Đưa ra chuẩn cơ sở GDĐH khi nhiều trường chưa tự chủ, liệu có khả thi?

09/06/2023 06:33
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc đánh giá chất lượng của các trường ĐH qua bộ Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cần thiết nhưng cần xem xét lại tính khả thi trong thời điểm hiện tại.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra dự thảo Thông tư quy định Chuẩn cơ sở giáo dục đại học để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, mục đích của bộ Chuẩn này được sử dụng làm cơ sở xem xét, thẩm định và giám sát các điều kiện cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các trường.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay khi nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa tự chủ hoàn toàn mà ra bộ tiêu chuẩn khiến lãnh đạo nhiều trường băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Xuân Cường, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng:

“Tôi hoàn toàn ủng hộ việc có một bộ chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đánh giá chất lượng của các trường. Tuy nhiên, nên chăng chúng ta cần xem xét lại rằng việc đưa ra bộ Chuẩn như vậy trong thời điểm hiện tại liệu khả thi hay chưa?”.

Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trong tiết học (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Thầy Cường nêu quan điểm, trong thời điểm như hiện nay, bản thân các cơ sở giáo dục đại học đã có những sự khác biệt, ví như trường công lập - trường tư thục, trường thuộc ủy ban nhân dân tỉnh - trường thuộc bộ chủ quản khác nhau cũng đã có những điều kiện khác nhau.

Nếu không cân nhắc đến đặc tính riêng của từng cơ sở giáo dục đại học mà vội vàng đưa ra các quy định áp chung cho tất cả như vậy có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các trường.

Nên chăng các quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nên lùi lại một thời gian để đưa ra vào một thời điểm phù hợp hơn.

Và thời điểm phù hợp đó nên là lúc các trường đã có thể tự chủ được. Bởi tự chủ là xu thế yếu của các cơ sở giáo dục đại học và khi đã tự chủ, chứng tỏ các trường có chất lượng đào tạo thực sự và có thể tự đứng vững được.

Hơn nữa, khi đã tự chủ, việc đảm bảo các điều kiện có liên quan từ cơ sở vật chất, trình độ, năng lực giảng viên, chất lượng đào tạo cho sinh viên,… là điều đương nhiên mà các trường cần phải quan tâm.

Như vậy, mọi đánh giá mà chúng ta đưa ra ở thời điểm sẽ được công bằng, khách quan, lượng hóa bởi tất cả các cơ sở dù thuộc bộ chủ quản nào hay loại hình nào cũng đều có thể đánh giá trên được cùng một thước đo.

Lúc này, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá chung, các trường tự khắc phải điều chỉnh và thay đổi hợp lý để đạt được Chuẩn theo quy định.

Còn ở thời điểm với thực trạng như hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên ưu tiên, tập trung vào việc thực hiện lộ trình tự chủ của các trường, giải quyết, khắc phục kịp thời những vướng mắc trong quá trình các trường thực hiện lộ trình tự chủ.

Hơn nữa, một số tiêu chí như về tiêu chuẩn giảng viên hay quy định số lượng máy tính của sinh viên, tỉ lệ việc làm của sinh viên khi ra trường theo đúng ngành nghề,…được nêu trong dự thảo dường như là những quy định ràng buộc, vô tình làm mất đi quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc lại về tỉ lệ giảng viên cơ hữu trong dự thảo bởi trong thực tế, có sự không bằng giữa khối trường công và khối trường tư thục về giảng viên cơ hữu.

Trước đây, chúng ta có quy định tiêu chuẩn phân tầng cơ sở giáo dục đại học: định hướng nghiên cứu, ứng dụng, thực hành (theo Nghị định số 73/2015/NĐ-CP) khiến các trường khó thực hiện được.

Do vậy, khi đưa ra Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cần phải xem xét, lượng hóa các tiêu chí đánh giá cũng như đảm bảo tính “thực sự”, tránh gây khó khăn, áp lực cho các trường.

Cũng đưa ra ý kiến góp ý cho dự thảo trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế cho hay, có bộ Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết để có các tiêu chí, đánh giá các trường, từ đó có căn cứ để các trường nhìn lại nâng cấp, cải tiến chất lượng, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo.

Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong chương trình Talkshow chào mừng ngày sở hữu trí tuệ thế giới (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế trong chương trình Talkshow chào mừng ngày sở hữu trí tuệ thế giới (Nguồn: Fanpage nhà trường).

Tuy nhiên, một số tiêu chí cần phải cân nhắc lại đến đặc tính của mỗi cơ sở giáo dục đại học để được phù hợp hơn cho tất cả các trường.

Tại Tiêu chuẩn 6 về Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo có các tiêu chí quy định về tỉ trọng thu từ hoạt động khoa học – công nghệ và số lượng công bố khoa học.

Việc áp quy định quy như vậy đối với các trường thuộc khối khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật có thể dễ dàng nhưng sẽ gây ra khó khăn cho các trường thuộc khối khoa học xã hội.

Đơn cử như đối với Trường Đại học Luật, Đại học Huế, các sản phẩm nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực pháp luật nên rất khó để chuyển giao, trừ khi các cơ quan nhà nước đặt hàng mới có thể chuyển giao được.

Sau khi hoàn thành các sản phẩm nghiên cứu khoa học, các giảng viên nhà trường cũng chủ yếu đưa vào ứng dụng giảng dạy cho sinh viên

Do đó, Tiêu chuẩn về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, liên quan đến hoạt động khoa học – công nghệ này nên được chia tách ra cho tùy ngành, tùy lĩnh vực mới đảm bảo công bằng và hợp lý.

Tương tự, đối với quy định tại Tiêu chuẩn 3, Tiêu chí 3.5 về số lượng máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên một ngàn sinh viên không nhỏ hơn 50, thầy Phương cho rằng, nhu cầu sử dụng máy tính của sinh viên các khối ngành khoa học công nghệ và khối ngành khoa học xã hội là khác nhau. Do vậy, tiêu chí này cũng nên phân loại ra các cơ sở đào tạo khác nhau có những quy định tương ứng cho phù hợp.

Mặt khác, đối với tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ được đưa ra trong dự thảo, thầy Phương cho rằng, đây là yêu cầu đúng đắn và là một mục tiêu để các trường phấn đấu đạt được. Bởi, để nâng cao chất lượng đào tạo cho người học và chất lượng giảng dạy của giảng viên, chúng ta cần gia tăng số lượng giảng viên có học vị cao.

Theo thầy Phương, việc tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là tất yếu nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, thậm chí, trong tương lai, còn cần tăng tỉ lệ này lên đến 100% để đội ngũ giảng viên luôn luôn nỗ lực phấn đấu không ngừng để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Quy định về tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong Tiêu chuẩn 2 về giảng viên của dự thảo sẽ không gây khó khăn với các trường vốn có truyền thống đào tạo lâu đời và bền vững. Như tôi được biết, nhiều trường đã có tỉ lệ này vượt xa mức quy định được nêu trong dự thảo”, thầy Phương chia sẻ.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, hiện tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường đang ở khoảng mức 35%, và đang có khoảng 20 nghiên cứu sinh, vậy nên, đến thời điểm 2025, có thể kịp thời đáp ứng theo yêu cầu của bộ tiêu chuẩn này.

Tường San