Giáo viên bị "hành" bởi yêu cầu minh chứng, Bộ cần sửa thông tư

18/06/2022 06:38
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm nào giáo viên cũng phải phô tô lại các văn bằng, chứng chỉ để minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp nhà giáo từ năm 2009 cho đến nay.

Năm học 2021-2022 đến thời điểm này đã có nhiều địa phương tổng kết và cũng có nhiều địa phương chưa kết thúc năm học nhưng dù đã kết thúc hay chưa kết thúc năm học thì các nhà trường cũng đều có điểm chung là phải đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng ở đơn vị mình.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng hiện nay đang được thực hiện qua nhiều bước với nhiều biểu mẫu khác nhau nên nó mất rất nhiều thời gian cho công việc này.

Đặc biệt, những tổ trưởng chuyên môn và hiệu trưởng ở các trường phổ thông phải thực hiện thêm rất nhiều công việc sau khi mà giáo viên tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá, tổ chuyên môn đánh giá chuẩn.

Nhưng, mấu chốt của việc thực hiện này chẳng mang lại hiệu quả gì cụ thể nào cho nhà trường và giáo viên nhưng nó đang tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của hàng triệu nhà giáo.

Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo phải trải qua nhiều bước khác nhau (Ảnh chụp từ màn hình)

Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo phải trải qua nhiều bước khác nhau (Ảnh chụp từ màn hình)

Quy trình đánh giá chuẩn hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp quá nhiêu khê

Cuối năm học, giáo viên ở các trường phổ thông tất bật với chấm bài kiểm tra, báo cáo cuối năm, vào điểm trên phần mềm, vào học bạ cho học sinh, rồi đánh giá viên chức cuối năm…

Thế nhưng, có một việc đang chiếm rất nhiều thời gian của nhà giáo ở các cơ sở giáo dục là đánh giá chuẩn nghề nghiệp nhà giáo theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT và đánh giá chuẩn hiệu trưởng theo Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT.

Theo hướng dẫn của đánh giá và xếp loại đánh giá thì chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn – 18 tiêu chí, trong đó lưu ý các tiêu chí quan trọng gồm 1, 2, 4, 5, 6, 8, 10, 12, 13, 14. Nếu 1 trong các tiêu chí quan trọng hoặc 1/3 tiêu chí không đạt thì chưa đạt chuẩn hiệu trưởng.

Việc đánh giá hiệu trưởng/phó hiệu trưởng theo Công văn số 4529/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 01/ 10/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đánh giá chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông có 2 phụ lục.

Phụ lục 1: Ví dụ minh chứng các tiêu chí; Phụ lục 2: Gồm 4 biểu mẫu:

Bước 1: Hiệu trưởng tự đánh giá theo biểu mẫu 1 trên căn cứ minh chứng ở phụ lục 1; Bước 2: Lấy ý kiến giáo viên theo mẫu 2; Bước 3: Công đoàn tổng hợp theo biểu mẫu 3; Bước 4: Đóng cuốn hồ sơ đánh giá riêng hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (gồm biểu mẫu 1, 3 và 4), gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Việc đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông sẽ căn cứ Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông kèm theo Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Quy trình đánh giá và xếp loại đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm 5 tiêu chuẩn – 15 tiêu chí, trong đó lưu ý các tiêu chí quan trọng gồm 3, 4, 5, 6, 7 thuộc Điều 5 tiêu chuẩn 2. Nếu 1 trong 15 tiêu chí không đạt thì xếp loại giáo viên chưa đạt chuẩn nghề nghiệp.

Việc đánh giá giáo viên theo Công văn số 4530/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 01/10/ 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông có 2 phụ lục.

Phụ lục 1: Ví dụ minh chứng các tiêu chí; Phụ lục 2: Gồm 4 biểu mẫu:

Bước 1: Giáo viên tự đánh giá theo biểu mẫu 1 trên căn cứ minh chứng ở phụ lục 1; Bước 2: Đồng nghiệp đánh giá giáo viên theo biểu mẫu 2 (Tổ chuyên môn – Một người đánh giá các giáo viên còn lại trong tổ); Bước 3: Tổng hợp tổ chuyên môn theo biểu mẫu 3; Bước 4: Hiệu trưởng đánh giá và tổng hợp danh sách toàn trường theo biểu mẫu 4; Bước 5: Báo cáo về Phòng, Sở theo bảng tổng hợp đánh giá theo biểu mẫu 4.

Ngoài các bước đánh giá này, điều không thiếu được là mỗi tiêu chuẩn trong bộ chuẩn phải có minh chứng cho từng tiêu chí cụ thể và minh chứng này phải photo (nộp cho trường) và chụp ảnh hoặc chuyển sang file PDF (các kế hoạch giáo dục) khi tải lên phần mềm TEMIS.

