Một số hiệu trưởng 'động viên' GV đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc

31/10/2022 06:38
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù luật hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về kinh phí, lộ trình nhưng một số hiệu trưởng nhà trường muốn giáo viên đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc.

Theo quy định tại Điều 72, Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì chuẩn trình độ giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm).

Đối với giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm); Giáo viên trung học cơ sở phải có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên trở lên (trước đây chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm)…

Những giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, nếu môn học chưa đủ giáo viên đạt yêu cầu nêu trên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Như vậy, những giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ mà đang nằm trong độ tuổi công tác thì phải đi học nâng chuẩn.

Tuy nhiên, việc đi học nâng chuẩn của giáo viên được hướng dẫn khá cụ thể trong các văn bản hiện hành là bằng kinh phí của địa phương, giáo viên không phải đóng học phí trong quá trình học tập.

Thế nhưng, thực tế một số đơn vị trường học hiện nay lại khác, hiệu trưởng nhà trường muốn giáo viên đi học nâng chuẩn nhưng kinh phí họ phải tự túc.

Việc nâng chuẩn của giáo viên một số nơi đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh)

Việc nâng chuẩn của giáo viên một số nơi đang gặp khó khăn (Ảnh minh họa: Ngọc Ánh)

Từ giáo viên tiểu học cao cấp thành những giáo viên thiếu chuẩn

Trước khi có Luật Giáo dục năm 2019, chuẩn trình độ của giáo viên tiểu học là trung cấp, cao đẳng là cao đẳng, trung học phổ thông là đại học sư phạm.

Nhiều giai đoạn thiếu giáo viên ở tiểu học, giáo viên các cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông được động viên, hoặc bị điều động xuống dạy tiểu học.

Hoặc, một số giáo sinh có bằng đại học các chuyên ngành Văn, Sử, Địa khi ra trường nộp đơn xin tuyển dụng vào cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông nhưng vì các cấp học này thừa giáo viên, Sở chủ trương tuyển dụng những giáo viên này xuống dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, làm Tổng phụ trách Đội ở cấp tiểu học.

Sau đó, Sở cho họ đi học chuyên môn, nghiệp vụ tiểu học liên tục trong 3 tháng (cả ngày nghỉ, ngày lễ và học 2 buổi/ ngày) để về đảm nhận các vị trí công việc mà họ được tuyển dụng. Học xong, giáo viên được cấp chứng chỉ ghi là tương đương với cao đẳng sư phạm.

Như vậy, những giáo viên dạy không đúng chuyên ngành đào tạo ở đại học đã có bằng đại học và một chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về môn học cấp tiểu học và họ đã công tác hàng chục năm ở ngành Giáo dục.

Lúc mới được tuyển dụng, họ được công nhận là giáo viên cao cấp vì cấp tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp nhưng kể từ khi Luật Giáo dục 2019 ra đời, nhất là khi Bộ ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, những giáo viên này được xem là những người chưa đạt chuẩn trình độ, họ được nhà trường đề nghị cấp trên công nhận là giáo viên tiểu học hạng III.

Tất nhiên, khi được xem là những người chưa đạt chuẩn trình độ thì phải đi học nâng chuẩn theo đúng hướng dẫn của ngành. Bởi vì, ngày 30/6/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo đó, tại Điều 2 của Nghị định số 71 đã hướng dẫn đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định…

Tại Điều 4 của Nghị định số 71 cũng hướng dẫn lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học thành 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 50% số giáo viên tiểu học đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên tiểu học hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân.

Đặc biệt, tại Điều 9 của Nghị định số 71 đã hướng dẫn kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên như sau:

Kinh phí thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên do ngân sách địa phương bảo đảm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật; ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương khi chưa cân đối được ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Việc thanh toán kinh phí đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên cho các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.

Việc giáo viên đi học nâng chuẩn không phải tự bỏ kinh phí còn được thể hiện rõ tại Điều 73, Luật Giáo dục 2019 được quy định như sau:

"Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật."

Như vậy, theo Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đi học nâng chuẩn không phải trả kinh phí đào tạo và được nhà trường tạo điều kiện cho đi học theo lộ trình đã được Chính phủ hướng dẫn.

Hiệu trưởng “động viên” giáo viên đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc

Mặc dù Luật Giáo dục năm 2019 và Nghị định số 71/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể, rõ ràng như vậy nhưng thực tế không phải giáo viên nào chưa đạt chuẩn trình độ cũng được nhà trường tạo điều kiện cho đi học và được chi trả kinh phí học tập.

Một số hiệu trưởng trường tiểu học đã nói thẳng trước hội đồng sư phạm nhà trường và gặp riêng với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 thì nhanh chóng tìm lớp và học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc.

Họ còn khéo léo nhắc nhở rằng nếu không đi học nâng chuẩn thì bị xếp là giáo viên hạng III, có thể còn bị tinh giản biên chế trong tương lai để giáo viên lo lắng và tự tìm lớp để học nâng chuẩn.

Tuy nhiên, thực tế giáo viên tự đi học nâng chuẩn gặp rất nhiều khó khăn bởi một số giáo viên đã có bằng đại học nhưng bị điều chuyển hoặc được tuyển dụng xuống dạy tiểu học để dạy các môn học như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tổng phụ trách Đội - những môn học, công việc luôn được xem là “môn phụ” ở các nhà trường nên kinh tế thường khó khăn.

Việc tự đi học nâng chuẩn trong mấy năm liền tốn kém vô cùng bởi hệ vừa học vừa làm không chỉ đơn thuần là đóng tiền học phí mà còn có các loại quỹ khác nhau nên luôn là nỗi ám ảnh của những học viên.

Hơn nữa, việc giáo viên tự đi học sẽ không nằm trong kế hoạch của ngành nên nhà trường sẽ rất khó bố trí giáo viên khác dạy thay khi những giáo viên này đi học nâng chuẩn nên có thể phải bỏ học hoặc bỏ dạy ở những thời điểm học tập. Hoặc là họ phải đi học xuyên suốt các ngày nghỉ cuối tuần và mấy tháng hè.

Chính vì thế, một số giáo viên họ quan niệm nếu nhà trường cho đi học bằng ngân sách địa phương thì họ đi, nếu không thì lúc nào tinh giản họ sẵn sàng nghỉ dạy vì không có tiền, thời gian mà đi học nâng chuẩn bằng kinh phí tự túc.

Rõ ràng, giữa chính sách giáo dục và thực thi chính sách giáo dục dưới cơ sở không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau.

Điểm nghẽn này là chính một số thủ trưởng đơn vị trường học nên dẫn đến những khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi đối với giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

- https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Nghi-dinh-71-2020-ND-CP-lo-trinh-nang-trinh-do-chuan-duoc-dao-tao-cua-giao-vien-mam-non-432707.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG