Gặp học sinh "nổi loạn", thầy cô cần làm gì?

26/12/2023 06:38
Ngân Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh còn đau đầu, đôi khi bất lực trước tính nổi loạn của con thì đến trường các thầy cô giáo cũng không dễ gì dạy bảo.

Mới chỉ học lớp 4 nhưng cậu học sinh tên Nguyễn Đức Mạnh đã nổi tiếng là "khó bảo" vì Mạnh sẵn sàng chửi bạn tục tĩu, hùng hổ lấy dép, lấy đá ném bạn, lấy mũ bảo hiểm đập vào đầu bạn khi không vừa ý. Với thầy cô, Mạnh cũng chẳng coi ra gì, ai vào dạy lớp Mạnh cũng than vãn vì em quậy phá ngay trong giờ học của mình.

Khi được nhắc nhở, em nhìn thầy cô với ánh mắt giận dữ kèm theo những lời nói đầy thách thức.

Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn

Ảnh minh họa: phunuvietnam.vn

Một số giáo viên nói rằng, dù còn nhỏ nhưng Mạnh đã bất trị. Có giáo viên buông xuôi, làm lơ cho em muốn làm gì thì làm vì có nhắc nhở, có răn đe cũng chẳng tác dụng gì. Đôi khi thầy cô còn bị em này chửi trước mặt những học sinh của mình.

Vào năm Mạnh lên lớp 5, em được học với một giáo viên mới chuyển đến trường. Khi nhận lớp chủ nhiệm, cô giáo Mai cũng được nhiều thầy cô trong trường lưu ý về Mạnh. Chẳng biết cô Mai đã làm những gì nhưng trong trường thầy cô giáo nào cũng đều nhận thấy Mạnh thay đổi một cách ngoạn mục.

Mỗi ngày ít dần đi cảnh bạn bè thưa gửi vì bị Mạnh cà khịa, đánh nhau như trước đây. Mạnh bỗng lễ phép hơn khi gặp thầy cô khác. Trong các giờ học, em hợp tác khá tốt với giáo viên nên lực học của em cũng tiến bộ rõ rệt.

Em tham gia năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào của lớp. Mạnh như biến thành một người hoàn toàn khác. Ai cũng hiểu và công nhận rằng, cô giáo Mai thật giỏi khi đã thay đổi gần như hoàn toàn một học sinh gần như cá biệt trở thành một học sinh gương mẫu.

Giống như Mạnh, Nguyễn Hùng Dũng (học sinh lớp 7 một trường trung học cơ sở ở Bình Thuận) cũng được bạn bè, thầy cô trong trường liệt vào dạng cá biệt "hết thuốc chữa". Không chỉ đánh bạn, Hùng Dũng cũng không coi thầy cô ra gì.

Đã có lần em mang dao đến lớp để hăm dọa mọi người. Vào mỗi giờ dạy, nhiều thầy cô nói rằng phải cố nhịn kiểu "không nghe, không thấy, không biết", mặc cho Dũng muốn làm gì thì làm. Vì nếu chỉ cần nhắc nhở em, có khi Dũng lấy cớ để phá tan giờ học.

Giáo viên cần nắm vững tâm sinh lý lứa tuổi

Giáo viên nào cũng cần hiểu và nắm rõ tâm lý lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên trong thực tế, khi áp dụng vào giảng dạy có thầy cô giáo thành công, có người lại thất bại.

Người viết - là giáo viên công tác nhiều năm nhận thấy, thường thì vào lớp 5, học sinh bắt đầu có những biểu hiện cứng đầu, khó dạy bảo. Có em khi không vừa lòng thầy cô giáo điều gì thường tỏ ngay thái độ khiêu khích, bất cần. Thậm chí, còn sẵn sàng “bật” lại bằng những ngôn từ được coi là chợ búa.

Vào lớp 6 đến lớp 9 những biểu hiện cứng đầu càng rõ nét hơn. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, lứa tuổi học sinh trung học cơ sở là giai đoạn chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn. Nhiều em muốn thể hiện cá tính và có một cái tôi vô cùng lớn.

Vì thế, chúng ta thường được nghe dưới các tên gọi như: “tuổi dậy thì”, “tuổi nổi loạn”, tuổi khủng hoảng”, "tuổi bất trị”…

Đây được xem là thời kỳ đánh dấu sự thay đổi của hàng loạt các yếu tố tâm sinh lý ở học sinh. Nó cũng là giai đoạn khiến cho không ít các bậc phụ huynh đau đầu trước sự “khó bảo” của các con, thậm chí nhiều phụ huynh trở nên bất lực trước những thay đổi quá đột ngột về tính cách, sở thích ở con mình.

Phụ huynh còn đau đầu, đôi khi bất lực trước tính nổi loạn của con thì đến trường các thầy cô giáo cũng không dễ gì dạy bảo.

Tình yêu thương sẽ giúp mềm hóa tính nổi loạn ở lứa tuổi học trò mới lớn

Cô giáo Mai đã chia sẻ cho giáo viên ở trường quá trình "làm bạn" với Mạnh. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh từ gia đình em (bố mẹ bỏ nhau, Mạnh ở với bố và 2 người anh nghiện ngập). Do cuộc sống mưu sinh, bố của Mạnh cũng phải đi làm suốt ngày đêm. Không có ai quản, dạy dỗ nên em trở nên ương bướng và lì lợm.

Cô giáo Mai nói mình đã có những buổi trò chuyện tâm tình với em. Cô mua cho em từng đôi dép, bộ đồ, rồi đồ dùng học tập. Cô nhẹ nhàng khuyên can biết bao điều và khuyến khích em cố gắng học tập...Có lẽ, cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo Mai, mạnh đã thay đổi từ từ và trở nên ngoan hẳn.

Không thay đổi một cách ngoạn mục như Mạnh nhưng Hùng Dũng cũng đã tiến bộ nhiều khi được học với thầy Sơn. Từ ngày thầy nhận quyết định chủ nhiệm lớp Dũng, ai cũng thấy em trở nên hiểu chuyện, thực các quy định ở trường, ở lớp tốt hơn.

Thầy Sơn có chia sẻ với người viết rằng: "Tôi chẳng có bí quyết gì đâu. Dũng không thích dùng mệnh lệnh kiểu như "Em phải thế này, phải thế kia, không được thế này, thế nọ...Mình chỉ nói với em nhẹ nhàng, từ từ phân tích cho em hiểu thế nào là đúng sai, là nên và không nên...".

Đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi từ lớp 6 đến lớp 9 là dễ xúc động, bị kích động, cảm xúc vui buồn lẫn lộn và tình cảm còn mang tính bồng bột, bốc đồng.

Thế nên, một sự việc xảy ra nếu xử lý không khéo cũng dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Một tình huống vẫn thường xảy ra trong thực tế nhưng 2 giáo viên có 2 cách xử lý, đã cho kết quả hoàn toàn khác nhau.

Trong giờ học Âm nhạc, một học sinh mang sách Anh văn ra học. Một cô giáo đi xuống tịch thu 2 cuốn sách để lên bàn và mời em học sinh đứng lên. Đồng thời, cô ngừng bài giảng và lên cao giọng quát mắng học sinh vì sự vô ý thức, coi thường môn học của cô.

Sau tiết học, cô giáo này ghi tên bạn học sinh vi phạm nội quy vào sổ đầu bài (chuyện này đồng nghĩa với việc, học sinh sẽ bị kiểm điểm trước lớp vào tiết sinh hoạt lớp cuối tuần). Nếu sự việc được lặp lại, giáo viên sẽ thông báo đến phụ huynh.

Có giáo viên nóng tính hơn nói thẳng với học sinh: "Em coi thường môn học của tôi thì từ hôm sau tới giờ tôi dạy, em phải bước ra khỏi lớp. Ngày mai, em mời phụ huynh đến gặp tôi. Nếu không thì từ nay trong lớp, có em sẽ không có tôi và ngược lại".

Trong trường hợp này, đã có những học sinh im lặng nhận lỗi và lần sau không tái phạm. Tuy nhiên, đã có học sinh đứng lên cãi bướng với giáo viên và lên giọng thách thức.

Cũng trong tình huống đang học môn này, lấy môn khác ra làm bài thì một thầy giáo lại có cách hành xử vô cùng khác.

Thầy nhẹ nhàng đến chỗ học sinh nói nhỏ, em không muốn học môn của thầy phải không? Hay thầy cho em ra phòng ngoài để học cho xong môn Anh văn rồi mới vào học tiếp? Cùng lúc, không thể học nổi 2 môn. Nghe thầy nhẹ nhàng như vậy, thường thì học sinh sẽ gấp sách vở lại và tiếp tục ngồi học.

Khi được hỏi, vì sao trong những tình huống ấy, thầy giáo lại có thể bình tĩnh, nói lời nhẹ nhàng với học sinh? Thầy chia sẻ với người viết: “Các em đang ở lứa tuổi nổi loạn, cứng đầu, ai nói cũng cãi không riêng gì thầy cô. Vì thế, mình cứ mềm mỏng chúng cũng sẽ nghe”.

Nói rồi thầy chia sẻ thêm: “Hơn 30 năm đi dạy, vẫn thường xuyên gặp những học sinh đang học môn này lấy bài môn khác ra học, hoặc một số học sinh trả lời thầy cô trống không, hay có những cử chỉ, hành động coi thường.

Tuy nhiên những lúc ấy, tôi cũng chỉ nhẹ nhàng nói và các em cũng nghe. Nếu liên tục tái phạm tôi mới mời phụ huynh lên làm việc. Nếu lấy quyền làm thầy ra quát nạt hoặc đưa ra hình phạt ngay, đôi khi gặp phải những học sinh cá tính mạnh lại thích thể hiện cũng khá rắc rối”.

Thầy cô sẽ là người hiểu rõ tâm sinh lý lứa tuổi nhất. Vì thế, ngay trong cách hành xử của mình, giáo viên cũng không nên chỉ dùng mệnh lệnh hoặc xử lý một cách cứng nhắc.

Thầy cô nên nhẹ nhàng, mềm dẻo, xử lý mọi việc bằng tình yêu thương và thấu hiểu. Chắc chắn việc học trò hỗn hào với giáo viên mỗi ngày cũng sẽ được giảm bớt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ngân Hoa