Đôi điều băn khoăn chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên

05/03/2024 06:42
Phan Thế Hoài (giáo viên)
0:00 / 0:00
0:00

GDVN Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. 

Theo đó, các chương trình này thay thế cho các chương trình bồi dưỡng theo từng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp. [1]

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin có đôi điều bàn thêm về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hiện nay. [2]

anh minh hoa.jpg
Ảnh minh họa.

Ưu điểm của chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên

Thứ nhất, mỗi cấp học có 01 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung cho các hạng giáo viên.

Thứ hai, thời lượng bồi dưỡng điều chỉnh từ 240 tiết (tương đương 6 tuần) xuống còn 120 tiết (tương đương 3 tuần) để phù hợp với nội dung bồi dưỡng chi tiết.

Thứ ba, chương trình đã được rà soát để đảm bảo không trùng lặp với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên khác; cung cấp các kiến thức trọng tâm, thiết thực đối với đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Thứ tư, không yêu cầu giáo viên phải làm bài kiểm tra kết thúc từng phần, chỉ yêu cầu hoàn thành 01 bài kiểm tra hoặc bài thu hoạch hoặc bài tiểu luận cuối khóa theo quy chế của cơ sở bồi dưỡng.

Thứ năm, bổ sung quy định điều kiện đối với các cơ sở bồi dưỡng. Khi đáp ứng các điều kiện, các cơ sở được phép bồi dưỡng mà không cần phải làm thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng bồi dưỡng.

Thứ sáu, bổ sung quy định điều kiện đối với các cơ sở bồi dưỡng. Khi đáp ứng các điều kiện, các cơ sở được phép bồi dưỡng mà không cần phải làm thủ tục để Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng bồi dưỡng.

Đôi điều băn khoăn cần trao đổi

Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định nhiệm vụ của giáo viên như sau (trích):

"Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục".

Có thể nhận thấy, nhiệm vụ chính của giáo viên là giảng dạy, giáo dục học sinh và làm một số công việc có liên quan do hiệu trưởng phân công.

Thế nhưng, chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông lại có các chuyên đề sau:

Chuyên đề 1: Quản lí Nhà nước về giáo dục phổ thông.

Chuyên đề 2: Xu thế phát triển giáo dục phổ thông trên thế giới, chiến lược phát triển giáo dục phổ thông của Việt Nam.

Chuyên đề 3: Các quy định của pháp luật về chính sách phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông.

Chuyên đề 4: Phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông.

Chuyên đề 5: Năng lực hỗ trợ đồng nghiệp trong phát triển chuyên môn giáo dục trung học phổ thông.

Chuyên đề 6: Năng lực tự học và nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong giáo dục học sinh trung học phổ thông.

Chuyên đề 7: Chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh trung học phổ thông.

Chuyên đề 8: Năng lực thích ứng với sự thay đổi trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông.

Người viết (giáo viên bậc trung học phổ thông) nhận thấy: Các chuyên đề 1, 2, 3, 4 thực sự giúp ích rất nhiều cho cán bộ quản lí giáo dục (Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo) và hiệu trưởng, hiệu phó ở các nhà trường phổ thông.

Ví dụ, hiệu trưởng thì phải nắm rõ các quy định của pháp luật về chính sách phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông nhằm: đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới công tác tự đánh giá, đánh giá đội ngũ nhà giáo; cải thiện các chính sách cho giáo viên...

Còn giáo viên, thầy cô cần giỏi chuyên môn và nghiệp vụ để giảng dạy và giáo dục học sinh sao cho hiệu quả. Ví dụ, giáo viên bộ môn Toán thì phải giỏi toán học và có khả năng am hiểu tâm lí lứa tuổi học sinh để làm tốt công tác chủ nhiệm.

Còn Chuyên đề 4: Phát triển năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông, thiết nghĩ, giáo viên cần phải học hỏi từ đồng nghiệp, tự học tập để nâng cao chuyên môn chứ không phải chỉ qua 1 chuyên đề bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Giáo viên nào không chịu trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ bị đào thải, cụ thể bị tinh giản biên chế theo quy định 29/2023/NĐ-CP.

Riêng Chuyên đề 5: Năng lực hỗ trợ đồng nghiệp trong phát triển chuyên môn giáo dục trung học phổ thông, là trách nhiệm của lãnh đạo và tổ trưởng, tổ phó chuyên môn chứ không phải giáo viên bộ môn.

Ví dụ, một giáo viên Ngữ văn còn yếu chuyên môn thì tổ trưởng, tổ phó chuyên môn phải có trách nhiệm hỗ trợ đồng nghiệp trong việc nâng cao năng lực giảng dạy chứ không phải là một thành viên khác trong tổ làm thay.

Tương tự, các Chuyên đề 6, 7, 8, không chỉ dừng lại ở việc bồi dưỡng một số phạm vi kiến thức mang tính lí thuyết, mà còn đòi hỏi bản thân mỗi giáo viên phải thay đổi phương tiện, phương pháp dạy thì mới có thể bắt nhịp với thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0.

Muốn vậy giáo viên cần phải đáp ứng một số yêu cầu như: phải thông thạo, phải giỏi công nghệ thông tin để soạn, giảng và giúp học sinh khai thác những tri thức mới, kích thích óc sáng tạo của các em trong quá trình học tập.

Cùng với đó, giáo viên cần có năng lực học tập suốt đời, không ngừng cập nhật kiến thức và tri thức để theo kịp sự đòi hỏi công việc vốn liên tục thay đổi trong xã hội 4.0.

Ngoài ra, giáo viên cũng cần giỏi ngoại ngữ để hội nhập với xu hướng kết nối toàn cầu và nền giáo dục trên thế giới. Đây cũng là cách để thầy cô nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết và cập nhật các phương pháp dạy mới giúp bài giảng sinh động và học sinh hứng thú học hơn.

Liên quan đến việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, vừa qua Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 53/TB-VPCP ngày 15/2/2024 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ bảy ngày 2/2/2024.

Đáng chú ý, Thông báo có nội dung: “... bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung, hoàn thành trong Quý II năm 2024”. [3]

Vì vậy, người viết kiến nghị, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu thu gọn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và giấy chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên thành một chứng chỉ chung cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/nha-giao-va-can-bo-quan-ly-giao-duc/Pages/tin-tuc.aspx?ItemID=8646

[2] https://moet.gov.vn/content/tintuc/Lists/News/Attachments/8646/2003qdbgddt---thpt.pdf

[3] https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=209717

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài (giáo viên)