Tôi lại lo Thông tư 22 sẽ tăng gấp đôi áp lực học thêm lên học sinh phổ thông

24/08/2021 07:13
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc học sinh phải đạt 6 môn 8,0 trở lên/8 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, mới có "danh hiệu" sẽ làm cho nhà trường tăng cường dạy thêm?

Bài viết “Thế là tới đây sẽ không còn môn chính, môn phụ, cảm ơn Bộ Giáo dục!” của tác giả Hồng Nhung, đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 21/8/2021 đã nhận được sự đồng thuận của dư luận; bài viết được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhận được nhiều chia sẻ của bạn độc.

Bạn Đông Đồng chia sẻ: Dù cách đánh giá thấy đổi thế nào thì Toán, Văn, Anh vẫn là các môn chính, các môn khác đừng có ảo tưởng. Như trước đây cấp tiểu học từng thay đổi cách đánh giá môn học để chống dạy thêm, học thêm nhưng kết quả là chẳng chống được gì.

Bạn Nguyễn Thị Hạ: Tôi chỉ lo "bình mới rượu cũ" thôi, vì bệnh thành tích đã thành "thâm căn cố đế" rồi. Nếu không xóa bỏ được bệnh thành tích trong nhà trường và trong phụ huynh thì học sinh còn khổ hơn cả "ngày xưa" luôn. Trước đây, nhà trường ép giáo viên nâng điểm cho học sinh 3 môn, phụ huynh bắt con đi học thêm, "mua điểm" 3 môn,... thì trong tương lai nhà trường có thể ép giáo viên nâng điểm 6 môn, phụ huynh cho con đi học thêm 6 môn, như vậy số tiền bỏ ra "mua điểm" lại tốn gấp đôi

Bạn Hiếu Văn bình luận: Rất là tiếc cho các lớp học sinh chưa được áp dụng theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo có cách quy đổi tương đương thì những học sinh và các thầy cô đỡ bị phân biệt.

Bạn Vũ Hiếu chia sẻ: Hiện nay xã hội phân môn chính hay phụ là theo môn thi vào 10 và đại học, không xóa bỏ đơn giản vậy đâu.

Khi thi tuyển sinh vào lớp 10 thì thi môn gì? Nếu thi Toán, Văn, Ngoại Ngữ thì phụ huynh và học sinh, thậm chí là giáo viên và ban giám hiệu nhà trường vẫn xem 3 môn đó là chính.

Bạn Ngô Gia Trí bình luận: Quan điểm của tác giả Hồng Nhung có vẻ hơi lạc quan thái quá. Trước đây có ba môn được xem là môn chính Toán, Văn và Ngoại ngữ thì có vẻ thiệt cho các môn khác. Nay chẳng còn phân biệt nữa thì tất cả các môn đều sẽ là môn chính và nỗi khổ học sinh sẽ tăng lên gấp bội.

(Ảnh minh họa: Báo Lao động).

(Ảnh minh họa: Báo Lao động).

Trước học thêm 3 môn nay phải học thêm gấp bội?

Theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, kết quả học tập trong từng học kì, cả năm học, để đạt được Mức tốt: tất cả các môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức đạt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên.

Hiệu trưởng tặng giấy khen cho 4 đối tượng: học sinh có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập trong năm học; có thành tích đặc biệt; Học sinh Xuất sắc; Học sinh Giỏi.

Danh hiệu "Học sinh Xuất sắc" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện, học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 06 (sáu) môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9,0 điểm trở lên.

Danh hiệu "Học sinh Giỏi" đối với những học sinh có kết quả rèn luyện, học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt. Học sinh được đánh giá mức khá không còn được khen thưởng như trước đây.

Như vậy, muốn có được danh hiệu, được giấy khen, học sinh phải được xếp loại tốt, các môn đánh giá cho điểm kết hợp nhận xét phải có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên/8 môn học.

