Độ mở của SGK Ngữ văn giúp giáo viên, HS phát huy sáng tạo, tư duy độc lập

11/05/2025 07:30
Hồng Linh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sách giáo khoa Ngữ văn của Nhà xuất bản Giáo dục được nhiều giáo viên đánh giá là không gò ép, có độ mở cao để phát huy sức sáng tạo của thầy và trò.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới nổi bật. Một trong số đó là việc được lựa chọn nhiều bộ sách giáo khoa, giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức dạy học của giáo viên, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của người học.

Đối với môn Ngữ văn, sách giáo khoa thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục đang được đông đảo các nhà trường sử dụng.

Các bài học được tổ chức một cách chặt chẽ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Văn Chánh (Phú Yên) cho biết, sách giáo khoa Ngữ văn của Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ Chân trời sáng tạo) có nhiều điểm mới nổi bật so với sách giáo khoa cũ. Cụ thể, ở một số điểm sau:

Thứ nhất, về cấu trúc sách, các bài học không phân bố một cách rời rạc theo từng bài, từng tiết riêng biệt như sách giáo khoa cũ mà được tổ chức một cách chặt chẽ theo mạch đọc - viết - nói và nghe.

Mỗi bài học sẽ tập trung vào một thể loại, thường gắn với một chủ đề và gồm các phần chính: Tri thức Ngữ văn, văn bản đọc, thực hành tiếng Việt, viết, nói và nghe. Ngoài ra còn có các phần như: ôn tập, mở rộng, thực hành đọc… Nội dung của các phần có sự tích hợp, liên kết chặt chẽ với nhau. Số tiết trong từng bài học cũng không quy định cứng mà tạo cơ chế mở, cho phép thầy cô giáo linh hoạt tự quyết theo điều kiện dạy học của mình.

Thứ hai, văn bản, ngữ liệu được lựa chọn kĩ lưỡng, đảm bảo được yêu cầu của chương trình, phù hợp với năng lực, lứa tuổi… của học sinh theo từng khối lớp. Các bộ sách mạnh dạn đưa vào những văn bản, ngữ liệu mới, mang hơi thở của đời sống đương đại giúp môn Ngữ văn trở nên gần gũi, thiết thực hơn.

Thứ ba, cách thức hướng dẫn triển khai bài học được thực hiện một cách hiệu quả, dễ áp dụng. Hệ thống câu hỏi hướng dẫn đọc được thể hiện theo từng mức độ tư duy.

Phần viết, nói và nghe hướng dẫn kỹ lưỡng, khoa học, đồng thời chỉ “gợi” chứ không “áp”, không gò ép mà có độ mở cao để phát huy sức sáng tạo của thầy và trò. Phần ôn tập, vận dụng mở rộng, kết nối đọc viết… được biên soạn hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu đề ra.

“Khi sách giáo khoa được biên soạn theo hướng mở sẽ giúp thầy cô giáo và học sinh dễ dàng sử dụng sách theo cách riêng, theo từng điều kiện để có thể đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra. Từ những gợi mở của sách giáo khoa, người dạy và người học có thể tự tìm cho mình lối đi riêng trong cách dạy và học” - thầy Minh khẳng định.

48286c07-42f0-40cb-a710-6147d732b28d.jpg
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh (ở giữa) - Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lê Văn Chánh (Phú Yên). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phùng Thanh Quỳnh - Giáo viên môn Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng (Hà Nội) thông tin, hiện tại trường đang sử dụng sách giáo khoa Ngữ văn (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) để giảng dạy.

Đánh giá về cuốn sách, cô Quỳnh nói: “Điểm mới nổi bật của sách giáo khoa Ngữ văn mới là cấu trúc bài học theo hướng phát triển năng lực, tích hợp, tăng tính trải nghiệm. So với sách cũ – vốn tập trung chủ yếu vào việc cung cấp tri thức văn học, ngữ pháp theo từng bài cụ thể, sách mới xây dựng bài học xoay quanh chủ đề, tạo nên mạch liên kết và ứng dụng giữa ngữ văn với đời sống, thể hiện rõ được các năng lực đọc - viết - nói và nghe.

Việc biên soạn theo hướng mở giúp giáo viên linh hoạt trong tổ chức bài học, chủ động chọn văn bản ngữ liệu phù hợp với đối tượng học sinh, vùng miền khi luyện tập.

Học sinh có cơ hội được trình bày quan điểm, trải nghiệm thực tiễn và phát triển kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, từ đó quá trình dạy – học trở nên sinh động và hiệu quả hơn. Học sinh không còn thói "học vẹt", học thuộc lòng.

Sách mới thể hiện rõ định hướng phát triển năng lực

Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh khẳng định, yêu cầu định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thể hiện rất rõ trong bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo.

Ví dụ phần văn bản đọc, hệ thống câu hỏi được biên soạn bám sát vào văn bản: Trước khi đọc, trong khi đọc, sau khi đọc; có nhiều dạng câu hỏi như: theo dõi, tưởng tượng, suy luận… Với hệ thống câu hỏi hiệu quả như vậy, giáo viên không phải truyền đạt, cung cấp như trước đây mà chỉ hướng dẫn, gợi mở còn học sinh sẽ tự mình có cách tiếp cận và đọc hiểu thành công. Hiểu đơn giản là, trước đây giáo viên “đọc giúp” học sinh thì bây giờ chỉ gợi mở để học sinh tự đọc.

Phần viết, nói và nghe trong hai bộ sách hướng dẫn kỹ lưỡng, dễ áp dụng nhưng cũng không áp đặt học sinh vào những công thức, mô hình máy móc mà chỉ gợi cách. Mỗi học sinh sẽ chủ động tự hình thành năng lực riêng để thực hiện yêu cầu đề ra.

"Theo dõi sách giáo khoa Ngữ văn bộ Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo, tôi nhận thấy ban biên soạn đã nỗ lực đưa ra được nhiều sáng kiến hay để giúp học sinh phát huy kỹ năng tự học, khả năng cảm thụ và tư duy phản biện.

Chẳng hạn như phần đọc, hệ thống câu hỏi được đầu tư khá kỹ lưỡng, bám sát vào văn bản. Có câu hỏi trước khi đọc, trong khi đọc, sau khi đọc; có nhiều dạng câu hỏi như: theo dõi, tưởng tượng, suy luận… Khả năng gợi mở trong từng câu hỏi như vậy giúp học sinh dễ dàng tự mình đọc hiểu được văn bản.

Phần viết, nói và nghe chú trọng đúng mức đến việc hướng dẫn học sinh phản biện, trình bày ý kiến trái chiều khi tạo lập và trình bày văn bản. Phần Đọc mở rộng, vận dụng, kết nối đọc viết… tạo điều kiện tốt để học sinh tự mình làm việc để tạo ra sản phẩm riêng của mình" - thầy Minh nói thêm.

Theo Thạc sĩ Phùng Thanh Quỳnh, sách Ngữ văn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thể hiện rõ định hướng phát triển năng lực qua các yêu cầu đọc hiểu đa dạng (văn bản văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin,...), hoạt động trước – trong – sau khi đọc, yêu cầu vận dụng thực tế, bài viết kết nối với bản thân, cộng đồng.

Ngoài ra, các chủ đề được thiết kế gần gũi (gia đình, quê hương, tình bạn, bản sắc văn hóa...) giúp học sinh rèn luyện phẩm chất nhân ái, yêu nước, trách nhiệm...

Sách mới khuyến khích phát triển tư duy phản biện qua các câu hỏi mở, yêu cầu đánh giá, so sánh, nhận xét, liên hệ – thay vì chỉ yêu cầu hiểu nghĩa văn bản. Bên cạnh đó, sách hướng dẫn kỹ năng tự học qua mục “Tự đánh giá”, “Tìm hiểu thêm”, “Viết kết nối với đọc”... tạo cơ hội cho học sinh chủ động tìm kiếm, tổng hợp thông tin.

Ví dụ, trong bài học về “Chiếc lá cuối cùng” (trích trong Kết nối tri thức, phần thực hành đọc), học sinh được yêu cầu thảo luận: “Theo em, hành động của cụ Bơ-men là liều lĩnh hay cao cả?” – đây là một cách gợi mở tư duy phản biện rõ nét. Học sinh phải vận dụng lập luận, dẫn chứng, trình bày chính kiến – điều rất cần thiết trong việc hình thành năng lực ngôn ngữ và tư duy độc lập.

Ngoài ra, việc tăng cường hoạt động học tập là một thuận lợi lớn vì giúp học sinh không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn phát triển kỹ năng mềm: làm việc nhóm, thuyết trình, sáng tạo... Tuy nhiên, cũng có thách thức, đặc biệt với lớp học đông, cơ sở vật chất chưa đồng đều, và học sinh chưa quen với cách học chủ động.

Cấu trúc bài học thay đổi – từ mô hình “đọc – phân tích – ghi nhớ” sang “trải nghiệm – khám phá – vận dụng” – đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều vào thiết kế hoạt động, tài liệu hỗ trợ và phương pháp tổ chức.

ab2ff395-1469-4f52-b1fd-3b4cb8fcdadf.jpg
Thạc sĩ Phùng Thanh Quỳnh (áo dài xanh) - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng, Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Học sinh thích thú với sách giáo khoa mới

Chia sẻ về phản ứng của học sinh với sách giáo khoa mới, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh nói: “Ban đầu học sinh có phần bỡ ngỡ nhất là những em mà cấp trung học cơ sở còn học chương trình cũ nhưng lên trung học phổ thông chuyển sang chương trình mới.

Điều này cũng dễ hiểu. Vì từ chỗ thầy cô giáo làm tất cả, giảng giải tất cả, học sinh chỉ lắng nghe, ghi chép, bây giờ phải tự mình đọc, tự mình hiểu, tự mình làm. Tuy nhiên, khi đã quen dần với sách giáo khoa mới, hình thành khả năng chủ động, độc lập trong việc học thì đa số các em trở nên thích thú.

Để đáp ứng được cách học theo chương trình và sách giáo khoa mới này, mỗi học sinh phải thay đổi một cách mạnh mẽ từ chỗ thụ động, phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô đến chỗ chủ động, tích cực làm việc, tích cực tư duy, không ngừng tìm tòi, khám phá, hình thành năng lực tự học…

Thầy Minh cho biết, theo đúng tinh thần của chương trình mới, sách giáo khoa yêu cầu giáo viên tổ chức hoạt động học tập nhiều hơn và học sinh phải chủ động hơn trong học tập.

Để tổ chức thành công bài học, giáo viên giáo viên phải tích cực tìm tòi, nghiên cứu, khám phá. Học sinh cũng phải tự mình nỗ lực, hoạt động không ngừng nghỉ mới có thể hình thành năng lực, đáp ứng yêu cầu bài học. Thế nhưng, thách thức ấy cũng chính là cơ hội để cả thầy và trò sáng tạo, nâng cao tư duy, mở rộng khả năng làm việc.

Sự thay đổi của cấu trúc đòi hỏi bài học phải được tổ chức theo hệ thống, với sự liên kết chặt chẽ và linh hoạt giữa các phần. Giáo viên phải tích cực nghiên cứu, tìm tòi, khám phá mới có thể tìm ra cách tổ chức bài học hợp lý cho riêng mình. Học sinh cũng phải hoạt động không ngừng mới có thể tự mình hình thành năng lực qua từng bài học.

Đồng tình với ý kiến trên, Thạc sĩ Phùng Thanh Quỳnh bày tỏ, học sinh phản ứng tích cực với sách giáo khoa mới. Các em hào hứng khi được thảo luận nhóm, đóng vai, làm dự án nhỏ... Tuy nhiên, một số em vẫn còn bỡ ngỡ với cách học chủ động nên giáo viên cần hỗ trợ định hướng ban đầu.

Cách học cũng thay đổi rõ, từ việc học thuộc lòng, học sang suy nghĩ độc lập, phân tích, hiểu các dạng bài, vận dụng được tri thức ngữ văn vào bài học, kết hợp trình bày quan điểm cá nhân bằng lời nói và bài viết.

Cá nhân cô Quỳnh đã áp dụng một số phương pháp mới như dạy học theo dự án, sơ đồ tư duy, hoạt động hóa vai trò học sinh trong giờ học, giao nhiệm vụ học tập theo nhóm nhỏ... Những phương pháp này bước đầu tạo sự hứng thú và nâng cao hiệu quả tiếp nhận của học sinh.

nv12kn.jpg
Ảnh minh họa: nxbgd.vn

Đề cập đến cách dạy và cách học của học sinh theo sách giáo khoa mới (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống), Thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Thanh Bình - Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Giang (Bắc Giang) cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông 2006, học sinh bắt buộc phải đọc hiểu một cách kĩ càng, sâu sắc những văn bản cụ thể trong chương trình và số lượng văn bản được học và phải kiểm tra là có giới hạn.

