Đi học bồi dưỡng trong hè giáo viên có được nghỉ bù?

25/05/2023 06:42
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Do thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động là 11 ngày, nên thời gian nghỉ hè của giáo viên chỉ còn khoảng 49 ngày.

Một giáo viên đang công tác ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết “Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có văn bản Số 1502/KH-SGDĐT về việc triển khai bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, thời gian học bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 90 ngày, dự kiến sẽ học từ tháng 6/2023 đến tháng 8/2023, như vậy chúng tôi không được nghỉ hè.

Sau khi hoàn thành bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi có được sắp xếp nghỉ bù trong năm học không?

Nếu đã đi học trong hè, mà chúng tôi không được nghỉ bù trong năm học, giáo viên dạy môn tích hợp chúng tôi lại chịu thiệt thòi lần nữa à”.

Thắc mắc của giáo viên này cũng là thắc mắc của không ít giáo viên hiện nay, năm học 2022-2023 giáo viên được nghỉ bao nhiêu ngày, có phải 2 tháng như không ít giáo viên đang hiểu?

Chế độ nghỉ hè của giáo viên được quy định như thế nào?

Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa giaoduc.net.vn

Chế độ làm việc, nghỉ hè của giáo viên được quy định tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 09 tháng 06 năm 2017, có hiệu lực từ 01 tháng 08 năm 2017.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT:

"Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm

1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:

a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học.

b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ.

c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới.

d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định”.[1]

Theo Điều 112 Bộ Luật lao động: Nghỉ lễ, tết

1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày 30/4: 01 ngày ;

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).[2]

Nếu thời gian nghỉ hè của giáo viên 02 tháng, lấy trung bình tháng 30 ngày, thì thời gian nghỉ hè là 60 ngày.

Do thời gian nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động là 11 ngày, nên thời gian nghỉ hè của giáo viên chỉ còn 49 ngày (có thể tạm tính 7 tuần).

Giáo viên đi học bồi dưỡng trong hè là đi công tác. Theo Điều 112 Bộ Luật lao động, căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.

Theo người viết, để bảo đảm quyền lợi của giáo viên, hiệu trưởng có thể cho giáo viên được nghỉ bù trong năm học, hoặc giảm tiết dạy tương đương 7 tuần là 133 tiết.

Nếu không được nghỉ bù, vẫn dạy đủ tiết tiêu chuẩn, hiệu trưởng nên cho giáo viên được tính tăng giờ cho số tiết thực hiện 49 ngày là 133 tiết.

Thực tế người viết cũng đã từng đi học bồi dưỡng trong hè, đã đề xuất nhưng các hiệu trưởng không bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên đi học bồi dưỡng trong hè dù nó hợp lý theo đúng quy định.

Từ thực tế cuộc sống, để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của giáo viên, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, có chỉ đạo cụ thể để các cơ sở giáo dục cho phép giáo viên được nghỉ bù khi tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong hè theo đúng quy định.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://luatminhkhue.vn/thong-tu-15-2017-tt-bgddt-sua-doi-quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-kem-theo-thong-tu-28-2009-tt-bgddt.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Bo-Luat-lao-dong-2019-333670.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai