ĐH Kinh tế TPHCM có tới 10 cơ sở, sinh viên vất vả di chuyển đến các nơi học

10/01/2024 06:32
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở đào tạo, trong đó có cơ sở ở tận huyện Bình Chánh, khiến cho việc di chuyển của sinh viên không dễ dàng.

Lịch học mỗi buổi một cơ sở?

Theo phản ánh của một phụ huynh hiện có con đang học tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH), không hiểu trường sắp xếp lịch học, phân bố kiểu gì, mà sinh viên mỗi ngày học một cơ sở khác nhau.

"Sáng hôm nay có thể học tại cơ sở ở huyện Bình Chánh, xong tới chiều có thể lại học ở cơ sở tại Quận Phú Nhuận. Sang tới ngày kế tiếp, sinh viên có thể học tại cơ sở ở Quận 10, rồi tới buổi chiều hôm đó sinh viên có thể phải học ở cơ sở Quận 1.

Nhà trường có đến 10 cơ sở trải rộng nhiều quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Có em sinh viên đã từng phải đặt xe grab suốt để đi học, cho kịp giờ học và để khỏi phải ngủ gục vào buổi sáng khi chạy xe", một ý kiến nêu.

Cơ sở chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Cơ sở chính của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Phụ huynh nói từng phải dọn nhà từ Gò Vấp xuống thuê trọ tại huyện Bình Chánh để cho con đi học gần trường, nhưng rồi trường lại có quá nhiều các cơ sở khác nhau, nằm rải rác khắp nơi. Cuối cùng phụ huynh quyết định là trả phòng trọ, để lấy tiền đặt grab cho con đi học.

Vị phụ huynh này mong rằng, nhà trường nên bố trí lịch học, điểm học làm sao cho thật hợp lý, tránh mất quá nhiều thời gian, tiền bạc, sức khỏe của các em sinh viên, đồng thời còn giảm tải việc ùn tắc giao thông cho Thành phố Hồ Chí Minh.

N.M.Q. là một sinh viên khác của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hay, em thuê phòng trọ ở Quận Bình Thạnh. Sáng nào, em cũng phải chạy xe sang cơ sở ở Quận 10 từ rất sớm (khoảng 5km) để cho kịp chuyến xe buýt đầu tiên của trường đến các cơ sở để học.

Đường phố ở Thành phố Hồ Chí Minh thì hay bị kẹt xe, nên cũng có lúc em Q. bị muộn chuyến xe buýt, vậy là em phải chạy xe gắn máy qua tới huyện Bình Chánh để đi học.

Nhớ những lúc mới đi xe qua tới Bình Chánh, đường xa mà lại chưa quen nên ban đầu có những hôm bị lạc, khiến em vào lớp học muộn.

Cơ sở H trên đường Hoàng Diệu, Quận Phú Nhuận của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Cơ sở H trên đường Hoàng Diệu, Quận Phú Nhuận của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nói gì?

Được biết, hiện các cơ sở đào tạo của UEH trải rộng khắp các Quận 1,3,8,10 và Phú Nhuận và cơ sở xa nhất nằm ở đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ sở N (đường Nguyễn Văn Linh) vừa đưa vào sử dụng vào đầu năm 2021, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh ước chừng khoảng 13km.

Còn khoảng cách giữa các cơ sở nằm ở các quận trung tâm nội thành (1,3,10 và Phú Nhuận), tính khoảng cách theo Google Maps cũng chỉ từ 3 đến 7km, trong đó xa nhất là cơ sở 144 Phạm Đức Sơn (Quận 8) cũng ước chừng khoảng hơn 10km.

Nói về ý kiến phản ánh của phụ huynh, sinh viên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, việc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều cơ sở là do lịch sử để lại từ trước. Nhà nước giao lại cái gì cho trường thì tiếp nhận cái đó.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cho đến nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có hai cơ sở là Nguyễn Tri Phương (Quận 10) và Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) phát triển khá tốt.

Quan điểm của lãnh đạo đại học, được thầy Bùi Quang Hùng khẳng định là: “Bố trí thời khóa biểu cho sinh viên học ở một lớp, một hệ đào tạo nào đó thường là tại một địa điểm cố định. Trong đó, thường các lớp bố trí tại 2 cơ sở ở Quận 10, huyện Bình Chánh thường sẽ được học cả ngày”.

Có hệ thống xe buýt công cộng của thành phố, cùng với đó hệ thống xe buýt riêng của trường nối từ các cơ sở chính của trường với cơ sở ở Bình Chánh.

