Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 2/8/2024 đến hết ngày 2/10/2024.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP là việc cần thiết để bảo đảm quyền được hỗ trợ tiền đóng học phí, quyền được hưởng chế độ, chính sách trong thời gian đào tạo nâng trình độ chuẩn của đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập, dân lập, tư thục và bảo đảm đạt mục tiêu 100% giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019.
Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định là sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 chính sách nhằm khắc phục vướng mắc trong quá trình triển khai thực tiễn. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên (sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định 71):
Trong đó, bỏ phương thức đấu thầu, giữ lại phương thức giao nhiệm vụ và đặt hàng cơ sở đào tạo theo kế hoạch được phê duyệt;
Bên cạnh đó, bổ sung quy định giáo viên được chủ động lựa chọn, đăng ký học nâng trình độ chuẩn trực tiếp với cơ sở đào tạo công lập khi ngành hoặc chuyên ngành mà giáo viên đăng ký đào tạo không đủ điều kiện để địa phương mở lớp theo phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Việc đào tạo nâng trình độ chuẩn phải được sự đồng ý bằng văn bản của hiệu trưởng hoặc giám đốc cơ sở giáo dục nơi giáo viên đang công tác và báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở giáo dục.
Thứ hai, dự thảo Nghị định bổ sung quy định thanh toán học phí đào tạo cho những giáo viên (thuộc đối tượng được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP) đã tự đi học và được cấp bằng kể từ ngày 01/7/2020.
Thứ ba, bổ sung quy định trong thời gian thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục 2019, làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hưởng chính sách theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định khác có liên quan và để bảo đảm thực hiện đồng bộ với 3 nội dung sửa đổi nêu trên. Chẳng hạn: sửa đổi, bổ sung quy định về kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phù hợp với các phương thức đào tạo sửa đổi; sửa đổi quyền của giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn để bảo đảm quyền được thanh toán học phí đào tạo nâng trình độ chuẩn; bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính để các phương thức đào tạo được triển khai thuận lợi hơn trong thực tiễn; bỏ các từ “đấu thầu” trong quy định tại Nghị định 71 để bảo đảm phù hợp với việc điều chỉnh phương thức đào tạo.
Số giáo viên phải tự túc kinh phí chiếm gấp 2, gấp 3 lần số giáo viên được hỗ trợ kinh phí
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đã thực hiện được gần 04 năm và giúp tăng đáng kể tỷ lệ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định. Nhiều địa phương đã đạt mục tiêu đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên giai đoạn 1 (2020 – 2025) và dự kiến sẽ hoàn thành lộ trình đào tạo trước thời hạn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 71 còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: phương thức đào tạo nâng trình độ chuẩn khó thực hiện ở nhiều địa phương; nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự chi trả kinh phí đào tạo để đạt yêu cầu trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định; giáo viên mầm non chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo không được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.
Theo báo cáo của địa phương, thực tế có nhiều giáo viên phải tự tìm cơ sở đào tạo, tự túc kinh phí đào tạo, thậm chí có địa phương có 100% giáo viên thuộc đối tượng nâng trình độ chuẩn phải tự túc kinh phí.
Số liệu thống kê từ báo cáo của địa phương cho thấy, tính từ thời điểm triển khai Nghị định 71, số giáo viên tự túc kinh phí đi học nhiều hơn số giáo viên được cử đi và được hỗ trợ kinh phí theo quy định, cụ thể như sau:
Năm |
Số giáo viên được hỗ trợ kinh phí đào tạo |
Số giáo viên phải tự túc kinh phí đào tạo |
Tỷ lệ giữa số phải tự túc kinh phí và số được hỗ trợ kinh phí |
(1) |
(2) |
(3) = (2) / (1) |
|
Năm 2022 |
9.326 |
16.160 |
Gấp 1,73 lần |
Năm 2023 |
5.158 |
17.238 |
Gấp 3,34 lần |
Tổng cộng |
14.484 |
33.398 |
Gấp 2,31 lần |
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, thực trạng trên là do một số nguyên nhân như nhiều địa phương không triển khai được theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu nên không mở được lớp đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên.
Trong thời gian qua, nhiều môn học không có đủ số lượng giáo viên đăng ký để địa phương mở lớp đào tạo, đặc biệt là các môn chuyên, môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Giáo dục công dân. Theo thông tin do địa phương cung cấp, số lượng giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo còn lại không nhiều. Do đó, trong thời gian tới, tình trạng không đủ số lượng giáo viên để mở lớp sẽ tiếp tục xảy ra ở rất nhiều môn, không chỉ ở một số môn đặc thù kể trên.
Bên cạnh đó, một số địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí ngân sách thực hiện lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn, hoặc chưa đảm bảo bố trí đủ kinh phí triển khai đào tạo theo cả khóa học nên không mở được lớp đào tạo. Có địa phương không bố trí kinh phí để đào tạo đối với giáo viên đang giảng dạy trong các trường dân lập, tư thục hoặc không chi trả 100% học phí (như Nghệ An chỉ hỗ trợ 30% học phí).
Thời điểm từ năm 2020 đến hết năm 2022, cả nước phải tập trung thực hiện các biện pháp phòng – chống dịch COVID-19 nên trong khoảng thời gian đó nhiều nơi không thể triển khai lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn theo kế hoạch, không mở được lớp đào tạo.
Ngoài ra, do lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn kéo dài 10 năm và ưu tiên những người có số năm công tác còn lại ít hơn đi học trước. Nên những giáo viên ít tuổi hơn sẽ phải đợi để được cử đi đào tạo sau. Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01,02,03/2021/TT-BGDĐT quy định bổ nhiệm ngay vào hạng III mới đối với các giáo viên đã đạt trình độ chuẩn và chuyển xếp vào bảng lương mới với hệ số lương khởi điểm cao hơn (giáo viên mầm non hạng III mới chuyển xếp lương từ viên chức loại B sang A0; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III mới chuyển xếp lương từ viên chức loại A0 sang A1). Do đó, nhiều giáo viên không đợi đi học theo kế hoạch của địa phương mà tự túc đi học để được chuyển xếp lương mới, tăng mức thu nhập.
"Như vậy, quyền được hỗ trợ học phí của giáo viên khi tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 Nghị định 71 không thực hiện được. Mục tiêu chuẩn hóa về trình độ đào tạo của đội ngũ mặc dù đang có kết quả, nhưng mục tiêu hỗ trợ kinh phí đào tạo để giảm bớt áp lực về kinh tế lên đội ngũ nhà giáo khi phải học tập nâng trình độ chuẩn theo yêu cầu mới của Ngành thì chưa được đảm bảo". Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Năm 2022, các tỉnh có 100% số lượng giáo viên tự túc kinh phí đào tạo nâng chuẩn là: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Cao Bằng, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, Gia Lai, Hải Phòng, Hòa Bình, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Tiền Giang, Vĩnh Long, Yên Bái
Năm 2023, các tỉnh có 100% số lượng giáo viên tự túc kinh phí đào tạo nâng chuẩn là: Bình Dương, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cao Bằng, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Tây Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái