Địa phương nên trả lại bằng tốt nghiệp để SV cử tuyển tìm cơ hội khác

01/08/2023 06:30
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Được cử đi học với mục tiêu cống hiến cho địa phương, nhưng sau khi tốt nghiệp sinh viên vẫn rơi vào tình trạng mòn mỏi chờ có việc.

Ngày 8/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số. Theo đó, đây là chính sách thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực cán bộ nguồn cho các địa phương thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, hiện nay tại một số địa phương vấn đề bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi ra trường đang còn gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử như một số cá nhân sau thời gian được đào tạo đại học khi trở về lại chỉ ở nhà làm nương rẫy dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực địa phương, bản thân sinh viên cũng lo lắng về công việc, chưa thể ổn định cuộc sống.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển).

6 năm học đại học, về nhà vẫn “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Giàng A Vảng (sinh năm 1991, người dân tộc H’Mông sống tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) cho biết, bản thân học đại học và đã tốt nghiệp được 5 năm. Tuy nhiên đến nay anh vẫn chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy, đồng áng hàng ngày, lấy công làm lãi.

Năm 2012, anh được huyện và tỉnh xem xét và phê duyệt đơn đăng ký học cử tuyển. Được biết, anh đăng ký chuyên ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Theo đó, chương trình học kéo dài 5 năm, thêm 1 năm học văn hóa nên tổng thời gian anh Vảng đi học là 6 năm.

Anh Vảng nhớ lại, thời điểm anh xách balo rời bản xuống thành phố học tập đã nuôi hy vọng được mở mang đầu óc, có thêm kiến thức để về làm việc, cống hiến cho quê hương, cũng phần nào trở thành niềm tự hào của bố mẹ.

Không chỉ anh, bố mẹ cũng mong mỏi con trai thoát cảnh nghèo khó, quanh năm làm nương, chặt củi nên động viên nhiệt tình khi con lựa chọn đi học đại học.

Theo đó, trong thời gian học tập, anh Vảng được miễn hoàn toàn phí học tập và được trợ cấp khoảng 1 triệu đồng/ tháng cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên với mức sống ở thành phố, số tiền trợ cấp không đủ để anh Vảng trang trải cuộc sống sinh viên. Vì lẽ đó, bố mẹ của anh ở nhà dựa vào nương rẫy để kiếm tiền, chu cấp cho anh một phần nhỏ hàng tháng.

“Nghĩ đến cảnh bố mẹ ở nhà cặm cụi đi làm từ sáng đến khuya, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm từng đồng cho mình đi học, bản thân lại càng có quyết tâm sau này về làm việc ổn định, báo hiếu cha mẹ”, anh Vảng tâm sự.

Năm 2018, anh trở về quê nhưng mọi dự định, mong muốn của anh không được như ý.Từ khi tốt nghiệp đến nay anh Vảng chưa thể tìm được công việc theo đúng chuyên môn để làm, tham gia thi viên chức không đỗ. Anh Vảng cho biết, có rất nhiều người bạn của anh theo học hệ cử tuyển đến nay cũng chưa có công việc ổn định.

5 năm qua, anh Vảng chỉ ở nhà làm nương rẫy, đồng áng, dựng nhà và chăm sóc bố mẹ. Anh cho biết bản thân rất buồn, lo lắng bởi anh và gia đình đã bỏ nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc để đi học nhưng nay vẫn chưa có một công việc để kiếm tiền trang trải, phát triển cho cuộc sống cá nhân và gia đình.

Theo anh Vảng, đối với các địa phương thuộc vùng cao sinh viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số có những điểm đáng được ưu tiên và quan tâm.

Thứ nhất, sinh viên đi học là người tự nguyện xin đi học, tự nguyện trở lại quê hương để công tác, cống hiến và phục vụ người dân.

Thứ hai, vốn là người dân tộc thuộc địa phương, sinh ra và lớn lên ở đó nên khi đi làm họ cũng dễ dàng nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân, biết được văn hóa, cách giao tiếp để dễ làm việc hơn.

Thứ ba, không có mấy người sẵn sàng lên vùng cao để làm việc, thì hệ cử tuyển là nguồn nhân lực dồi dào, đáng tin cậy để phân công công việc.

