Học sinh lựa chọn lại môn học mới cuối năm, giáo viên từ chối dạy hè được không?

30/04/2022 08:13
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ năm học 2022-2023, học sinh bậc trung học phổ thông được lựa chọn lại môn/tổ hợp môn sau mỗi năm học nhưng phải hoàn thành chương trình môn học trong hè.

Bài viết Giáo viên cấp 3 có phải phải dạy xuyên hè nếu học sinh đổi môn lựa chọn? ngày 28/4/2022 cho biết, từ năm học 2022-2023, thầy cô bậc trung học phổ thông có thể phải dạy cả thời gian nghỉ hè nếu học sinh thay đổi môn học lựa chọn.

Trong phạm vi bài viết này người viết xin được bàn thêm, việc yêu cầu giáo viên dạy hè không hề đơn giản vì liên quan đến quy chế chuyên môn và chế độ giáo viên.

Chưa có quy định nào cho phép học sinh được học, kiểm tra môn lựa chọn mới trong hè. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net.vn)

Chưa có quy định nào cho phép học sinh được học, kiểm tra môn lựa chọn mới trong hè. (Ảnh minh họa: Dương Hà/giaoduc.net.vn)

Quy định nào cho phép học sinh được học hè, kiểm tra trong hè?

Điều 14 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông áp dụng từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10 như sau:

“Đối với những học sinh chưa đủ điều kiện được lên lớp nhưng có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá từ mức Đạt trở lên, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Chưa đạt thì được đánh giá lại kết quả học tập các môn học được đánh giá mức Chưa đạt (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét) và các môn học có điểm trung bình môn cả năm dưới 5,0 điểm (đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số)".

Như thế, chỉ có học sinh thuộc diện đánh giá lại (kiểm tra lại) mới thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT, còn học sinh lựa chọn lại môn/tổ hợp môn học mới, cho đến thời điểm này chưa được đề cập trong bất cứ Thông tư, Nghị định nào.

Giả sử, sắp tới Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này thì một số bất cập có thể nảy sinh.

Cụ thể, điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định số lần đánh giá thường xuyên như sau:

Đối với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số (không bao gồm cụm chuyên đề học tập), chọn số điểm đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì:

Môn học có 35 tiết/năm học: 02 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có trên 35 tiết/năm học đến 70 tiết/năm học: 03 điểm đánh giá thường xuyên; môn học có trên 70 tiết/năm học: 04 điểm đánh giá thường xuyên.

Khoản 2 Điều 7 quy định đánh giá định kì: trong mỗi học kì, mỗi môn học đánh giá bằng nhận xét có 01 (một) lần đánh giá giữa kì và 01 (một) lần đánh giá cuối kì.

Chiếu theo quy định này, tôi lấy ví dụ, trường trung học phổ thông A chỉ có 1 học sinh sau khi học xong lớp 10 thì xin chọn lại môn mới Lịch sử cho năm lớp 11.

Trong khoảng 8 tuần hè, em này phải được đánh giá qua 3 cột điểm kiểm tra thường xuyên, 1 cột điểm kiểm tra giữa kì và 1 cột điểm kiểm tra cuối kì sao cho đạt yêu cầu.

Sau khi tổng kết năm học, hiệu trưởng phân công giáo viên môn Lịch sử dạy chương trình lớp 10 cho học sinh. Giáo viên được phép cho em này làm 3 bài kiểm tra thường xuyên. Nhưng với bài kiểm tra định kì thì nhà trường có phải thành lập hội đồng hay không?

Bởi, hiện tại học sinh kiểm tra giữa kì và cuối kì thì hầu như trường nào cũng thành lập hội đồng gồm chủ tịch/phó chủ tịch hội đồng, giám thị, nhân viên phục vụ, giám khảo, thanh tra... - đầy đủ các ban bệ.

Ngoài giáo viên dạy những môn/hoạt động giáo dục bắt buộc thì giáo viên dạy các môn lựa chọn đều phải dạy hè nếu có học sinh chọn lại môn/tổ hợp môn mới. Như thế, có giáo viên được nghỉ hè nhưng giáo viên khác phải dạy hè, sao quá tréo ngoe.

Giáo viên từ chối dạy hè được không?

Về lí, Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục 2019 quy định thời gian nghỉ hè của giáo viên là 08 tuần. Như vậy, nếu giáo viên dạy hè thì được coi như làm thêm giờ.

Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 quy định về làm thêm giờ vào ngày nghỉ có hưởng lương (ví dụ nghỉ hè), người lao động sẽ được trả thêm một khoản tiền bằng 300% tiền lương của ngày nghỉ đó.

Nếu giáo viên đồng ý dạy hè cho học sinh chọn môn/tổ hợp môn mới thì hiệu trưởng lấy đâu ra ngân sách chi trả? Hiện tại, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục gồm: chi lương và các khoản đóng góp (thường chiếm trên 95%);

Chi cho các hoạt động của đơn vị (thường chiếm dưới 5%). Khoản này, các nhà trường phải chi: tiết kiệm 10% nộp lại ngân sách Nhà nước để cải cách tiền lương; chi mua sắm tài sản tập trung; chi phúc lợi... thì đã hết kinh phí.

Về tình, mỗi khi có học sinh chọn lại môn/tổ hợp môn mới, giáo viên cũng khó lòng từ chối dạy cho các em, vì còn là trách nhiệm, tình thương. Nhưng, thầy cô cũng cần thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, nếu phải dạy liên tục cả năm thì không đảm bảo sức khỏe.

Ngoài ra, tôi cũng rất băn khoăn, liệu giáo viên có đủ thời gian để dạy hè cho học sinh hay không? Là giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua tôi và các đồng nghiệp chưa bao giờ được nghỉ một mùa hè trọn vẹn theo quy định.

Đầu tháng 6, chúng tôi phải coi thi tuyển sinh 9 vào 10 hết 3 ngày, rồi chấm thi nhanh nhất cũng mất 5 ngày, sau đó chấm phúc khảo 1 ngày. Thời gian này, nếu có học sinh kiểm tra lại, chúng tôi cũng phải dạy ôn tập cho các em ít nhất 2 tuần liên tục.

Tương tự, đầu tháng 7, chúng tôi phải coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông 3 ngày, chấm thi môn tự luận khoảng 7 ngày, chấm phúc khảo 1 ngày. Cuối tháng 7, chúng tôi học chính trị hè mất 3 ngày.

Ngoài ra, chúng tôi phải tham dự nhiều cuộc họp, rồi bồi dưỡng chuyên môn, học thay sách giáo khoa... cũng tốn rất nhiều thời gian. Nếu phải dạy theo kiểu chạy cho hết chương trình, chỉ có thể là cách dạy, học cưỡi ngựa xem hoa mà thôi.

Liên quan đến việc học sinh chọn môn/tổ hợp môn mới sau mỗi năm học, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, "Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này". [1]

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT rất khó khả thi vì liên quan đến chế độ giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động. Đây là hệ lụy khi Chương trình mới "đẻ" ra 108 tổ hợp nhưng Bộ Giáo dục chưa lường hết được những bất cập, khó khăn có thể xảy ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/hon-100-to-hop-mon-hoc-lop-10-hoc-sinh-chon-nha-truong-tu-van-20220324212754757.htm

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/nha-nuoc-chi-xay-truong-cap-ngan-sach-du-tra-luong-tien-dau-de-giao-duc-post204304.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương