Thông qua bài viết này, bằng kiến thức cá nhân của người viết, căn cứ các cơ sở pháp lý, xin được giải đáp thắc mắc của các bạn đọc về điều kiện, thủ tục và mức hưởng khi nghỉ việc vì tinh giản biên chế mới nhất.
Bạn đọc NGUYỄN HÀ hỏi: “Tôi là nam, sinh ngày 12/02/1965. Công tác từ năm 1989. Trình độ cao đẳng sư phạm hiện đang dạy bậc trung học cơ sở đã đóng bảo hiểm xã hội được 31 năm. Nay xin tôi nghỉ hưu sớm theo diện tinh giản biên chế theo 143 vì không chuẩn trình độ điều kiện, thủ tục làm như thế nào và tiền lương cụ thể là bao nhiêu. Xin cám ơn nhiều. Mong trả lời sớm”
Câu hỏi của bạn gồm 3 phần là điều kiện, thủ tục và mức hưởng khi nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế. Xin được tư vấn cụ thể trường hợp của bạn như sau.
Thứ nhất, điều kiện nghỉ hưu trước tuổi vì tinh giản biên chế
Ảnh minh họa: Quốc Khánh / TTXVN. |
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2014/NĐ-CP, được bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 113/2018/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP thì các trường hợp nghỉ hưu do tinh giản biên chế của Cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức), thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Trưởng hợp 1: Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;
Trường hợp 2: Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;
Trường hợp 3: Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Trường hợp 4: Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng không thể bố trí việc làm khác hoặc được cơ quan, đơn vị bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Trường hợp 5: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.
Trường hợp 6: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Trường hợp 7: Có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và của cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định của pháp luật nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Trường hợp 8: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;
Như vậy, nếu bạn thuộc trường hợp 3 trên sẽ thuộc trường hợp tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật nếu đãm bảo các quy định trong trường hợp trên.
Cụ thể bạn chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, tuy nhiên bạn phải thuộc trường hợp không thể bố trí vị trí khác và cũng không thể đào tạo lại, nếu bạn tự nguyện được tinh giản biên chế thì bạn có thể liên hệ hiệu trưởng trường để nắm thêm chi tiết.
Bên cạnh đó bạn cũng có thể tham khảo các trường hợp khác về tinh giản biên chế xem mình có thuộc đối tượng tinh giản biên chế không.
Thứ hai, hồ sơ và thủ tục tinh giản biên chế
Hồ sơ và thủ tục tinh giản biên chế thực hiện theo văn bản số 1355/UBDT-TCCB của Ủy ban Dân tộc về việc lập hồ sơ tinh giản biên chế năm 2019 theo Nghị định 108/2014/NĐCP và Nghị định 113/2018/NĐCP về tinh giản biên chế.
Hồ sơ và thủ tục gồm các nội dung sau:
Biên bản họp toàn thể công chức, viên chức của đơn vị đưa đối tượng vào diện tinh giản biên chế;
Biên bản họp của lãnh đạo, chi ủy, công đoàn về việc thống nhất đối tượng tinh giản biên chế của đơn vị;
Tờ trình đề nghị tinh giản biên chế kèm theo: Đề án tinh giản biên chế của đơn vị, Biểu mẫu theo Thông tư số 01/2015/TTLT-BNV-BTC của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính gồm các biểu mẫu 1a, 1b, 1c, 1d và biểu 2;
Danh sách trích ngang những đối tượng tinh giản biên chế và dự toán kinh phí thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định của Chính phủ.
Thứ ba, mức hưởng khi nghỉ hưu sớm vì tinh giản biên chế
Trường hợp giáo viên về hưu trước tuổi thuộc trường hợp tinh giản biên chế thì sẽ được hưởng các chính sách theo quy định tại Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 8. Chính sách về hưu trước tuổi
1. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, còn được hưởng các chế độ sau:
a) Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi;
b) Được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động;
c) Được trợ cấp 05 tháng tiền lương cho hai mươi năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội được trợ cấp 1/2 (một phần hai) tháng tiền lương.
2. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và chế độ quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này và được trợ cấp 03 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động.
3. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
4. Đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Điều 6 Nghị định này nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.”
Trên đây là các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục và chính sách về tinh giản biên chế xin được trao đổi cùng bạn.
Xin được tư vấn cùng bạn. Phần trả lời có tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp mà có cách áp dụng khác nhau.