Chính điều kiện có ít nhất 6 môn đạt mức 8,0 trở lên/8 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số mới có "danh hiệu", mới có giấy khen đã làm dư luận lo lắng học sinh sẽ phải học thêm 8 môn thay vì chỉ 3 môn chính (Toán, Văn, Anh) hiện nay.

Lo lắng của phụ huynh không phải không có cơ sở khi "bệnh thành tích" đã ăn sâu vào giáo dục và xã hội; phụ huynh hãnh diện, tự hào khi con có giấy khen; nhà trường tự hào khi tỷ lệ học sinh được khen thưởng năm sau cao hơn năm trước.

Để có "danh hiệu" khi áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, học sinh sẽ phải có năng lực thật sự, nếu không được dạy thêm, học thêm để mớm đề kiểm tra, khó mà đạt danh hiệu.

Vì thế, có mối giao hòa giữa nhu cầu của phụ huynh và nhà trường, dạy thêm học thêm sẽ có cơ sở để phát triển.

Làm sao chặn nguy cơ dạy thêm tràn lan khi áp dụng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT?

Việc học sinh phải đạt 6 môn 8,0 trở lên/8 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số, mới có "danh hiệu" có thể sẽ làm cho một số nhà trường tăng cường tổ chức dạy thêm... chính khóa, số môn dạy thêm sẽ tăng lên, ít nhất 6 môn chứ không phải chỉ 3 môn như hiện nay.

Việc tăng số môn dạy thêm chính khóa sẽ tăng thu nhập cho giáo viên, lãnh đạo; thiệt thòi học sinh và phụ huynh phải gánh chịu.

Dạy thêm, học thêm đang được quy định theo Thông tư Số: 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định Số: 2499/QĐ-BGDĐT.

Nguyên tắc dạy thêm, học thêm theo Thông tư Số: 17/2012/TT-BGDĐT không hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực người học, trái ngược hoàn toàn với mục tiêu đổi mới giáo dục hiện nay.

Nói cách khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có văn bản mới, thay thế Thông tư Số: 17/2012/TT-BGDĐT và Quyết định Số: 2499/QĐ-BGDĐT, nếu vẫn cho phép dạy thêm, học thêm khi học sinh áp dụng chương trình mới.

Khi chưa có văn bản quản lý dạy thêm thay thế, đề nghị Bộ cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm với khối lớp thực hiện chương trình mới.

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT không phải là cây đũa thần, dù nó được dư luận đồng tình; vẫn còn đó rất nhiều việc để làm, như thay đổi tuyển sinh lớp 10, tuyển sinh đại học, Bộ cần có dự thảo để định hướng dư luận cũng như khẳng định con đường đổi mới của mình... để đạt mong ước của xã hội, trả lại tuổi thơ cho học trò.

Còn dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay, dạy người chỉ có trên văn bản, trên ti vi, ... chứ không có được mấy phần trong thực tế, thực tiễn của cuộc sống.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nói “Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là điều cần phải kiên định, kiên trì, xuyên suốt. [1]

Để dạy người đạt kết quả cao nhất, không gì hơn, mỗi cán bộ lãnh đạo từ cấp bộ đến cấp sở, cấp phòng, cấp trường; thầy cô giáo; mỗi người là tấm gương, có đầy đủ 5 phẩm chất, 10 năng lực mà giáo dục đang hướng đến để dạy cho học sinh.

Người công tác trong ngành giáo dục, có đầy đủ 5 phẩm chất, 10 năng lực, mà giáo dục đang hướng đến để dạy cho học sinh, chắc chắn tiêu cực trong giáo dục sẽ bị triệt tiêu, trong đó có dạy thêm tràn lan.

Tài liệu tham khảo:

Thông tư Số: 17/2012/TT-BGDĐT

Quyết định Số: 2499/QĐ-BGDĐT

Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT

[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-truong-giao-duc-muc-tieu-uu-tien-so-1-cua-giao-duc-pho-thong-la-day-nguoi-post220391.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai