Đừng biến trường SP thành tổ chức tín dụng, đi giải ngân, truy thu kinh phí

15/10/2023 06:34
Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Không phải tổ chức tín dụng nhưng trường sư phạm phải làm nhiệm vụ truy thu bồi hoàn kinh phí, việc này đang hạ thấp vai trò, sứ mạng của các trường sư phạm.

(Bài 1)

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, ngân sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm bị cấp chậm, nhiều trường đại học phải “giật gấu vá vai” để có kinh phí vận hành hoạt động đào tạo, thậm chí có trường phải tự “rút ruột” để tạm ứng chi trả sinh hoạt phí cho sinh viên.

Trong khi cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên chưa được khơi thông, ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho sinh viên nhưng trách nhiệm thực hiện chuyển kinh phí hỗ trợ lại được “đẩy” về phía các cơ sở đào tạo, điều này khiến trường đại học sư phạm rơi vào thế khó.

Để giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện Nghị định 116 hiện nay, cần phải phải thay đổi tư duy, quan niệm về đặt hàng đào tạo giáo viên, thay đổi cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên và cả việc triển khai thực hiện.

Xây dựng Quỹ giáo dục quốc gia cho đào tạo giáo viên

Trước hết, phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: sản phẩm của đào tạo giáo viên là sản phẩm công hay sản phẩm tư?

Giáo dục nói chung vừa là sản phẩm công, vừa là sản phẩm tư, nhưng riêng về đào tạo giáo viên thì cần phải xem nó là sản phẩm công, bởi đây là nhu cầu bắt buộc, không thể thiếu.

Tinh thần của Nghị định 116 cũng đã thể hiện điều này, tuy nhiên, cách thức chúng ta triển khai, thực hiện lại chưa đi đúng hướng.

Đã định nghĩa đào tạo giáo viên là sản phẩm công thì Nhà nước phải có trách nhiệm lo toàn bộ kinh phí cho hoạt động đào tạo này, tức là chỉ có duy nhất Nhà nước đặt hàng, và cơ quan quản lý Nhà nước - Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị đứng ra đặt hàng duy nhất và thống nhất.

Còn như hiện nay, chúng ta đang giao cho các tỉnh/thành phố đặt hàng là không khả thi.

Việc giao cho các tỉnh/thành phố đặt hàng đào tạo giáo viên là không khả thi. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Việc giao cho các tỉnh/thành phố đặt hàng đào tạo giáo viên là không khả thi. Ảnh minh họa: Mạnh Đoàn

Tiếp đến là việc thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên và cách thức triển khai hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho người học.

Thời gian qua, thực hiện Nghị định 116, các cơ sở đào tạo giáo viên phải thực hiện những công việc hành chính như chuẩn bị thủ tục, hồ sơ đấu thầu, hồ sơ đặt hàng; các trường còn có trách nhiệm chuyển tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên, thậm chí là trở thành tổ chức tín dụng có trách nhiệm tiếp nhận sinh hoạt phí, tổ chức giải ngân, theo dõi, thậm chí tham gia vào truy thu bồi hoàn kinh phí.

Điều này vô hình trung hạ thấp vai trò, sứ mạng của các trường sư phạm. Không thể biến các trường trở thành tổ chức tín dụng, “trói buộc” các trường vào những thủ tục, trách nhiệm của một tổ chức tín dụng. Cần phải để các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình là chuẩn bị nhân lực giáo viên, chuyên viên và đội ngũ cán bộ quản lý cho ngành giáo dục.

Nhà nước đặt hàng đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị thực hiện đặt hàng, như vậy, Nhà nước phải cần có một gói tài chính riêng cho nhiệm vụ quan trọng này. Quốc hội cần có một dòng ghi ngân sách riêng cho việc này.

Để triển khai Nghị định 116 thành công, Nhà nước, Chính phủ nên xây dựng một Quỹ giáo dục quốc gia, tương tự như Quỹ Nafosted dành cho phát triển khoa học công nghệ. Quỹ giáo dục quốc gia chỉ dành riêng để lo cho công tác đào tạo giáo viên.

Nhà nước giao quỹ này cho ngân hàng chính sách xã hội vận hành. Hiện nay ngân hàng chính sách xã hội cũng đã và đang triển khai các chính sách cho sinh viên vay ưu đãi, tín chấp.

Quỹ này nên gồm có 2 phần, một phần dành cho học phí, một phần dành để chi cho chi phí sinh hoạt của sinh viên sư phạm.

Các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ tính học phí (chi phí đào tạo) theo định mức kinh tế kỹ thuật của chương trình đào tạo. Và ngân hàng sẽ chuyển phần học phí trực tiếp đến các trường.

