Trường mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp muôn vàn khó khăn

27/10/2021 06:40
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do đặc thù của bậc học là không thể học và tương tác trực tuyến, nên cho đến nay, nhiều trường, cơ sở mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải giải thể.

Tuần qua, gần 100 trường, hệ thống, cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng phải đứng đơn kiến nghị, gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên 150 cơ sở giáo dục mầm non đã giải thể, ngưng hoạt động

Chị Lê Thị An, nhà ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Con chị năm nay mới 4 tuổi, học tại một trường mầm non tư thục gần nhà.

Khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 5, trường tạm ngưng hoạt động, nhưng vẫn nói khi nào được mở cửa thì trường lại hoạt động bình thường.

Tuy nhiên có lẽ do dịch kéo dài quá lâu, không thể cầm cự được nữa nên trường đã tuyên bố ngưng hoạt động.

Trường có nhắn với các phụ huynh là chủ động tìm trường cho con học, khi nào trường hoạt động trở lại thì sẽ thông báo với phụ huynh.

Chị An băn khoăn rằng: “Với rất nhiều trường, cơ sở giáo dục mầm non tư thục ngưng hoạt động trong đợt dịch như vậy, thì khi nào được mở cửa trở lại, các em sẽ học ở đâu. Liệu các trường mầm non công lập liệu có nhận được hết các bé hay không?”.

Theo các phụ huynh, trong tổng số các bậc học hiện nay thì chính mầm non là bậc bị ảnh hưởng nhiều nhất của ngành giáo dục bởi đại dịch Covid-19.

Cho đến nay, trẻ em bậc mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa biết khi nào đi học lại (ảnh minh họa: P.L)

Cho đến nay, trẻ em bậc mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa biết khi nào đi học lại (ảnh minh họa: P.L)

Nhiều chủ trường, cơ sở giáo dục mầm non tư thục tại Thành phố Hồ Chí Minh đã phải rao bán, sang nhượng do không còn khả năng cầm cự về mặt tài chính.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Minh Tuấn – Chủ trường mầm non Ngôi làng vui vẻ (quận Bình Thạnh) cho biết: Coi như trong năm 2021, trường anh chỉ hoạt động được có vài tháng, còn lại là đóng cửa hoàn toàn do ảnh hưởng của dịch.

Trường cũng chỉ có thể trả lương hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên trong tháng 5, còn lại là người lao động ai có thể về quê được thì đều đã về, ai còn ở thành phố thì đều phải kiểm sống bằng nghề khác để sinh sống qua ngày.

Nhà trường cũng chỉ có thể hỗ trợ cho nhân viên, giáo viên bằng cách chứng nhận để người lao động có thể nhận được các gói hỗ trợ từ thành phố, còn lại thì vẫn khó khăn rất nhiều về mặt tài chính, vì quận và thành phố cũng chưa đưa ra được chính sách đặc biệt gì hỗ trợ cho các trường.

Là một hệ thống mầm non quốc tế lớn, với 11 cơ sở ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 này cũng ảnh hưởng lớn đến trường Global Ecokids, nhất là về tài chính.

Ông Nguyễn Hữu Việt – Tổng Giám đốc của hệ thống trường mầm non này cho biết, trường phải dừng mọi hoạt động, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, do lứa tuổi từ 18 tháng đến 6 tuổi không thể học trực tuyến.

Dù hệ thống đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như giảm học phí, miễn phí nhập học, cơ sở vật chất, tặng đồng phục…nhưng do ảnh hưởng của dịch thì trường cũng không thể thực hiện việc tuyển sinh, tái ghi danh năm học mới cho các bé.

Theo báo cáo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ riêng năm học vừa rồi, dịch bệnh kéo dài đã làm 151 cơ sở giáo dục mầm non tư thục, gồm 27 trường và 124 nhóm trẻ giải thể, ngưng hoạt động.

Trong tổng số hơn 12.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành giáo dục thành phố bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch, thì phần nhiều trong số này là người lao động đang làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.

Các cơ sở giáo dục mầm non mong muốn, đề xuất những kiến nghị gì?

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ trường mầm non Ngôi làng vui vẻ đề xuất, nếu trường nào đáp ứng được bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch thì cần sớm được tạo điều kiện mở cửa trở lại.

Ngoài ra, các sớm tổ chức đối thoại giữa các ban ngành chức năng của thành phố và các trường mầm non tư thục, do hiện nay đã có quá nhiều trường và cơ sở giáo dục mầm non tư thục giải thể, ngừng hoạt động.

Vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ dưới 6 tuổi cũng chưa có do cần thời gian thử nghiệm, nên các trường mầm non tư thục cũng đang khó xử vì không biết định hướng tương lai sẽ như thế nào?

Đồng thời, cho đến nay cũng chưa chính thức có các phương án xử lý xử lý khi xuất hiện ca F0 ở trong nhà trường, nên các trường cũng mong sớm có phương án này.

Trong trường hợp chưa có vắc xin cho trẻ dưới 6 tuổi, ông Tuấn đề nghị nên chăng thực hiện việc xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho trẻ hang tuần, thực hiện bằng việc xét nghiệm bằng nước bọt thay vì thọc mũi.

Ông Nguyễn Hữu Việt – Tổng Giám đốc của hệ thống Global Ecokids có các kiến nghị, đề xuất như: Hỗ trợ, tác động đến chủ mặt bằng có chính sách hỗ trợ miễn tiền thuê trong thời gian đóng cửa trường do ảnh hưởng của dịch, đến hết năm 2022 cho các trường mầm non tư thục phục hồi.

Nhà trường kiến nghị các cơ quan chức năng cần cho các trường mầm non tư thục được hỗ trợ các gói vay không lãi suất, hay lãi suất thấp trong vòng 24 tháng; đề xuất Chính phủ có gói hỗ trợ riêng cho giáo viên và công nhân viên làm trong ngành giáo dục.

Cần ưu tiên tiêm vắc xin cho giáo viên, công nhân viên từ địa phương khác trở lại thành phố làm việc khi tình hình dịch đã ổn định, sớm có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em từ 2 đến 6 tuổi.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều lãnh đạo phụ trách giáo dục ở các quận nói rằng, đang chờ xem các chính sách hỗ trợ các trường từ phía trung ương hay thành phố như thế nào, chứ quận cũng chưa có chính sách gì cho đến thời điểm này.

Còn ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thì nói, hiện Sở đang tiếp tục rà soát xem các trường mầm non tư thục đã được hưởng các chế độ, chính sách gì, chưa được hưởng chế độ nào, để có cơ sở kiến nghị lên thành phố có những chính sách hỗ trợ cho phù hợp.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Việt Dũng