Mọi người cầu Tết no ấm, giáo viên mầm non tư thục chỉ mong trở lại trường!

22/01/2022 06:38
PHẠM LINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là tâm tư, nguyện vọng của nhiều giáo viên trường mầm non tư thục khi không có việc làm cũng như thu nhập do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp tại Hải Phòng, các trường mầm non trên địa bàn thành phố buộc phải đóng cửa để đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh.

Trong đó, các cơ sở giáo dục mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn khi không có doanh thu từ nguồn học phí, giáo viên không có việc làm cũng như nguồn thu nhập.

Tại Trường Mầm non Kitty (quận Lê Chân, Hải Phòng), dịch bệnh khiến 43 cán bộ, giáo viên và nhân viên nhiều tháng qua không có thu nhập cố định mà phải dựa vào các công việc thời vụ để mưu sinh.

Đợt dịch năm 2020, nhà trường còn cố gắng hỗ trợ đóng bảo hiểm cho giáo viên tuy nhiên dịch kéo dài khiến các chủ trường cũng kiệt quệ.

Giáo viên mầm non tư thục mong ngóng từng ngày được quay trở lại trường (Ảnh: NVCC)

Giáo viên mầm non tư thục mong ngóng từng ngày được quay trở lại trường (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đỗ Hồng, quản lý của Trường Mầm non Kitty chia sẻ: “Hai năm qua dịch bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người dân, những giáo viên mầm non ngoài công lập như chúng tôi cũng không ngoại lệ.

Trường dừng hoạt động đồng nghĩa với việc giáo viên không có thu nhập kéo theo đó là cuộc sống bấp bênh hơn.

Cá nhân tôi được gia đình hỗ trợ nhiều nên khi nghỉ dịch chỉ ở nhà tập trung chăm sóc các con, tuy nhiên nhiều đồng nghiệp trong trường không may mắn khi có hoàn cảnh rất khó khăn và phải gánh trên vai nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Nhiều cô giáo phải đi làm công nhân, tư vấn bảo hiểm, bán hàng online hay bán hàng trong các siêu thị, nhận dọn thuê nhà theo tiếng,…

Mặc dù, các cô đã linh hoạt, chủ động chuyển công việc thời vụ để có thêm thu nhập nhưng cũng không tránh khỏi cảnh cuộc sống bị xáo trộn.

Nghỉ dịch, tôi cùng đồng nghiệp thường xuyên chia sẻ, động viên cùng nhau kiên trì gắn bó với các con, với nhà trường.

Có một đồng nghiệp tâm sự với tôi: “Chắc chị đi làm công nhân để có cuộc sống ổn định hơn, dịch cứ như thế này không biết có theo nghề được không!”.

Câu nói ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và mong muốn khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, trường lớp được hoạt động, trẻ con được đến lớp, các cô có cơ hội gắn bó với công việc yêu thích của mình”.

Cô giáo Đỗ Hồng mong muốn khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, trường lớp được hoạt động, trẻ con được đến lớp, các cô có cơ hội gắn bó với công việc yêu thích của mình (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Đỗ Hồng mong muốn khi tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn, trường lớp được hoạt động, trẻ con được đến lớp, các cô có cơ hội gắn bó với công việc yêu thích của mình (Ảnh: NVCC)

Gắn bó với Trường Mầm non Kitty từ những ngày đầu tiên thành lập, cô giáo Đoàn Thị Thuý Hà( 38 tuổi) chia sẻ: "Thời điểm Tết nguyên Đán cận kề, không riêng cô mà toàn thể giáo viên mầm non đều có kỳ vọng trong năm tới, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, cô và trò cùng được đến trường".

Trước dịch, lương của cô Hà rơi vào khoảng 5 triệu đồng, cùng thu nhập của chồng cuộc sống gia đình cô tuy không dư dả nhưng rất ổn định.

“Không có thu nhập trong nhiều tháng khiến cuộc sống gia đình tôi bấp bênh hơn.

Mặc dù chỉ có một cháu đang học cấp 3 nhưng do con đang trong giai đoạn chuẩn bị cho đầu ra đại học nên chi phí học tập khá lớn.

Thu nhập của hai vợ chồng nay giảm còn một nửa nên buộc tôi phải tìm kiếm các công việc thời vụ để bù vào các khoản phí cố định hàng tháng.

Sau khi nghỉ dịch, tôi thường làm việc theo giờ tại các trung tâm thương mại.

Hiện tại, tôi đang nhận làm công việc đóng gói hàng tết tại siêu thị” cô giáo Hà cho biết.

Cô giáo Hà bày tỏ nguyện vọng: “Tôi rất mong muốn được quay trở lại trường bởi bản thân rất yêu và đã gắn bó gần 10 năm với ngôi trường hiện tại.

Mặc dù rất thông cảm, chia sẻ với nhà trường nhưng thực sự nếu thời gian nghỉ dịch tiếp tục kéo dài tôi không biết có trụ được hay không.

Bước sang năm mới, tôi rất mong thành phố quan tâm hơn tới giáo viên mầm non tư thục chúng tôi như việc hỗ trợ để giáo viên không bị gián đoạn bảo hiểm.

Trước thềm Tết Nguyên đán, mỗi một sự động viên, quan tâm về chế độ hay đời sống tinh thần cho giáo viên cũng sẽ là động lực rất lớn để chúng tôi tiếp tục bám trụ với nghề”.

Nhiều giáo viên không thể bám trụ với nghề nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài (Ảnh minh hoạ)

Nhiều giáo viên không thể bám trụ với nghề nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài (Ảnh minh hoạ)

Giáo viên N.T.H đang công tác tại trường mầm non tư thục thuộc quận Hồng Bàng chia sẻ bản thân cô và một số đồng nghiệp đi làm xa quê nên phải thuê nhà.

“Mọi người thường than vãn với nhau rằng không nỡ bỏ về quê, rời xa trường và các con nhưng ở lại cũng không biết còn cố gắng được bao lâu nữa.

Có những đợt dịch căng thẳng, tôi còn phải sống nhờ vào gạo người nhà gửi từ quê lên hay các đồng nghiệp hỗ trợ chút rau, chút thịt.

Đến thời điểm hiện tại, mọi người cầu Tết no ấm còn chúng tôi chỉ mong ngày được trở lại trường” giáo viên H. trải lòng.

Cô giáo Lê Thuỳ Trang kiên trì với tình yêu nghề, yêu trẻ (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Lê Thuỳ Trang kiên trì với tình yêu nghề, yêu trẻ (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Lê Thuỳ Trang (27 tuổi), giáo viên Trường Mầm non Sao Mai cũng gửi lời nhắn nhủ: “Thực tế, sau mỗi đợt dịch, số lượng giáo viên còn bám trụ với nghề ngày càng ít. Ngay cả số lượng học sinh quay trở lại trường cũng không đảm bảo như trước dịch.

Bản thân tôi dù có khó khăn, vất vả nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ, tôi vẫn cố gắng kiên trì, mong ngóng ngày được quay trở lại trường”.

PHẠM LINH