Cha mẹ, thầy cô cần thay đổi quan niệm về học thêm, hãy nhìn các thủ khoa 2021

09/08/2021 06:49
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đừng vì lạm dụng học thêm mà biến các em từ học sinh giỏi, rất giỏi thành những em thi không tốt trong các kỳ thi quan trọng.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt I vào ngày 7 và 8 tháng 7/2021 đã được tổ chức cơ bản là thành công của ngành giáo dục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Khi mà kết quả kỳ thi được công bố, thì cũng là lúc nhìn lại kết quả, tuyên dương, khen thưởng và rút kinh nghiệm những vấn đề còn tồn tại để thực hiện tốt hơn.

Trong bài viết này người viết xin điểm lại thành tích của các thủ khoa và chia sẻ của các em về quá trình học tập để các giáo viên, phụ huynh và các em học sinh khác có định hướng học tập nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Một số thủ khoa các khối năm 2021

Ở khối B: Với 3 điểm 10 tròn trĩnh, nữ sinh Võ Thị Kim Anh (học sinh lớp 12 Toán 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh) trở thành Thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Ở khối A: Với việc giành được tổng điểm 29,55 (đạt 9,8 điểm môn Toán; 9,75 điểm môn Vật lý và 10 điểm môn Hóa), em Trần Cao Sơn (học sinh lớp 12A1, Trường trung học phổ thông Hùng Thắng, Hải Phòng) trở thành thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển khối A cao nhất cả nước sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021.

Nữ sinh Võ Thị Kim Anh là thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nữ sinh Võ Thị Kim Anh là thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Còn ở khối C có 2 em thủ khoa cùng đạt 29,25 điểm gồm:

Một là Bùi Quốc Bảo của tỉnh Khánh Hòa. Quốc Bảo đạt 9,25 điểm môn Ngữ văn, 10 điểm môn Lịch sử và 10 điểm môn Địa lý. Em cũng là thí sinh duy nhất đạt 2 điểm 10 của khối C.

Hai là em Đinh Thị Kim Ngân đạt 29,25 điểm ở khối C. Trong đó, em đạt điểm 9,5 môn Ngữ văn, 10 điểm môn Lịch sử và 9,75 điểm môn Địa lý. Kim Ngân là học sinh lớp 12C3 - Trường trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An.

Ở khối D - Đạt tổng điểm 29,15, Bùi Thị Ngọc Quỳnh (học sinh lớp 12A1, Trường trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Kon Tum) trở thành thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển khối D cao nhất cả nước sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021. Cụ thể em đạt đạt 9,4 điểm Toán; 9,75 điểm Ngữ văn và 10 điểm môn Tiếng Anh.

Là thủ khoa khối A1 của cả nước với tổng điểm 29,55, Thân Trọng An (học sinh Trường trung học phổ thông Lục Nam – Bắc Giang) còn trở thành thủ khoa khối D của Bắc Giang khi đạt 28,55 điểm ở khối thi này. [1]

Ở tỉnh Ninh Bình có 2 thủ khoa tỉnh là: em Vũ Mạnh Tùng, Thủ khoa khối A01 lớp 12 Toán 1, Trường Trung học Phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy, xuất sắc đạt 28,85 điểm (Toán 9,8; Lý 9,25; Tiếng Anh 9,8 điểm) là một trong hai thủ khoa của tỉnh ở khối A01. Bên cạnh đó, điểm thi 3 khối A01, D01 và D07, Mạnh Tùng đều đạt trên 28 điểm.

Và em Nguyễn Ngọc Huy, lớp 12A, trường Trung học Phổ thông Bình Minh, huyện Kim Sơn đã luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Tại Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2021, Huy soán ngôi thủ khoa khối A00 của tỉnh với tổng điểm 28,60, trong đó Toán 9,6, Vật lý 9,75 và Hóa học 9,25. [3]

Những thủ khoa nhờ tự học, không học thêm

Sau bài viết “Thủ khoa không đi học thêm giành 3 điểm 10 khối B, mong trở thành bác sĩ” của tác giả Tuệ Minh đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã giúp cho các bậc phụ huynh, giáo viên và các em học sinh có cái nhìn toàn diện, đúng đắn về việc dạy thêm hiện nay.

