Thi thăng hạng, bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp GV còn nhiều băn khoăn

09/03/2023 06:32
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không rõ ràng, minh bạch sẽ dẫn tới lúng túng khi phân hạng giáo viên.

Từ khi được ban hành, Chùm thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập vẫn luôn gây nhiều tranh cãi.

Đặc biệt, việc thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cũng khiến nhiều thầy cô băn khoăn khi mỗi tỉnh hướng dẫn giáo viên ôn tập một kiểu, không có tính thống nhất.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: Nguyên Phương

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên và thi thăng hạng giáo viên như hiện nay là không phản ánh đúng bản chất vị trí việc làm của người thầy.

Như thi thăng hạng giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có danh mục đến 31 tài liệu, trong khi Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị có 11 tài liệu cho thấy đang có sự thiếu thống nhất.

Với từng vị trí việc làm đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, thái độ, và các giá trị đạo đức thể hiện tương ứng, thế nhưng nội dung thi lại tập trung quá nhiều vào các văn bản hành chính, văn bản pháp luật.

Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 mà lại kiểm tra khả năng ghi nhớ của thầy cô với các văn bản pháp lý là không phù hợp. Ngay cả những công chức làm việc lâu năm trong ngành giáo dục cũng khó có thể nhớ tất cả văn bản pháp lý của ngành, tất nhiên họ phải có hiểu biết về pháp luật nhưng trong quá trình làm việc cũng cần tra cứu, tìm hiểu, cập nhật.

Nói vậy để thấy rằng, kiến thức về hiến pháp, luật pháp là cần thiết và quan trọng, nhưng tương ứng với từng vị trí việc làm, cần giới hạn kiến thức trong khuôn khổ nhất định. Còn yêu cầu giáo viên học quá nhiều trong tập tài liệu để kiểm tra là không hợp lý, kiến thức luật pháp khi cần thầy cô có thể tra cứu dễ dàng.

“Bản thân tôi có trên 16 năm làm ở Bộ Giáo dục và Đào tạo và là một chuyên viên cao cấp cũng không thể nhớ hết chi tiết của các văn bản luật, hành chính và các chỉ đạo liên quan. Nhưng trong quá trình làm việc, cần đến nội dung nào mình phải tra cứu.

Kiểm tra khả năng ghi nhớ chẳng khác gì đánh đố các thầy cô, thực chất sẽ chẳng có ai có thể học thuộc tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Với cách thức như này, tôi lo là giáo viên sẽ xem thi cử là hình thức, tìm mọi cách “đối phó” để được thăng hạng.

Hơn nữa, khối lượng công việc chuyên môn của giáo viên phục vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là khá nặng nề, nếu cứ yêu cầu giáo viên thi chứng chỉ, thi thăng hạng như hiện nay thì thời gian đâu để các thầy cô trau dồi chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất đạo đức.

Tôi cho rằng, cần tập trung những khiếm khuyết về năng lực của giáo viên ở mỗi vị trí việc làm cụ thể, chỗ nào chưa tương xứng với đòi hỏi thì cần bù đắp ở chỗ đó và đánh giá theo chuẩn đó. Không thể có chính sách người ta “ngứa đầu thì mình lại gãi chân” được”, Tiến sĩ Vinh trăn trở.

Cần xem lại chương trình, nội dung bồi dưỡng giáo viên

Chia sẻ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, nội dung chương trình bồi dưỡng, thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hiện cũng không đúng với tiêu chuẩn nghề nghiệp của vị trí chức danh giáo viên.

Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong quy định chưa định nghĩa rõ ràng về nhiệm vụ cùng với các tiêu chuẩn gắn với bản mô tả việc làm tại vị trí giảng dạy của giáo viên, tiêu chuẩn một đằng nhưng nội dung chương trình một nẻo.

Cụ thể như yêu cầu giáo viên mầm non dạy ở nhóm trẻ phải đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc giáo viên dạy giỏi cấp huyện là làm khó cho giáo viên vì giáo viên mầm non khó có cơ hội để đi thi.

Chúng ta đều biết, tỷ lệ giáo viên trong cơ sở giáo dục được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua là rất ít nhưng lại lấy tiêu chí này để thăng hạng giáo viên là không công bằng.

Yêu cầu tiêu chuẩn kép về chuyên môn nghiệp vụ và danh hiệu thi đua như chiến sĩ thi đua là không phù hợp.

Chương trình bồi dưỡng, nội dung thi cũng có nhiều nội dung không bám sát tiêu chuẩn mà lại đưa những kiến thức thuộc về nhiệm vụ quản lý cơ sở giáo dục hoặc những kiến thức đã được học ở chương trình cao đẳng, đại học.

Chương trình bồi dưỡng quá xa rời tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nhiều nội dung không liên quan đến nhiệm vụ ở vị trí việc làm của giáo viên mà dành cho người quản lý nhân sự, quản lý khoa học ở nhà trường.

Đối với giáo viên, họ cần phải hiểu rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, đạo đức của nhà giáo, những đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng dạy học mà không phải là của những nhà quản lý, hoạch định chính sách. Như vậy, nội dung chương trình bồi dưỡng được thiết kế không đúng đối tượng và hơi thừa.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, cần sửa lại chương trình, nội dung bồi dưỡng giáo viên, cập nhật với nhu cầu mới của người giáo viên để hoàn thành nhiệm vụ. Vì tiêu chuẩn nghề nghiệp giáo viên xây dựng đã lâu, không được cập nhật và một khi chương trình bám theo chuẩn đó để xây dựng sẽ không phù hợp thực tế.

Trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giáo viên cần nhiều kỹ năng mới (về công nghệ thông tin, ngoại ngữ,...). Ngay sau đại dịch Covid-19, yêu cầu về chuyển đổi số, dạy học online cũng đặt ra những đòi hỏi mới đối với vị trí việc làm của giáo viên, từ nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học và các kỹ năng khác.

Do đó, thiết kế chương trình bồi dưỡng cần cập nhật sao cho phù hợp với vị trí việc làm của giáo viên cũng như phù hợp với thực tiễn. Còn hiện nay, những kỹ năng về công nghệ và những công nghệ giáo dục mới không được thể hiện trong tiêu chuẩn cũng như chương trình bồi dưỡng giáo viên.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết thêm, thiết kế tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp không rõ ràng, minh bạch và thiếu chính xác sẽ dẫn tới lúng túng khi phân hạng giáo viên.

Việc tổ chức thực hiện không đảm bảo chất lượng, không có kiểm định chất lượng chứng chỉ cũng đặt ra lo ngại về tình trạng cắt ngắn thời gian đào tạo bồi dưỡng; tổ chức lớp học quá đông; nặng về giáo huấn lý luận mà thiếu phần đào tạo kỹ năng, thiếu minh bạch trong thu phí bồi dưỡng.

Thiết kế chương trình bồi dưỡng không bám sát thực tế giáo dục phổ thông và trong khi quá trình thực hiện không đảm bảo sẽ không tạo động lực cho người học. Chứng chỉ cấp sau khoá học không phản ánh các giá trị được kết tinh trong năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Trong thời gian tới, rất cần xem xét đánh giá một cách nghiêm túc từ thiết kế chương trình đến triển khai thực hiện để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, công chức qua các chương trình bồi dưỡng phát triển chuyên môn.

Việc phân hạng vị trí việc làm của giáo viên để xây dựng chương trình bồi dưỡng, đánh giá, trả lương theo vị trí việc làm là một lựa chọn, nhưng đòi hỏi việc xây dựng từ mô tả vị trí việc làm, tiêu chuẩn nghề nghiệp, chương trình bồi dưỡng, bồi dưỡng và đánh giá cấp chứng chỉ cần hết sức khoa học để tránh thừa hoặc thiếu dẫn đến lãng phí công sức.

Nguyên Phương