Trong khi đó, mục tiêu của tiết dạy đọc hiểu văn bản của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là hướng dẫn học sinh từ việc tìm hiểu, cảm nhận, đánh giá một văn bản cụ thể theo đặc trưng thể loại của nó để hình thành kĩ năng đọc những văn bản khác cùng thể loại.

Do đó, nếu giáo viên tập trung vào việc phân tích một văn bản theo chuẩn cũ thì sẽ khó tập trung vào hình thành kĩ năng đọc những văn bản khác cùng thể loại cho học sinh.

Đòi hỏi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là học sinh chủ động làm việc trong giờ học để tự mình tiếp nhận kiến thức, hình thành kĩ năng, năng lực, phẩm chất.

Muốn đạt được điều đó, giáo viên phải sử dụng các phương pháp dạy học và kĩ thuật dạy học tích cực để hướng dẫn học sinh làm việc. Tuy nhiên, nếu giáo viên không biết cân đối giữa việc đưa phương pháp và kĩ thuật dạy học với việc đảm bảo dung lượng kiến thức thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài học. Vì vậy để vừa đảm bảo về sử dụng các phương pháp dạy học và kĩ thuật dạy học vừa đảm bảo về mặt kiến thức là một vấn đề khó.

Chương trình mới yêu cầu dạy đọc hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại, và hệ thống câu hỏi hướng dẫn học bài cũng bám sát vào các đặc trưng thể loại. Do đó, khi giáo viên dạy đọc hiểu thường hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản lần lượt theo từng đặc trưng của thể loại (ví dụ thể loại truyện: cốt truyện, sự kiện, nhân vật, điểm nhìn, ngôi kể…; thể loại thơ: nhân vật trữ tình, cấu tứ, tính tượng trưng, siêu thực,…).

Đây là cách tiếp cận văn bản khó, nếu không có hướng xử lý thì dễ tạo nên sự rời rạc giữa các ý trong bài học, dẫn đến học sinh khó tiếp nhận được đầy đủ các giá trị, ý nghĩa của văn bản.

Cô Bình nói thêm: "Đối với học sinh chuyên Văn, việc đổi mới chương trình, sử dụng sách giáo khoa, nguồn ngữ liệu không ảnh hưởng nhiều đến các em.

Nếu có, chỉ là ảnh hưởng sâu sắc đến phương pháp học, kỹ năng xử lý bài học theo hướng mới của chương trình, đòi hỏi học sinh phải tích cực chủ động hơn nhưng đó lại là điều phù hợp để tăng cường khả năng tư duy linh hoạt, chủ động trong việc học.

Trước đó, ngay khi học chương trình 2006, căn cứ vào yêu cầu của các đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, chúng tôi đã chủ động đưa vào một số chuyên đề chuyên sâu những tác phẩm ngoài chương trình cả trong nước và nước ngoài để học sinh tiếp cận.

Trong quá trình đưa các tác phẩm mới, giáo viên cũng hướng dẫn học sinh đọc và khai thác trên đặc trưng thể loại để biết cách đọc hiểu, thậm chí viết bài nghiên cứu sâu về những tác phẩm thầy cô đề xuất hoặc do các em tự lựa chọn theo sở thích.

Đối với học sinh không phải lớp chuyên Văn, khi áp dụng chương trình mới, tinh thần một chương trình nhiều bộ sách vừa là khó khăn vừa là thuận lợi.

Trong đó, thuận lợi thấy rõ là cơ hội chống văn mẫu, chống bệnh lười đọc, học văn kiểu nhồi nhét... khi giáo viên kiểm tra cũng dễ dàng phân loại, đánh giá đúng chất lượng của người học, đòi hỏi học sinh phải tích cực, chủ động hơn trong việc học văn; đặc biệt, với các bài học theo chủ đề như hiện nay, rèn luyện cho học sinh khả năng ứng dụng môn văn tốt hơn trong mọi lĩnh vực của đời sống, mang lại tính thiết thực cho cuộc sống và công việc sau này của các em.

Với cả hai đối tượng, về phương pháp, học sinh cần tích cực, chịu khó đọc, thường xuyên tương tác với thầy cô và bạn học, sẵn sàng đưa ra quan điểm của mình, các em cũng có thể sử dụng công nghệ AI để học văn... Tuy nhiên, mức độ với hai đối tượng sẽ đòi hỏi khác nhau, phụ thuộc vào mục tiêu bài học và mục đích trong kiểm tra đánh giá".

Hồng Linh