Nội dung bài viết nêu: Với 3 điểm 10 tròn trĩnh, nữ sinh Võ Thị Kim Anh (Học sinh lớp 12 Toán 1, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh) không chỉ trở thành Thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021.

Nữ sinh cũng sở hữu thành tích học tập xuất sắc trong suốt 3 năm học Trung học phổ thông và từng 2 lần giành giải Nhì ở kỳ thi học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh lớp 10 và lớp 12.

Chia sẻ về quá trình học và đạt thủ khoa, Kim Anh vẫn khiêm tốn: “Thực ra, em không có bí quyết đặc biệt. Em chỉ cho rằng, muốn học tốt các môn học thì cần phải tiếp cận và nắm thật chắc những kiến thức nền, nên em tập trung cao độ để nghe giảng trên lớp.

Bên cạnh đó, em cũng tìm cách tự bổ sung kiến thức, học hỏi thêm những kiến thức mà mình chưa thực sự chắc chắn, từ thầy cô, bạn bè. May mắn là phong trào học nhóm và thảo luận, trao đổi bài trong lớp em rất hiệu quả. Khi về nhà, em dành nhiều thời gian để làm thêm bài tập, mở rộng thêm kiến thức.

Tuy nhiên, em chỉ tập trung học vào ban ngày, mà ít khi thức thức khuya để “cày đêm”, em thường đi ngủ trước 12h và thức dậy từ 5h sáng để đảm bảo tinh thần minh mẫn, tốt nhất cho việc học”.

Do điều kiện gia đình không thể cho Kim Anh đi học thêm, nên nữ sinh sử dụng tối đa thời gian của bản thân cho tự học. Đó cũng chính là bí quyết riêng của cô bạn. [2]

Một học sinh khác là em Thân Trọng An, học sinh Trường Trung học phổ thông Lục Nam, tỉnh Bắc Giang dù ở vùng tâm dịch, không thể đến trường trong những tháng qua, An nỗ lực tự ôn tập, giành tổng điểm 29,55 điểm, trở thành thủ khoa khối A1 toàn quốc. Em cũng là thủ khoa khối D của tỉnh Bắc Giang.

Một kết quả tuyệt vời cho tinh thần ham học, tự học và không học thêm của em An.

Bật mí về bí quyết học đều các môn em Vũ Mạnh Tùng chia sẻ, em luôn sắp xếp, bố trí thời gian học một cách khoa học và nghiêm túc. Trên lớp, em cố gắng nghe giảng, tiếp thu bài, có gì thắc mắc sẽ hỏi luôn thầy cô để nắm vững kiến thức. Về nhà, em sẽ tìm hiểu, học hỏi trên sách tham khảo và nguồn tài liệu trên mạng. Đặc biệt, em sẽ không học quá khuya, ăn ngủ đúng giờ, khoa học giúp em có sức khỏe để việc học tập hiệu quả hơn.

Theo Tùng, đam mê với môn Toán cũng là cơ sở để giúp em học tập có tư duy nhanh nhạy và logic.

Còn đối với em Nguyễn Ngọc Huy, thầy Lã Duy Tiến, giáo viên Toán, chủ nhiệm lớp 12A, Trường Trung học Phổ thông Bình Minh đánh giá là học sinh thông minh, chăm chỉ, học đều các môn. Mỗi khi nghe giảng, em rất tập trung, tiếp nhận tốt kiến thức của thầy cô truyền dạy. Huy cũng là người điềm tĩnh, cẩn thận, chu đáo, ham học hỏi từ nhiều kênh học tập để nâng cao kiến thức của mình. Không chỉ học giỏi các môn văn hóa, Huy còn là chàng trai đa tài, biết chơi đàn piano, tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ của trường, của lớp.[3]

Một học sinh khác là em Trần Phương Mai (Phú Xuyên, Hà Nội) với số điểm 29,15, là thủ khoa khối A1 của Hà Nội, nữ sinh này chia sẻ bản thân không học thêm và không ôn đêm. [4]

Những chia sẻ của em thủ khoa về khả năng tự học, học nhóm, không học thêm,... đáng để cho các bạn học sinh khác học hỏi và noi theo.

Lan tỏa tinh thần tự học, tự nghiên cứu và không học thêm

Theo chia sẻ trên, đa số các em đạt giải thủ khoa nhờ tự học, không học thêm hầu hết là nhờ tự học, tự nghiên cứu mà nhờ bản thân tự nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện, phân bố bố trí thời gian học hợp lý,…

Bên cạnh đó, các em học sinh đạt giải I, II,… trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hay các em đạt giải I, II,… của kỳ thi đường lên đỉnh Olympia,… đều có những trải nghiệm, chia sẻ đạt giải cao, được du học,… đa số nhờ tự học, không phải từ học thêm.

Nếu lạm dụng học thêm, mất đi sự tự tin, tự học và cố gắng bằng chính sức của mình, chưa chắc các em sẽ trở thành các thủ khoa.

Từ những thông tin này, người viết thiết nghĩ các cấp quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh và học sinh nên thay đổi quan niệm, suy nghĩ về dạy thêm, học thêm. Việc học thêm, dạy thêm chỉ thực sự cần thiết đối với học sinh trung bình, yếu, không có khả năng tự học, thiếu tự tin. Các em khá, giỏi nên rèn các em tinh thần tự học, tự nghiên cứu, học nhóm, khai thác nguồn tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau,…

Nếu học sinh từ khi còn nhỏ lạm dụng học thêm để có điểm cao thì các em đã đánh mất đi sự tự học, đánh mất đi sự tự tin trong học tập, khả năng trải nghiệm,… các em học sinh giỏi, tiêu biểu, xuất sắc sẽ không bao giờ đạt thành tích cao, lâu dài và ổn định.

Hệ quả của việc dạy thêm trái phép, dạy thêm tràn lan không chỉ khiến các em học sinh mất khả năng tự học, khả năng phấn đấu, mất đi khả năng khẳng định bản lĩnh bản thân, tự tin… mà còn gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Thực tế hiện nay có rất nhiều phần mềm, nhiều trang web, nhiều trang youtube của giáo viên giỏi hướng dẫn học sinh học, tự học, nguồn ngữ liệu phong phú,… giúp học sinh tự học, học nhóm mang lại hiệu quả tích cực hơn nhiều đối với việc học thêm hiện nay.

Muốn có nhiều học sinh giỏi, biết trải nghiệm, sáng tạo, kỹ năng sống tốt,… có khả năng đáp ứng cuộc sống thì phải quản lý chặt việc quản lý dạy thêm và giáo dục các em tự học, tự cố gắng.

Đã đến lúc, các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và các em học sinh nên có cái nhìn tích cực về việc tự học, thầy, cô giáo bằng trách nhiệm, tình yêu thương hãy dạy các em tự học, tự nghiên cứu, sự nỗ lực, cố gắng trong học tập và các hoạt động khác.

Đừng vì lạm dụng học thêm mà biến các em từ học sinh giỏi, rất giỏi thành những em thi không tốt trong các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh lớp 10, tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/danh-sach-21-thu-khoa-va-a-khoa-thi-tot-nghiep-thpt-2021-759726.html

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-khoa-khong-di-hoc-them-gianh-3-diem-10-khoi-b-mong-tro-thanh-bac-si-post219735.gd

[3] https://vtv.vn/giao-duc/cac-thu-khoa-bat-mi-bi-quyet-hoc-tap-hieu-qua-20210729183613627.htm

[4] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-khoa-khoi-a1-cua-ha-noi-khong-hoc-them-khong-on-dem-post219845.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM