Được tăng học phí giúp trường đại học ổn định về mặt tài chính

06/01/2024 06:37
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, tăng học phí ít nhiều vẫn có thể gặp phải phản ứng dư luận, cần thực hiện tốt phân tầng đại học để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Phần nào tháo gỡ khó khăn của các trường, tạo sự hồ hởi cho cán bộ, viên chức

Ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân do Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ năm 2021. Tuy nhiên từ đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề nên Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 và học phí giữ ổn định so với năm 2021-2022. Mức học phí đại học đã không tăng trong 3 năm qua.

Nghị định 97 đã “chốt” lùi lộ trình tăng học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập một năm so với quy định tại Nghị định 81. Tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81.

Việc ban hành Nghị định 97 đã “chốt” lùi lộ trình tăng học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập một năm so với quy định tại Nghị định 81. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Việc ban hành Nghị định 97 đã “chốt” lùi lộ trình tăng học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập một năm so với quy định tại Nghị định 81. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: “Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 97, điều chỉnh lộ trình tăng học phí, đã phần nào có tác động tích cực đối với các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các trường tự chủ chi thường xuyên, như Trường Đại học Y Dược Thái Bình.

Tự chủ chi thường xuyên từ ngày 01/01/2021, tính đến nay là 3 năm và thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, từ đó đến nay, Trường Đại học Y Dược Thái Bình vẫn chưa tăng học phí. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động của nhà trường.

Vậy nên, Nghị định 97 đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn thực tiễn cho các trường”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Ảnh: Mộc Trà.

Chia sẻ thêm về thực tiễn hoạt động của Trường Đại học Y Dược Thái Bình, Chủ tịch hội đồng trường thông tin: “Thời gian qua, mức thu nhập tăng thêm của cán bộ, giảng viên nhà trường đã bị giảm đáng kể. Khi thực hiện tự chủ, nhà trường không còn nhận được ngân sách nhà nước hỗ trợ như trước đây, mà học phí 3 năm liên tiếp không được tăng. Điều này dẫn đến đời sống của cán bộ, giảng viên bị ảnh hưởng.

Bởi vậy, khi Nghị định 97 được ban hành, cũng là lúc được tăng học phí giúp các trường phần nào có thể đảm bảo đời sống cán bộ, giảng viên như trước khi thực hiện tự chủ.

Trên cơ sở đó, nhà trường xây dựng các kế hoạch cụ thể, xây dựng các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho đối tượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo quy định. Đồng thời, nhà trường cũng có kế hoạch để xây dựng và phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chủ trương của Nhà nước chưa tăng học phí trong vòng mấy năm trở lại đây cũng là nhằm chia sẻ với xã hội, với nhân dân gánh nặng khó khăn về kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Nhà trường hoàn toàn đồng thuận về chủ trương này.

Hiện tại, xã hội đã bình ổn, nền kinh tế cơ bản đã được phục hồi, nên việc điều chỉnh học phí theo Nghị định số 97 của Chính phủ (có lùi một bước theo lộ trình trước đó được xác định trong Nghị định số 81) là hợp lý và thể hiện trách nhiệm xã hội cao.

Năm học 2023-2024, các cơ sở giáo dục đại học đã được tăng học phí, điều này góp phần tháo những gỡ khó khăn của nhà trường. Một mặt, giúp nhà trường có thêm kinh phí để đầu tư cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; mặt khác, tăng cường đội ngũ giảng viên cơ hữu và tăng thù lao giảng dạy đối với giảng viên thỉnh giảng, tạo động lực cần thiết nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mộc Trà.

Căn cứ Nghị định 97, “mức trần” học phí năm học 2023-2024 đối với cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên là 1,2-2,45 triệu đồng/sinh viên/tháng, tùy nhóm ngành. Mức thu các năm trước là 980 nghìn đến 1,43 triệu đồng.

Những trường đã tự chủ đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tức khoảng 2,4-6,125 triệu đồng/sinh viên/tháng. Với chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học được tự xác định học phí.

Cần thực hiện tốt việc phân tầng đại học để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Liên quan đến lộ trình tăng học phí, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, việc lùi lộ trình tăng học phí một năm so với quy định trước đó theo Nghị định 81, cũng là một sự chia sẻ với người học và xã hội.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã 4 năm không tăng học phí, nên tới năm học 2023-2024, nhà trường chỉ điều chỉnh nhẹ, tăng học phí các ngành khoảng 5%. Dự kiến, đến năm học 2024-2025 nhà trường sẽ không tăng học phí, giữ ổn định ít nhất một năm, đồng thời, hiện chưa có kế hoạch cụ thể về học phí của năm học 2025-2026.

Đồng thời, theo vị Hiệu trưởng, mức học phí cao nhất đối với hệ đại học chính quy chương trình chuẩn tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện chưa đến 20 triệu đồng/sinh viên/năm học, tức là vẫn đang thấp hơn nhiều so với “mức trần” của cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quy định tại Nghị định 81, nên bản chất không có nhiều sự thay đổi đối với nhà trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: Mộc Trà.

“Về chủ trương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng như nhiều cơ sở giáo dục đại học khác, vẫn mong muốn thực hiện song song cả hai nhiệm vụ là nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, rõ ràng cũng đòi hỏi mức đầu tư tương xứng đồng thời, nhà trường cũng mong muốn cố gắng thực hiện trách nhiệm xã hội. Chính vì vậy, nhà trường tăng cường các chính sách hỗ trợ sinh viên dưới nhiều hình thức, chủ yếu dựa vào các nguồn lực xã hội... lượng học bổng hằng năm tuy không đáp ứng được hầu hết nhu cầu của sinh viên toàn trường, nhưng ít nhất có thể san sẻ được với những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tôi cho rằng, tất cả các trường đại học ở Việt Nam đều có một tâm thế như thế, chỉ có điều, điều kiện triển khai ở các trường khác nhau, có trường thuận lợi nhưng cũng có trường khó khăn hơn.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có điều kiện tương đối thuận lợi, với bề dày truyền thống, nhận được sự đầu tư rất lớn của nhà nước trước đây và trên cơ sở đó, nhà trường phát huy được để chia sẻ với người học nhiều hơn. Mặc dù nhà trường đã có những bước nâng cao chất lượng rất lớn, nhưng mức học phí vẫn luôn thuộc hàng thấp nhất trong số những trường đại học “top đầu”. Nhà trường luôn cố gắng thực hiện song hành hai nhiệm vụ, vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vươn tầm quốc tế, đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của mình” - vị Hiệu trưởng chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, mặc dù tăng 5% học phí không phải quá nhiều, nhưng vẫn có thể gây ra khó khăn cho phụ huynh, sinh viên. Điều đó cũng có thể khiến dư luận có phản ứng trái chiều.

Thầy Chương cho rằng: “Khi nghe thấy từ “tăng học phí”, như một lẽ hiển nhiên, rất dễ gặp phải phản ứng từ dư luận xã hội, nhất là trong điều kiện nền kinh tế hiện nay vẫn đang còn nhiều khó khăn, trở ngại, khi khả năng chi trả của phụ huynh sinh viên chưa thực sự dồi dào...

Vì vậy, tôi cho rằng, truyền thông cần phải có những thông điệp rõ ràng, chính xác, để xã hội hiểu được: Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, phải đi đôi với việc tăng cường trang bị cả về đội ngũ và cơ sở vật chất, trang thiết bị... Không thể đòi hỏi nâng cao chất lượng mà không có sự đầu tư.

Phần lớn các cơ sở giáo dục đại học đều theo đuổi tôn chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là trung tâm nghiên cứu để hình thành hệ thống tri thức mới, phát triển và chuyển giao công nghệ hiện đại, nên rất khó tạo ra đột phá nếu không có đầu tư tương xứng. Hay nói dễ hiểu hơn, như với mức học phí thực tế tại các cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân hiện nay - thấp hơn nhiều so với “mức trần” quy định của Nghị định 81, với nền tảng tốt, có duy trì trong việc nâng cao chất lượng, nhưng để tạo ra những bước đột phá là thực sự rất khó”.

Từ phân tích trên, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ: “Việc quan trọng nhất là cần phân tầng các trường đại học, cần xác định rõ đâu là những trường nhà nước cần phải đầu tư để không chỉ nâng cao chất lượng, tạo ra những trường đại học thực sự có khả năng cạnh tranh quốc tế, mà còn đảm bảo trách nhiệm xã hội. Từ đó, có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm một cách có hiệu quả”.

Được biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Trong đó, có đề xuất sẽ có khoảng 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nằm trong danh mục trường đại học trọng điểm của lĩnh vực Kinh tế và tài chính.

Mộc Trà