tiên gì trong xét danh hiệu trên.

Có nghĩa để được xét danh hiệu Nhà giáo Nhân dân không phân biệt giáo viên vùng thuận lợi hay khó khăn.

Đây cũng là một thiệt thòi cho giáo viên công tác ở các vùng khó khăn.

Đối với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, tại khoản 3 và 4 Điều 9 Nghị định 27 có những ưu tiên sau đây đối với giáo viên công tác vùng khó khăn gồm:

“3. […] Đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Đã 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 05 lần được tặng danh hiệu giáo viên dạy giỏi cùng cấp hoặc 05 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và giáo viên dạy giỏi cùng cấp, trong đó có lần liền kề năm đề nghị xét tặng.

4. Tài năng sư phạm, sáng kiến hoặc đề tài nghiên cứu khoa học được quy định cụ thể với từng đối tượng như sau: ... h) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

Nhà giáo đi đầu trong đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục của đơn vị; có tinh thần khắc phục khó khăn xây dựng trường lớp, vận động được nhiều học sinh đến trường; chăm lo, giúp đỡ học sinh trong học tập; chủ trì 02 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn giảng dạy, giáo dục trong nhà trường; giúp đỡ được 02 giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên;

Cán bộ quản lý giáo dục đi đầu trong đổi mới quản lý giáo dục ở địa phương; có tinh thần khắc phục khó khăn xây dựng trường lớp, vận động được nhiều học sinh đến trường; có 02 sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực, được hội đồng sáng kiến của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp nghiệm thu”.

Như vậy, đối với danh hiệu Nhà giáo Ưu tú tuy có một số ưu tiên cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn nhưng do điều kiện công tác thiếu thốn, vất vả nên nhiều giáo viên dù có nhiều thành tích, cống hiến, được xã hội ghi nhận,… nhưng vẫn khó đạt các danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân.

Cứ đến hẹn 3 năm một lần, vào dịp 20/11 lại có những giáo viên được tôn vinh, ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành quan tâm, xem xét có thể có những ưu tiên nhất định cho giáo viên công tác ở các vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có những người băng rừng, lội suối, đến từng nhà để động viên, mang chữ đến từng học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam