"Muốn được điểm 10 thì phải làm gì?"

11/09/2014 06:40
Hồng Nhung
(GDVN) - Khi trả lời được ba câu hỏi “Tại sao em được 5?”, “Em muốn được 6 thì làm thế nào? Em muốn được 10 thì phải làm gì nữa?” thì đấy mới là đánh giá.

Ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học thay thế Thông tư số 32/2009/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học có hiệu lực từ này 15/10/2014, vậy thì thay đổi cách đánh giá học sinh cần phải thay đổi từ những vấn đề nào, từ giáo án, nhận xét của thầy cô hay cả kênh "họp phụ huynh"? 

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Mai Văn Hưng – Chủ nhiệm bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Giáo dục đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nhân học và Phát triển trí tuệ - ĐHQG HN.

Giáo viên phải trả lời được ba câu hỏi

Theo PGS.TS Mai Văn Hưng, mục đích của Thông tư này nhằm giảm áp lực không cần thiết với học sinh, áp lực mà lâu nay đã góp phần làm vơi đi sự hồn nhiên tuổi thơ của các em. Sự thay đổi này hoàn toàn phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học, không phải ở nước mình mà nhiều nước trên thế giới cũng đã làm.

Từ ngày 15/10/2014, quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học chính thức được áp dụng trên cả nước
Từ ngày 15/10/2014, quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học chính thức được áp dụng trên cả nước

PGS.TS Mai Văn Hưng cũng chia sẻ thêm: “Thực chất hiện nay, tiểu học chỉ cần nhận xét là được, nhận xét cũng là một phần của kiểm tra đánh giá. Ở các cấp học cao hơn ở phổ thông việc kiểm tra đánh giá nằm trong hoạt động thường xuyên của quá trình dạy học. Hãy hình dung bố cục một tờ giấy kiểm tra có một ô vuông nhỏ bên phải ghi “Điểm” và một ô dài hơn bên trái ghi “Lời phê”. Hiểu đơn giản nhất thì “Điểm” chính là phần “kiểm tra”, lời phê là phần “đánh giá”, trong khi đó tờ giấy thi bố cục chỉ có ô kiểm tra (ô nhỏ) mà không cần ô đánh giá (ô lớn hơn) nữa.

Thực tế lâu nay nhiều giáo viên sau khi cho điểm vào ô nhỏ việc viết vào ô bên trái chỉ là giải mã con điểm chứ không phải là đánh giá bài kiểm tra. Chẳng hạn ô nhỏ ghi 5 điểm, ô lớn hơn viết là trung bình, nếu ghi 7 điểm viết là khá mà không giải thích vì sao lại được 5 hay 7.  Lẽ ra phần lời phê phải giải thích rõ bài kiểm tra được 5 vì sao?, muốn được 6 phải làm thế nào? và muốn được 10 phải làm gì?”.

Như vậy, khi trả lời được ba câu hỏi “Tại sao em được 5?”, “Em muốn được 6 thì làm thế nào? Em muốn được 10 thì phải làm gì nữa?” thì đấy mới là đánh giá. Rất tiếc là một số giáo viên không mấy quan tâm đến các câu hỏi này. Vì vậy, học sinh được điểm thấp không biết vì sao bị thấp , không biết cái sai của mình. Mà trong việc học, quan trọng là học từ cái sai của chính mình để không còn bị sai nữa. Thêm nữa việc đánh giá cũng cần có cả những lời khuyến khích để tạo cho học sinh thấy rằng mình ngày càng tiến bộ. Nên nhớ rằng, nếu ta cho học sinh “5­ –“ thì sẽ không hay bằng cho “5+” – PGS.TS Mai Văn Hưng lí giải thêm.

Mặc dù đó những chi tiết nhỏ nhưng nó thể hiện việc chúng ta kiểm tra đánh giá thật công bằng, và đứa trẻ phải được hưởng lợi từ kết quả đánh giá đó. Đấy là kiểm tra đánh giá nói chung.

Lứa tuổi tiểu học đang chuyển từ chơi nhiều học ít (ở bậc mần non) sang chơi ít học nhiều. Tiểu học những năm đầu đang ở ranh giới chuyển từ Chơi - Học sang Học - Chơi. Các em vẫn phải vừa chơi vừa học nên việc nhận xét là cần thiết, không “kiểm tra” (cho điểm) nữa, mà chỉ “đánh giá” (phê) thôi để học sinh biết thế nào là đúng, thế nào chưa đúng, thế nào là tốt ít, thế nào tốt nhiều... sẽ tạo cho các em có hướng phấn đấu, phát triển.

Nhắc tên con thì chú ý

Với cấp tiểu học, một năm thường có 3 cuộc họp phụ huynh vào đầu năm học, cuối học kì I và cuối năm học. Cuộc họp phụ huynh liên quan nhiều đến kiểm tra đánh giá. Tâm thế của người đi họp thường quan tâm con học như thế nào, được bao nhiêu điểm, có thái độ ra sao với bạn bè, thầy cô, đóng tiền thế nào, nhiều hay ít...

Với cuộc họp đầu năm học, PGS.TS Mai Văn Hưng cho rằng: “Ngay từ đầu năm chúng ta đưa ra một nguồn kinh phí ngay trong buổi họp phụ huynh sẽ tạo nên một áp lực kinh tế đối với cha mẹ học sinh, áp lực kinh tế này lại tạo nên áp lực về tinh thần. Người họp phụ huynh có cảm giác như đang bị ép phải đóng...”

PGS.TS Mai Văn Hưng cho rằng cuộc họp cuối kì I là quan trọng nhất giống như nghỉ giữa hiệp của một trận đá bóng. Ảnh: Hồng Nhung
PGS.TS Mai Văn Hưng cho rằng cuộc họp cuối kì I là quan trọng nhất giống như nghỉ giữa hiệp của một trận đá bóng. Ảnh: Hồng Nhung

Kiến nghị được PGS.TS Mai Văn Hưng đưa ra là trong buổi họp phụ huynh đầu tiên nên đưa ra những định hướng học tập nhằm giúp học sinh đạt kết quả tốt, không nên đề cập nhiều đến việc đóng góp những khoản tiền lớn.

Bàn về việc thu tiền từ phụ huynh nếu có nên cho họ biết rõ số tiền đó thu để làm gì, thu như thế nào.... Tính minh bạch trong việc thu chi là quan trọng. Cõ lẽ nếu việc thu chi để phục vụ cho việc học con họ thì mọi người sẽ đồng thuận thôi.

Cũng theo PGS.TS Mai Văn Hưng, trong ba cuộc họp phụ huynh, cuộc họp cuối kì I là quan trọng nhất chứ không phải là cuộc họp cuối năm: “Người ta rất muốn biết kết quả học tập của con họ qua 1 học kì như thế nào và trên cơ sở kết quả đó, họ sẽ có những tác động, giáo dục con họ phấn đấu trong học kì tiếp theo, cái đó là quan trọng, bởi vì kết quả cuối năm mới quyết định việc lên lớp hay ở lại”.

“Họp cuối kì I giống như nghỉ giữa hiệp của 2 hiệp đá bóng. Giữa 2 hiệp chỉ có 15 phút nghỉ, là lúc các HLV trao đổi lại với các cầu thủ để khắc phục lại hiệp 1 chưa tốt, phát huy những gì làm tốt ở hiệp 1, kết quả hiệp 2 là kết quả cuối cùng chung cuộc. Vì vậy, trong buổi họp phụ huynh cuối kì I, giáo viên giống như là HLV phải phân tích được cho phụ huynh biết học kì vừa rồi con có những gì đã được, cái gì chưa được. Việc phân tích không chỉ trong phạm vi toàn lớp mà với từng học sinh” – PGS.TS Mai Văn Hưng lấy thí dụ.

Ông cũng đưa ra một thực tế ở các cuộc họp “người ta cứ thấy nói tên con họ thì người ta chú ý, họ chú ý vị trí con họ so với con người khác. Hai cái đó phải đánh vào tâm lí của họ. Con họ học đến đâu, cái gì được cái gì chưa được … Nhưng nếu ta chỉ đưa mỗi việc cái được và cái chưa được thì chưa đủ mà phải thêm một nội dung quan trọng đó là, nếu chưa được bây giờ muốn được thì phải làm thế nào? phải đưa ra giải pháp để giúp việc giáo dục, việc học của đứa bé đó học kì sau tốt hơn. Quan trọng là cái giải pháp. Người phụ huynh quan tâm làm thế nào để con học tốt, bởi vì không phải ai cũng làm về giáo dục, người giáo viên là người làm về giáo dục nên cần phân tích cái nào được chưa được và phải đưa ra giải pháp”.

PGS.TS Mai Văn Hưng cũng cho rằng, đừng trầm trọng hóa kết quả của học sinh, đừng quá nhấn mạnh sự xếp loại em này thứ nhất, em kia thứ hai, thứ ba, có thể chỉ cần đọc cho phụ huynh điểm tổng kết mà không cần phải xếp hạng, thậm chí không cần đọc điểm tổng kết mà chỉ cần thông báo cho phụ huynh bằng sổ sổ liên lạc gia đình là đủ.

Nên nhớ là không có em học sinh nào hoàn toàn kém, cũng không có em học sinh nào hoàn toàn giỏi, không nên lấy 1, 2 môn làm tiêu chí để đo xếp loại “toàn tập” học sinh, việc  xếp loại theo môn Toán, Văn hoặc theo kết quả học tập chung cũng chỉ là 1 phần của đánh giá.

PGS.TS Mai Văn Hưng  dẫn chứng thêm, Tiến sĩ Tâm lý Howard Gardner cho rằng con người có tám loại trí thông minh, thậm chí còn nhiều hơn. Như vậy, học Toán giỏi cũng là một loại thông minh, học Văn giỏi là một loại thông minh khác, đá bóng giỏi, hát hay,… cũng là những loại thông minh khác nhau

Do đó, cần phải đánh giá học sinh trên cơ sở nhiều mặt, chứ đừng bao giờ chỉ qua học văn hóa. Các môn học là bình đẳng, không nên đặt môn nào hơn môn nào. Lâu nay chúng ta vẫn coi môn chính môn phụ mặc dù Bộ GD&ĐT không bao giờ có văn bản nào quy định môn chính môn phụ. 

“Kết quả học tập chỉ được 5,0 thôi, nhưng môn thể dục được 9 vậy thì phải khen em có năng khiếu sở trường về thể dục thể thao, cái này rất tốt vì sức khỏe là vốn quý, có em âm nhạc tốt, điểm âm nhạc cao là có năng khiếu âm nhạc… Phụ huynh nghe thấy con học lực trung bình nhưng có năng khiếu âm nhạc, họ thấy thoải mái, học trung bình nhưng đá bóng cũng tốt sau này trở thành cầu thủ...” – ông bày tỏ thêm.

Thêm vào đó, PGS.TS Mai Văn Hưng chia sẻ, trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chỉ cần nhận nét khái quát cho mỗi  học sinh qua 1,2 câu thôi, em nào cũng được nhắc tên, còn cụ thể, chi tiết sẽ được ghi trong sổ theo dõi, sổ liên lạc.

Về cuộc họp tổng kết cuối năm học không phải là quan trọng nhất so với cuộc họp cuối kì I. Cuộc họp cần cung cấp cho người ta thông tin về cả một năm giáo dục, dĩ nhiên vẫn phải phân tích những điểm được và chưa được, bởi các em vẫn học tiếp năm học sau. Cuộc họp cuối năm, kết thúc nặng về kết quả kiểm tra hơn là về đánh giá (cuối kì I nặng về kết quả đánh giá hơn là kết quả kiểm tra). Bên cạnh các cuộc họp chính thống cũng có những cuộc họp riêng mang tính chất bất thường...

Hồng Nhung