UEH hotel đặt tại đường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

UEH hotel đặt tại đường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Phó Giáo sư Bùi Quang Hùng đưa ra ví dụ, có thể trong tuần thời khóa biểu sẽ bố trí cho sinh viên học thứ 2,3 ở cơ sở Nguyễn Tri Phương, thứ 4,5 học ở huyện Bình Chánh, chứ trường không có bố trí thời khóa biểu theo kiểu hôm nay học cơ sở này xong mai lại học cơ sở khác.

Ngoài hệ thống xe buýt của thành phố thuận tiện, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh còn có một ứng dụng riêng để dành tra cứu hệ thống xe buýt đi đến các cơ sở của trường. Sinh viên hoàn toàn có thể tra cứu hệ thống xe buýt tại đây, đặt vé, chọn ghế.

Song song đó, nếu sinh viên muốn phản ánh về thời khóa biểu phân bố không hợp lý, các em có thể liên hệ Phòng chăm sóc và hỗ trợ người học đặt tại các cơ sở chính của UEH (đường Nguyễn Đình Chiểu, đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Văn Linh) để phản ánh.

Cơ sở đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 1 của UEH (ảnh: V.D)

Cơ sở đường Nguyễn Văn Thủ, Quận 1 của UEH (ảnh: V.D)

Ngày 8/1/2024, đại diện phòng chăm sóc và hỗ trợ người học thuộc UEH cho biết, thời khóa biểu sẽ tùy theo mỗi học kỳ. Mỗi học kỳ sẽ cho các sinh viên đăng ký học phần. Trường sẽ sắp xếp cơ sở học dựa vào tình hình thực tế, rồi sau đó trường mới công bố thời khóa biểu cho sinh viên đi học.

UEH khẳng định, thời khóa biểu sẽ được bố trí khoa học, đảm bảo sinh viên không phải chạy một ngày từ cơ sở này sang cơ sở khác, để tiện cho việc di chuyển.

Thư viện thông minh đặt tại cơ sở đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh của UEH (ảnh: UEH)

Thư viện thông minh đặt tại cơ sở đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh của UEH (ảnh: UEH)

Cơ sở V là dành để bố trí khách sạn UEH, còn tất cả các cơ sở còn lại đều dành để bố trí phòng học, đào tạo cho sinh viên.

Việc đào tạo ở các cơ sở của UEH không cố định ở một nơi nào hết, nhưng lớn nhất vẫn là cơ sở B (đường Nguyễn Tri Phương, Quận 10), cơ sở mới là ở đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.

Tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1146/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) thành đại học - đánh dấu cột mốc quan trọng UEH chính thức nâng cấp mô hình quản trị.

UEH phát triển theo mô hình quản trị gồm 3 cấp độ: cấp Đại học (University), cấp trường thành viên (College), phân hiệu (Branch) và cấp Khoa/Viện (School/Institute).

Hiện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh gồm 1 phân hiệu tại Vĩnh Long, và 03 Trường thành viên thuộc UEH gồm: Trường Kinh doanh UEH, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.

Về tình hình tuyển sinh, theo số liệu chỉ tiêu và số nhập học của 2 năm gần đây (năm 2021, 2022, từ Đề án tuyển sinh năm 2023), nhìn chung tỷ lệ tuyển sinh đạt so với chỉ tiêu khá tốt.

Năm 2021, UEH tuyển vượt 355 sinh viên, vượt 4,9% so với chỉ tiêu (chỉ tiêu 7.230, số nhập học là 7.585). Năm 2022, chỉ tiêu 7.230, có 6.615 sinh viên nhập học, đạt 91,49% so với chỉ tiêu.

Về quy mô đào tạo, theo số liệu tại Đề án tuyển sinh năm 2022, 2023: Quy mô đào tạo năm 2021 là 37.200 (tính đến 31/12/2021); năm 2022 là 38.096 (tính đến hết ngày 31/12/2022).

UEH hiện có 38 ngành đào tạo ở trình độ đại học, 19 ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ và 14 ngành đào tạo ở trình độ tiến sĩ.

Theo báo cáo ba công khai năm học 2022 - 2023 của UEH, tổng doanh thu của trường là 1.443,4 tỷ đồng. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/tong-thu-2021-tang-an-tuong-dh-kinh-te-tphcm-la-truong-co-doanh-thu-nghin-ty-post239857.gd

Việt Dũng