Riêng với kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí, ngân hàng chuyển trực tiếp tới người học, không thông qua các cơ sở đào tạo giáo viên. Hỗ trợ sinh hoạt phí nên xây dựng theo cơ chế học bổng với các mức học bổng khác nhau, sinh viên đỗ vào các ngành sư phạm sẽ đăng ký để nhận các gói học bổng tương ứng. Năm đầu tiên, sinh viên sẽ nhận được mức học bổng đồng hạng. Nhưng, từ năm thứ hai trở đi, căn cứ vào kết quả học tập để nhận những mức học bổng khác nhau, thậm chí mất học bổng này nếu học kém.

Cùng với đó, cần đặt ra các yêu cầu, tiêu chí để sinh viên được nhận học bổng, ví dụ như sinh viên phải đạt điểm trung bình từ 2.0 trở lên, không nợ môn học nào; sinh viên càng đạt điểm cao càng được nhận mức học bổng cao.

Nếu triển khai được theo mô hình này, các cơ sở đào tạo giáo viên chỉ chuyên tâm chú trọng công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên mà không phải lo việc làm hồ sơ đấu thầu, đặt hàng hay giao nhiệm vụ. Nhà trường cũng sẽ không phải làm nhiệm vụ của tổ chức tín dụng là tiếp nhận, giải ngân, theo dõi, thu hồi bồi hoàn kinh phí sau này.

Tuy nhiên, các trường đào tạo giáo viên cũng có nhiệm vụ định kỳ cung cấp thông tin kết quả học tập để đơn vị quản lý Quỹ giáo dục quốc gia (ngân hàng chính sách xã hội) căn cứ vào đó và cấp học bổng cho sinh viên, và cũng chính ngân hàng chính sách xã hội với chi nhánh khắp các tỉnh thành sẽ có trách nhiệm, có đủ nhân lực và thẩm quyền để theo dõi, thực hiện nhiệm vụ truy thu bồi hoàn kinh phí.

Trường đại học có nhiệm vụ đào tạo chứ không thể “gánh” thêm nhiệm vụ thu hồi kinh phí nếu sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong ngành giáo dục. Việc này vượt quá chức chức năng và thẩm quyền của các trường. Thậm chí chính quyền địa phương cũng khó có thể kiểm soát được việc làm của sinh viên. Chính vì vậy, giải pháp tối ưu nhất là giao cho Ngân hàng chính sách xã hội quản lý Quỹ giáo dục quốc gia, thực hiện cấp học bổng cho sinh viên, cấp học phí cho cơ sở đào tạo và thực hiện truy thu bồi hoàn kinh phí nếu sau này sinh viên không công tác trong ngành giáo dục.

Hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo các gói học bổng

Tính toán “nhu cầu giáo viên” chính là tính tính toán dựa trên định mức giáo viên/lớp, quy mô dân số theo từng độ tuổi đi học,... cho toàn hệ thống giáo dục của địa phương, bao gồm cả công lập và ngoài công lập, chứ không chỉ là nhu cầu tuyển dụng giáo viên vốn chỉ áp dụng với trường công lập. Việc tính nhu cầu theo định mức giáo viên/lớp để xác định tổng chỉ tiêu phải do ngành giáo dục thực hiện và việc tuyển dụng phải đi theo đó.

Hằng năm, khi đã tính toán được tổng nhu cầu đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống nhất với Bộ Tài chính để xác định tổng nguồn kinh phí cho cho đào tạo giáo viên. Việc đặt hàng đào tạo giáo viên (tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu) phải được thực hiện khoảng trước tháng 11 hằng năm và từ đó dự toán kinh phí đào tạo giáo viên phải được giao vào tháng 12 hằng năm thì mới mới đảm bảo có kinh phí cho tuyển sinh khóa tiếp theo.

Còn nếu theo quy trình hiện nay để thực hiện Nghị định 116, thì việc bố trí kinh phí còn chậm, thiếu và phải đề nghị cấp bù vào năm tài chính tiếp theo. Bởi vì, kinh phí các trường công lập được xác định và cấp vào tháng 12 hằng năm, trong đó không được cấp tạm ứng cho số sinh viên trúng tuyển trong năm đó mà phải đến năm tài chính tiếp theo mới được cấp kinh phí hỗ trợ.

Tất nhiên, số chỉ tiêu sư phạm được cấp và số sinh viên trúng tuyển vào các các ngành sư phạm có thể không thể trùng khớp 100%. Số sinh viên sư phạm nhập học thực tế thường thấp hơn chỉ tiêu được phân. Vì vậy, nếu ngân sách cấp thừa sẽ bù trừ cho năm tài chính tiếp theo.

Đồng thời, trong quy định của Nghị định 116, không nên quy định là “hỗ trợ” học phí mà phải quy định rõ là “cấp học phí đủ theo định mức kinh tế kỹ thuật của chương trình đào tạo”. Bởi lẽ, nếu chỉ là “hỗ trợ” học phí, ngân sách chỉ cấp một phần học phí theo Nghị định 81, trong khi có nhiều trường đào tạo chương trình chất lượng cao với chi phí đào tạo cao hơn nhiều. Trong Nghị định phải đảm bảo ngôn ngữ chặt chẽ, khoa học, làm sao tính đủ học phí cho các trường để đảm bảo chất lượng cho hoạt động đào tạo.

Như vậy, phải quy rõ trách nhiệm cho các bên liên quan, Bộ Tài chính có trách nhiệm xác định đủ nguồn kinh phí cho đào tạo giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tính toán đủ nhu cầu giáo viên toàn ngành, đặt hàng đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm. Còn các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo quy định. Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện nhiệm vụ vận hành Quỹ giáo dục quốc gia, tiếp nhận, cấp phát và truy thu bồi hoàn kinh phí với các trường hợp không làm việc theo cam kết.

Vậy phải tính đến việc thực hiện truy thu bồi hoàn kinh phí sao cho đạt được hiệu quả. Việc cấp học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm cần được xem như hình thức cho vay không lãi suất với khả năng xóa khoản nợ vay khi làm đủ số năm trong ngành giáo dục theo quy định.

Ví dụ, có thể đưa ra quy định, nếu sinh viên sư phạm sau khi ra trường có 4 năm làm việc trong ngành giáo dục thì sẽ không phải bồi hoàn kinh phí, tức là được xóa nợ. Còn nếu sau 2 năm ra trường, cử nhân sư phạm vẫn làm việc ngoài ngành giáo dục thì theo từng năm sẽ phải chịu lãi suất cho đến khi họ bồi hoàn lại kinh phí cả gốc lẫn lãi.

Sớm giải quyết bài toán kinh phí vì mục tiêu chất lượng đào tạo giáo viên

Khi xem chi phí sinh hoạt hỗ trợ cho sinh viên sư phạm là một dạng học bổng từ ngân sách nhà nước, cũng phải tính đến việc cấp học bổng như thế nào khi sinh viên là đối tượng thuộc nhiều diện hỗ trợ chính sách khác nhau.

Hiện nay, sinh viên sư phạm ngoài hỗ trợ theo Nghị định 116 vẫn được được nhận hỗ trợ chính sách (nếu là dân tộc hộ khẩu tại vùng 135), học bổng khuyến khích học tập (nếu học kết quả tốt). Điều này không không thực sự công bằng với sinh viên các ngành khác. Nên chăng, sau khi tính toán đủ mức hỗ trợ thì sinh viên sư phạm chỉ nên cấp một loại học bổng từ ngân sách, còn những học bổng ngoài ngân sách thì vẫn nên cho phép đăng ký nếu có.

Hiện nay, Nghị định 116 cũng chưa có quy định cụ thể đối với những đối tượng sinh viên sư phạm cam kết không nhận hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí thì sẽ phải đóng học phí như thế nào?

Cùng với đó, phải có quy định khi ngân sách hỗ trợ đóng học phí cho sinh viên sư phạm cấp chậm, các trường không có kinh phí để thực hiện hoạt động đào tạo thì các trường có được phép thu học phí của người học hay không? Bởi vì, về bản chất theo Nghị định 116 thì Nhà nước (trung ương hoặc địa phương) đứng ra “đóng học phí hộ một phần hay toàn bộ” cho sinh viên. Vậy, khi Nhà nước cấp thiếu (từ đóng thiếu) thì các trường có được quyền “thu bù”) từ sinh viên sư phạm hay không? Khi Nhà nước “cấp chậm” thì các trường có được phép “tạm thu” hay không?

Theo Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 116: “sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí”. Tuy nhiên, kết quả học tập yếu, rèn luyện yếu là ngưỡng quá thấp trong đào tạo giáo viên. Cần đặt ra yêu cầu điểm số cụ thể để sinh viên được nhận học bổng hỗ trợ cao hơn, ví dụ, tối thiểu điểm trung bình chung tích lũy từ 3,0/4,0 điểm trở lên thì mới được tiếp tục nhận hỗ trợ (tức là học bổng).

Bên cạnh đó, trong quy định về thu hồi kinh phí, không nên ràng buộc trách nhiệm với gia đình người học. Bởi vì sinh viên đã từ 18 tuổi trở lên, là người đã có đủ tư cách pháp nhân để chịu trách nhiệm về hành động của mình. Sinh viên có quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình, từ việc đăng ký nhận hỗ trợ cho đến xử lý đền bù khi không công tác trong ngành giáo dục.

Bài toán kinh phí là vấn đề cần giải quyết sớm vì mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, bởi thực tế, một số trường hiện đang phải “rút ruột” để đào tạo giáo viên, vì ngân sách đang cấp chậm, cấp thiếu.

Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 116 cần có sự tham gia sâu và thực chất của Bộ Tài chính. Nếu chỉ những người làm giáo dục “loay hoay” bàn cách sửa đổi Nghị định 116 mà ngành tài chính không xác định được “nguồn” tài chính cho thực hiện Nghị định này từ đâu thì những cố gắng này sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Giáo sư Nguyễn Quý Thanh - Phạm Minh