Nếu không xếp được việc nên để sinh viên cử tuyển làm việc ở tỉnh khác

Cùng chung cảnh ngộ với anh Vảng, chị L. sinh năm 1994 là người dân tộc thiểu số sống tại tỉnh Lai Châu được cử đi học chuyên ngành Y đa khoa tại Trường Đại học Y Thái Bình khóa 2014-2021.

Quyết định theo đuổi ngành Y chị L. xác định sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ngày đăng nhận được giấy thông báo nhập học theo diện cử tuyển, cả chị và gia đình đều kỳ vọng sau khi tốt nghiệp về địa phương sẽ nhanh chóng tìm được một công việc ổn định để thay đổi cuộc sống.

Chị L. cho biết, thời điểm đăng ký đi học chỉ được thông báo sẽ được chi trả toàn bộ học phí và có mức trợ cấp hàng tháng với điều kiện sau khi tốt nghiệp phải trở lại địa phương công tác. Ngoài ra, chị L. chia sẻ không đề cập đến vấn đề được bố trí việc làm sau khi ra trường.

Năm 2021 chị L. tốt nghiệp và được thông báo trở về địa phương công tác. Cuối năm 2022 chị đăng ký thi viên chức ngành Y đa khoa với thông tin có 33 chỉ tiêu, trong khi thực tế chỉ có 30 thí sinh dự thi. Kết quả là chị L. vẫn không đỗ viên chức.

Nhắc đến chuyện cũ khiến chị L. không khỏi chạnh lòng, vì đi học 7 năm đã tiêu tốn không chỉ ngân sách của nhà nước mà còn công sức, tiền bạc của chị và gia đình. Chị tâm sự, ngày đi học trong 2-3 năm đầu gia đình chu cấp gần như 100% cho phí nhà trọ, sinh hoạt, ăn uống hàng ngày.

Chị nhớ như in ngày đầu xuống nhập học vừa mua sách vở, vừa sắm sửa đồ dùng cá nhân cho con gái bố mẹ chị đã chi đến 10 triệu đồng.

Hiện tại, chị L. vẫn đang chờ đợt thi viên chức tiếp theo để tham gia, tìm kiếm một vị trí phù hợp để có công việc ổn định. Thời gian này, chị quyết định tự đi học tiếp chuyên ngành y đa khoa tại Trường Đại học Y Hà Nội để học hỏi thêm và tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho đợt thi viên chức tới.

Theo chia sẻ của chị, trước đây sinh viên cử tuyển sau khi học xong sẽ được địa phương sắp xếp, bố trí việc làm. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây đối tượng này lại không được nhận sự hỗ trợ từ địa phương mà vẫn phải tham gia thi tuyển, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng như các đối tượng khác. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho đối tượng sinh viên cử tuyển là người dân tộc thiểu số như chị L. và anh Vảng.

Ngoài ra vấn đề khiến chị băn khoăn là cơ chế tuyển dụng của tỉnh chưa có độ “mở” nhất định cho sinh viên thuộc diện cử tuyển là dân tộc thiểu số. Chị ví dụ như ở một số tỉnh khác, nếu trong vòng 12 tháng sau khi sinh viên cử tuyển tốt nghiệp mà thi viên chức không đỗ hoặc tỉnh không sắp xếp được công việc thì sinh viên sẽ được trả lại bằng tốt nghiệp đại học (bởi sau khi ra trường sinh viên không được giữ bằng mà chuyển về Sở Nội vụ) để tìm kiếm cơ hội làm việc khác.

Từ nỗi băn khoăn của bản thân, chị L. bày tỏ đối tượng là sinh viên cử tuyển bất cứ ai cũng đều có sự ràng buộc về vấn đề sau khi tốt nghiệp phải về địa phương cống hiến. Chị L. rất mong muốn Sở Nội vụ tỉnh và các ban ngành của tỉnh sớm xem xét, sắp xếp và đảm bảo công việc cho sinh viên cử tuyển.

Ngoài ra, trong trường hợp tỉnh không thể bố trí được công việc cho sinh viên nên cho phép sinh viên cử tuyển được nhận lại bằng đại học, tìm kiếm cơ hội việc làm ở các tỉnh khác để đảm bảo ổn định cuộc sống.

Phương Nga