Đề xuất GV tự bỏ tiền học nâng chuẩn được truy lĩnh, "người trong cuộc" vui mừng

07/08/2024 06:42
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Tôi tự bỏ gần 20 tiền học phí để học nâng chuẩn tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và đã được cấp bằng Cử nhân Sư phạm Tin học năm 2023.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Dự thảo được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ giới thiệu toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.[1]

Một trong những điểm mới của dự thảo được đông đảo giáo viên quan tâm liên quan đến việc thi hành.

Theo đó, tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP nêu: " Những giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc đối tượng phải thực hiện nâng trình độ chuẩn đã được cấp bằng tốt nghiệp đạt yêu cầu về trình độ chuẩn được đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo. Mức tiền được truy lĩnh, chi trả bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo tại thời điểm giáo viên theo học. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền thanh toán kinh phí đào tạo hướng dẫn cụ thể danh mục chứng từ giáo viên cần cung cấp để được thanh toán trong trường hợp quy định tại khoản này".

Như vậy, khi nghị định được thông qua và có hiệu lực, những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo của cấp học đang giảng dạy kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 tự bỏ tiền học phí để học đạt chuẩn (đã được cấp bằng) nhưng chưa được cơ quan, đơn vị nào thanh toán học phí đào tạo thì được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo.

Đây là điểm mới nổi bật của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP được giáo viên đồng tình, ủng hộ.

hoa sử.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa (áo vàng) - Ảnh NVCC

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Sau khi Luật giáo dục quy định chuẩn đào tạo giáo viên trung học cơ sở phải có bằng cử nhân, tôi cũng như những giáo viên chưa đạt chuẩn rất lo lắng.

Tôi có bằng cao đẳng sư phạm, tuổi còn trẻ, chắc chắn phải học đại học, nên khi có Nghị định số 71/2020/NĐ-CP chúng tôi rất mừng.

Tôi cũng rất mong được đơn vị cử đi bồi dưỡng nâng chuẩn, nhưng không thấy. Vì thế, tôi đã tự bỏ tiền học đại học theo hình thức đào tạo từ xa của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế).

Tôi đã học xong và được cấp bằng Cử nhân Sư phạm Lịch sử vào tháng 12 năm 2023, nộp cho đơn vị và đã được xếp loại giáo viên hạng III.

Vừa dạy học, vừa tham gia học đại học từ xa, tôi đã rất cố gắng vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành chương trình, nhưng khó khăn nhất là học phí và chi phí khi đi học.

Tôi chỉ mong được hỗ trợ 19.000.000 đồng tiền học phí, nay đọc dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, tôi và nhiều giáo viên có chung hoàn cảnh rất mừng. Chính phủ đã hiểu khó khăn của chúng tôi, tôi rất cảm ơn”.

Cô giáo Lê Trang, giáo viên môn Tin học, đang công tác tại Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: “Tôi tự bỏ gần 20 triệu đồng tiền học phí theo hình thức đại học từ xa của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và đã được cấp bằng Cử nhân Sư phạm Tin học năm 2023.

Nay dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP quy định những giáo viên tự bỏ tiền học nâng chuẩn như tôi sẽ được truy lĩnh, chi trả học phí đào tạo, tôi thấy rất mừng, rất hợp tình, hợp lý”.

428672125_2280378272167842_5431725910921612648_n.jpg
Cô giáo Lê Trang - Ảnh NVCC

Người viết đã nhận được ý kiến của nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo đã tự bỏ tiền học phí học nâng chuẩn, giáo viên rất phấn khởi, cảm ơn chính sách nhân văn, phù hợp của Bộ, của Chính phủ.

Theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, đối tượng nâng chuẩn là giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-nghi-dinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-nghi-dinh-so-71-2020-nd-cp-ngay-30-thang-6-nam-6746

Sơn Quang Huyến