Trường học đóng cửa gần năm trời, giáo viên mầm non tư thục lo "mất Tết"

16/01/2022 06:36
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do dịch bệnh Covid-19 nên nhiều trường học tiết kiệm được một số khoản chi thường xuyên từ đó mức chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên cũng thêm được một khoản.

Nhiều trường thưởng Tết từ 10-12 triệu đồng/người

Trao đổi với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam bà Trần Thị Thúy Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho hay, mặc dù năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy – học của các trường.

Mức thưởng Tết của giáo viên các trường công lập ở Đà Nẵng năm nay cao hơn năm ngoái. (Trong ảnh: các cô giáo Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu tự sửa chữa lại xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo). Ảnh: DH

Mức thưởng Tết của giáo viên các trường công lập ở Đà Nẵng năm nay cao hơn năm ngoái. (Trong ảnh: các cô giáo Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu tự sửa chữa lại xe đạp cũ để tặng học sinh nghèo). Ảnh: DH

Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm, các trường học trên địa bàn cũng tính toán, cân đối các khoản thu chi để có thêm một khoản gọi là “thưởng tết” (thực tế đây là khoản chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên từ nguồn kinh phí mà nhà trường tiết kiệm được).

“So với năm ngoái thì năm nay mức chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên cũng tăng thêm một vài triệu đồng, tùy theo mức thi đua của từng cá nhân thầy cô giáo.

Trong đó, mức thưởng tết bình quân của các trường trên địa bàn quận dao động từ 10-12 triệu đồng. Như bậc Tiểu học thì vào khoảng 10 triệu đồng/người, Mầm non thì 8-9 triệu đồng/người, trung học cơ sở thì 11-12 triệu đồng/người”.

Cũng theo bà Hà thì mức “thưởng tết” năm nay cao hơn năm ngoái vì các trường phải tạm dừng nhiều hoạt động do dịch bệnh nên tiết kiệm được các khoản phải chi thường xuyên.

Bên cạnh đó thì công đoàn trường, ngành và quận cũng dành ra nhiều suất quà để tặng cho các thầy, cô có hoàn cảnh khó khăn được đón một cái Tết ấm cúng.

Thầy Trần Ngọc Út – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Hồ Nghinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cũng cho hay, vì dịch bệnh nên nhà trường phải dành thêm một khoản kinh phí cho các hoạt động phòng – chống dịch.

“Để đón học sinh trở lại học trực tiếp thì nhà trường phải mua sắm thêm các trang thiết bị đo thân nhiệt, phun khử khuẩn, khẩu trang…Ngoài ra, phải xây dựng, lắp đặt các hàng rào để phân luồng học sinh.

Do có thêm các khoản phát sinh này nên nhà trường cũng phải tiết kiệm các khoản chi khác bằng cách thầy cô chủ động làm thêm các công việc như sửa chửa thiết bị, lan can, các mô hình dạy học…

Bằng cách này thì cuối năm, sau khi cân đối các khoản thu chi thì nhà trường cũng còn lại một khoản tài chính kha khá để chi cho giáo viên đón Tết”.

Thầy Út cho hay, mức “thưởng Tết” của giáo viên nhà trường năm nay rơi vào khoảng từ 10-12 triệu đồng, tùy theo thành tích, cống hiến của mỗi người.

Giáo viên tư thục lo “mất Tết”

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tại các trường thuộc khối tư thục thì lãnh đạo nhà trường đang phải chật vật tìm kiếm nguồn tài chính để hỗ trợ Tết cho giáo viên.

Nhiều giáo viên mầm non tư thục lâm vào cảnh thất nghiệp ngay trước thềm Tết nguyên đán vì nhà trường phải đóng cửa dài hạn, hết nguồn kinh phí để duy trì hoạt động.

“Trường đóng cửa gần như suốt một năm nay nên hầu hết các giáo viên đều phải tự ra ngoài lăn lộn kiếm sống.

Chúng tôi phải làm thêm, bán hàng online, có người còn mang cả chồng con về quê trú tránh để bớt thêm khoản chi phí sinh hoạt đắt đỏ của thành phố.

Càng gần đến Tết, thấy giáo viên các trường khác háo hức, bàn tán chuyện thưởng Tết cuối năm mà mình cũng chạnh lòng. Nhưng giờ biết sao được, dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi thứ”, cô Nguyễn Thị Kim Oanh (một giáo viên mầm non tư thục ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ.

Một Hiệu trưởng Trường liên cấp ngoài công lập chia sẻ, những ngày này, ban giám hiệu cùng với chủ trường đang ngồi lại với nhau để tìm nguồn thưởng Tết cho giáo viên.

Bởi suốt thời gian dài dịch dã, nhà trường đã tốn khá nhiều chi phí để duy trì các đội ngũ cán bộ, giáo viên, các lớp học trực tuyến… Trong khi các khoản thu chính của nhà trường đều bị cắt giảm do học sinh không được đến lớp.

“Chúng tôi đã phải vay ngân hàng để sử dụng cho mục đích chi tiêu nội bộ, đảm bảo mức lương đủ sống cho giáo viên chính thức. Giờ không biết xoay đâu ra nguồn tài chính để lo thưởng tết cho giáo viên”, vị Hiệu trưởng này buồn bã nói.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thì đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố có 125 trường mầm non ngoài công lập và 820 nhóm trẻ độc lập tư thục.

Do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài, các cơ sở và nhóm trẻ này đều gặp khó khăn. Trong đó, 3 trường mầm non và 17 nhóm trẻ độc lập tư thục đã giải thể.

AN NGUYÊN