Giám đốc Sở GD TPHCM: Trường huy động góp vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

29/09/2023 16:08
Việt Dũng
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng, trước việc trường ngoài công lập không tách bạch hoạt động doanh nghiệp và hoạt động trường.

Ngày 29/9, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã đến dự, có phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022–2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-204 của các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Theo báo cáo của Sở này cho biết, hiện Sở đang quản lý trực tiếp 110 trường phổ thông ngoài công lập, bao gồm 90 trường có vốn đầu tư trong nước và còn lại là vốn đầu tư của nước ngoài.

Ngoài ra, thành phố có 27 trường mầm non có yếu tố nước ngoài, 1.615 cơ sở giáo dục ngắn hạn ngoài công lập (các trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (ảnh: V.D)

Trước tình trạng có một số trường ngoài công lập không tách bạch giữa hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động trường học, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, các hoạt động dân sự góp vốn giữa phụ huynh và chủ đầu tư, chủ trường phải tách rời ra khỏi các hoạt động của trường học.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục thành phố, trường học phải hoạt động theo các quy định của pháp luật, trong đó việc tổ chức thu học phí theo định kỳ, rõ ràng.

“Không có tổ chức ký kết hùn vốn, góp vốn, huy động vốn. Những hoạt động này sẽ tiềm ẩn những nguy cơ trong quản lý” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, chu kỳ học của học sinh thường ổn định, khá dài, kéo dài từ 12 đến 15 năm. Trong khoảng thời gian này cũng có sự biến động, giá cả cũng khác đi. Các hợp đồng hợp tác cũng sẽ có nhiều thay đổi, từ đó sẽ dẫn tới khó khăn cho phụ huynh và các cơ sở giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các trường cần phải tách bạch ra, để các trường hoạt động gắn với chuyên môn. Phụ huynh và học sinh thì gắn với hoạt động dạy và học, để đảm bảo định hướng được hoạt động, sự ổn định của các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, mỗi năm trung bình Thành phố Hồ Chí Minh tăng khoảng 35.000 học sinh ở tất cả các cấp học, còn một vài năm trước đây thì tăng từ 50.000 đến 60.000 học sinh.

Nếu không có hệ thống các trường ngoài công lập, thì giáo dục công lập sẽ rất áp lực.

Hiện ở thành phố, tỷ lệ học sinh mầm non học ở trường ngoài công lập đạt 50%, còn ở tiểu học chỉ đạt chưa tới 5%, trung học cơ sở đạt từ 10 đến 12% và trung học phổ thông đạt khoảng 20%.

Số liệu này đang ổn định qua nhiều năm, nhưng Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, với xu hướng kêu gọi và mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư, nên kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tham gia nâng số học sinh theo học ngoài công lập của thành phố nhiều hơn.

Song song đó, ông Nguyễn Văn Hiếu còn nói, hiện thành phố chuẩn bị có đề án thực hiện chỉ tiêu công trình 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong số này, dự kiến thành phố sẽ kêu gọi xây dựng 1.500 phòng học từ nguồn xã hội hóa, nên trong thời gian tới, thành phố sẽ ưu tiên, tạo điều kiện về đất, cơ chế để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể đầu tư vào lĩnh vực giáo dục từ mầm non đến phổ thông.

Việt Dũng