Với một quy trình tuần tự qua nhiều bước như vậy nên mỗi khi thực hiện việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng hay chuẩn nghề nghiệp giáo viên là đội ngũ nhà giáo dưới cơ sở rất ngán ngại - nhất là các tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng ở các trường loại I vì nó mất rất nhiều thời gian.

Vì sau khi tổ chuyên môn họp, đánh giá từng giáo viên, giáo viên đánh giá cho đồng nghiệp và đánh giá chuẩn hiệu trưởng cho hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng nhà trường thì các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn còn phải tổng hợp lại tất cả các tiêu chí của giáo viên trong tổ và nhận xét điểm mạnh, điểm yếu …của từng giáo viên.

Tiếp theo, tổ trưởng chuyên môn còn phải đánh giá đồng nghiệp của tổ mình một lần nữa trên phần mềm TEMIS với tất cả các tiêu chí và đưa ra những nhận xét cho từng giáo viên trên phần mềm.

Cập nhật việc đánh giá chuẩn trên phần mềm TEMIS có tác dụng gì?

Theo quy định thì năm học 2021-2022 thì giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông bắt buộc phải đánh giá đầy đủ 3 bước (tự đánh giá, đồng nghiệp đánh giá, thủ trưởng đánh giá).

Chính vì thế, sau khi thực hiện các bước đánh giá chuẩn ở tổ chuyên môn thì bắt buộc giáo viên phải tự đánh giá, cập nhật minh chứng lên phần mềm TEMIS.

Sau đó, đến các tổ trưởng chuyên môn sẽ đánh giá, nhận xét giáo viên trong tổ của mình trên phần mềm.

Những trường loại I thì có tới cả trăm giáo viên, các tổ chuyên môn đều trên chục người nên hiệu trưởng và các tổ trưởng chuyên môn phải mất rất nhiều thời gian, thậm chí vài ngày cho công việc này.

Trên phần mềm TEMIS của Bộ viết như sau: “Mục đích của công tác đánh giá đội ngũ theo chuẩn là nhằm theo dõi, đánh giá sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả hệ thống giáo dục, từng tỉnh, từng huyện, từng trường và từng cá nhân, làm căn cứ cho việc xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng.

Kết quả đánh giá theo chuẩn cũng là căn cứ để đánh giá chất lượng, hiệu quả và cập nhật các chương trình bồi dưỡng thường xuyên của các địa phương và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đổi mới giáo dục”.

Tuy nhiên, theo đánh giá của đội ngũ nhà giáo dưới cơ sở thì việc đánh giá chuẩn và cập nhật minh chứng trên phần mềm TEMIS chẳng có tác dụng gì cụ thể.

Bởi, các minh chứng là văn bằng, chứng chỉ của giáo viên- những thứ đã có sẵn trong hồ sơ cá nhân ở nhà trường và đã được cán bộ tổ chức, nội vụ của phòng - sở giáo dục và phòng - sở nội vụ quản lý cụ thể và gần như các văn bằng chứng chỉ này cố định ngay từ khi giáo viên được tuyển dụng.

Thế nhưng, năm nào cũng phải phô tô lại các văn bằng, chứng chỉ để minh chứng cho các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp nhà giáo từ năm 2009 cho đến nay.

Các kế hoạch giáo dục của giáo viên thì đã được nhà trường, tổ trưởng chuyên môn phê duyệt hàng tháng hoặc từ đầu năm học. Kết quả học tập của học sinh thì nhà trường đã tổng kết, hiện hữu trên phần mềm nhập điểm và giáo viên đã vào trong học bạ của học sinh.

Phiếu dự giờ thì giáo viên được đồng nghiệp (tổ trưởng, tổ phó) dự và nộp lên Ban giám hiệu lưu trong hồ sơ chuyên môn của từng giáo viên. Bản đánh giá, xếp loại viên chức thì giáo viên, nhà trường đánh giá xong thì các thầy cô giáo đã nộp lại cho nhà trường lưu trong hồ sơ cá nhân của giáo viên theo từng năm.

Vậy, hà cớ gì giáo viên còn phải chụp hình lại, hoặc phải chuyển các kế hoạch sang file PDF để tải lên phần mềm TEMIS?

Hàng triệu giáo viên tự đánh giá, tải minh chứng và tổ trưởng, hiệu trưởng đánh giá giáo viên trong tổ, trong đơn vị mình xong thì lãnh đạo phòng, sở và các cơ quan chuyên môn của Bộ có đọc, có xem và đọc, xem hết được hay không?

Vì vậy, để xóa bỏ những việc làm không cần thiết đang "hành" thầy cô, Bộ cần xem xét sửa thông tư để giáo viên bớt khổ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG