Thầy cô dạy TTGDTX được nghỉ hè như GV phổ thông là hợp lý, công bằng

02/11/2024 06:38
Châu Anh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2020/NĐ-CP bổ sung quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên GDTX, đảm bảo sự công bằng trong hệ thống giáo dục.

Ngày 11/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Trong nhiều điểm mới của dự thảo, có quy định về việc giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Điểm này được bổ sung do các chính sách đối với giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện tương tự như giáo viên phổ thông, tuy nhiên Nghị định 84/2020/NĐ-CP hiện hành chưa quy định việc nghỉ hè đối với đối tượng này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Chuẩn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) cho biết, trước đây, giáo viên của trung tâm được áp dụng chế độ nghỉ hè tương tự như giáo viên trung học phổ thông. Tuy nhiên, khi trung tâm được giao thêm nhiệm vụ đào tạo nghề, việc nghỉ hè phải chia thành hai đợt để đảm bảo giáo viên có thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy cả văn hóa lẫn nghề nghiệp, trong bối cảnh trung tâm chưa đủ giáo viên chuyên dạy nghề.

“Thực tế, nếu nghị định mới được ban hành cụ thể, trung tâm cũng không thay đổi nhiều, vẫn áp dụng chế độ nghỉ hè như giáo viên phổ thông. Để thực hiện đúng quy định, vào mùa hè, trung tâm sẽ dừng công tác đào tạo nghề để giáo viên được nghỉ đầy đủ”, ông Chuẩn chia sẻ.

Theo ông Chuẩn, việc cho phép giáo viên nghỉ hè đúng chế độ sẽ mang lại thời gian nghỉ ngơi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, và nghiên cứu tài liệu sâu hơn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Ngoài ra, khoảng thời gian này còn giúp giáo viên tái tạo năng lượng, gần gũi gia đình và giảm bớt căng thẳng công việc.

Ảnh 3.jpg
Ông Nguyễn Trọng Chuẩn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông). Ảnh: NCVV

Theo quy định hiện tại của trung tâm, giáo viên vẫn được nhận lương khi nghỉ hè, và những giáo viên kiêm nhiệm giảng dạy nghề sẽ hưởng thêm chế độ lương dạy nghề. Trong trung tâm, giáo viên không tham gia ôn thi tốt nghiệp thường được nghỉ hè từ cuối tháng 5, trong khi nhóm giáo viên ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ nghỉ sau kỳ thi vào tháng 7. Những giáo viên đã nghỉ từ tháng 5 sẽ quay lại làm việc sau kỳ thi, thay thế cho các giáo viên trong nhóm ôn thi tốt nghiệp.

Chia sẻ thêm về khó khăn khi trung tâm phải đảm nhiệm thêm chức năng đào tạo nghề mà không được bổ sung biên chế giáo viên nghề, ông Chuẩn cho hay, hiện lãnh đạo trung tâm cùng giáo viên phải đảm nhận thêm phần việc đào tạo nghề, gây ra áp lực lớn khi vừa soạn giáo án, vừa dạy văn hóa, lại kiểm tra và quản lý các hồ sơ dạy nghề.

“Nếu có thể, tôi mong có thêm quy định hỗ trợ tài chính cho giáo viên kiêm nhiệm công tác dạy nghề. Ngoài lương chính, nếu được hỗ trợ thêm phần trăm phụ cấp cho công việc này thì sẽ phù hợp và giúp giáo viên yên tâm công tác hơn, vì dù công việc kiêm nhiệm có phần vất vả nhưng giáo viên vẫn nhận được sự quan tâm”, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Song đề xuất.

Cũng bàn về điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2020/NĐ-CP, ông Lâm Huỳnh Mạnh Đông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang khẳng định, việc thêm quy định nghỉ hè cho giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên tương đương với giáo viên phổ thông là điều hợp lý và đáng mừng.

Theo ông Đông, dù giảng dạy trong hệ thống giáo dục thường xuyên, nhưng giáo viên tại các trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn trực tiếp tham gia vào việc giảng dạy chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, những giáo viên này cũng tốt nghiệp các trường sư phạm. Vì thế, việc được hưởng các quyền lợi như nghỉ hè, phụ cấp ưu đãi và thâm niên nhà giáo là điều cần thiết để đảm bảo công bằng.

Tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên An Giang, chế độ nghỉ hè cho giáo viên đã được áp dụng từ lâu. Giáo viên tại đây được nghỉ hè, nhận nguyên lương và hưởng các quyền lợi, tương tự như giáo viên tại các trường phổ thông khác. Tuy là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, trung tâm vẫn thực hiện đầy đủ chế độ nghỉ hè, trả lương đầy đủ cho giáo viên dù chưa có quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, tạo môi trường công tác ổn định và động viên tinh thần làm việc của họ.

Ông Đông chia sẻ, việc duy trì chính sách công bằng này giúp giáo viên cảm thấy được quan tâm, yên tâm công tác, và từ đó tích cực nghiên cứu, phát triển kiến thức chuyên môn để đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên cho biết, tuy không có quy định cụ thể, nhưng giáo viên tại trung tâm vẫn được nghỉ hè như giáo viên phổ thông, tuy nhiên thời gian nghỉ không hoàn toàn trùng vào đợt hè.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Bà Lê Hằng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Bà Hằng lý giải, do đặc thù của trung tâm, vào mùa hè vẫn có nhiều hoạt động bồi dưỡng, đào tạo liên thông và các nhiệm vụ khác nên khó sắp xếp cho tất cả giáo viên nghỉ cùng lúc. Đối với những giáo viên chỉ đảm nhận giảng dạy chương trình phổ thông, họ vẫn được nghỉ đủ trong kỳ nghỉ hè, trong khi các giáo viên kiêm nhiệm công tác đào tạo khác phải nghỉ vào thời điểm phù hợp trong năm.

Bà Hằng thông tin thêm, ở các trung tâm cấp tỉnh, ngoài các lớp bồi dưỡng và đào tạo ngắn hạn, trung tâm còn có nhiều phòng ban chức năng, không giống như các trường phổ thông chỉ có tổ chuyên môn và tổ văn phòng. Do đó, vào thời điểm hè, lãnh đạo các phòng ban vẫn phải đi làm. Trung tâm đã xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ giáo viên phải được nghỉ đủ thời gian, nhưng nếu không thể nghỉ vào mùa hè thì sẽ được bố trí thời gian nghỉ vào các thời điểm khác trong năm.

“Quan điểm của tôi là cần đảm bảo quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên giáo dục thường xuyên tương đương với giáo viên phổ thông, nếu không sẽ rất thiệt thòi cho họ”, bà Hằng bày tỏ.

z5981689760174_ed033c1cda95247f01b1cbdcb01259bf.jpg
Đội ngũ giáo viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Theo bà Hằng, nếu Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 84/2020/NĐ-CP được ban hành chính thức, các trung tâm sẽ có căn cứ rõ ràng hơn để thực hiện chế độ nghỉ hè cho giáo viên. Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thái Nguyên hiện vẫn áp dụng chính sách nghỉ hè cho giáo viên và đảm bảo giáo viên được nhận đủ lương, bởi vậy sẽ không có nhiều thay đổi sau khi có quy định chính thức.

“Giáo viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên áp dụng mã ngạch lương của giáo viên trung học phổ thông, vậy nên chúng tôi vận dụng các văn bản quy định cho giáo viên phổ thông vào, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn do chưa có quy định rõ ràng về định mức giờ dạy cho giáo viên giáo dục thường xuyên”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Hằng kiến nghị cần có văn bản quy định rõ ràng về định mức số tiết cho giáo viên và cán bộ quản lý tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Hiện nay, các trung tâm vẫn phải vận dụng các quy định của trường phổ thông để tính số tiết dạy và trừ giờ, nhưng điều này không còn ăn nhập với quy mô và đặc thù hoạt động của các trung tâm hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Lâm Huỳnh Mạnh Đông cũng bày tỏ mong muốn có sự quan tâm bổ sung từ phía các cơ quan quản lý về quy định định mức giờ dạy cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình trung học phổ thông.

“Hiện nay, chúng tôi phải vận dụng theo định mức tiết dạy của trường trung học phổ thông, nhưng điều này không phải lúc nào cũng phù hợp, đặc biệt là đối với viên chức quản lý”, ông Đông cho biết.

Châu Anh