Lạm thu đầu năm do "đẻ" ra quỹ lớp, quỹ trường

10/09/2024 06:44
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Một số nơi dùng tiền quỹ lớp để chi quà cho giáo viên. Khoản chi này, chiếm một số tiền khá lớn nên tiền đóng góp của phụ huynh học sinh cũng phải tăng cao.

Năm nào cũng vậy, cứ vào đầu năm học, câu chuyện về lạm thu lại trở thành đề tài nóng hổi được nhà nhà quan tâm.

gdvn-qua-cho-gv-9428.jpg
Ảnh minh họa.

Cũng đã có không ít lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật mất chức, thậm chí bị tù tội vì lạm thu. Tuy nhiên, tình trạng lạm thu trong nhiều trường học (có giảm đi) nhưng vẫn không chấm dứt. Hoặc ngỡ như chấm dứt nhưng thực tế lại bị đánh tráo khái niệm, núp bóng vào một số khoản thu tưởng như vô hại khác.

Lạm thu vì “đẻ” ra nhiều loại quỹ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm thu trong nhà trường, một trong những nguyên nhân được “điểm mặt chỉ tên” nhiều nhất đó là sự tồn tại của những loại quỹ như quỹ lớp, quỹ trường.

Thực ra, không có bất kỳ một văn bản, Thông tư nào quy định tên những loại quỹ này nhưng trong thực tế ở nhiều trường học hiện nay, cả hai loại quỹ vẫn còn tồn tại.

Theo đúng quy định, trong mỗi lớp học chỉ có “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh”, lớp và trường được thực hiện theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.

Điểm a, b, Khoản 1, Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT quy định rất rõ ràng:

“Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường”.

Một số việc làm trái Thông tư 55

Thông tư hướng dẫn cách huy động kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh rất rõ ràng. Thế nhưng, nhiều cơ sở giáo dục hiện nay đã không thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo ấy nên mới dẫn đến tình trạng lạm thu.

Điểm a, Khoản 1, Thông tư 55 quy định Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh nhưng trong thực tế, rất ít trường học để cho phụ huynh tự nguyện đóng góp khoản kinh phí này.

Vì sao lại thế? Trong một lớp, sẽ có phụ huynh ủng hộ nhiều từ 500 ngàn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, số này rất ít. Đã có không ít phụ huynh nhất định không chịu ủng hộ vì họ cho rằng, quỹ này là tự nguyện.

Vì thế, số tiền “quỹ hội” quyên góp được trong một lớp rất ít. Lớp không có kinh phí hoạt động cũng sẽ không có tiền hỗ trợ cho kinh phí hoạt động của cha mẹ học sinh cấp trường.

Để chắc chắn, nhiều trường học đã ấn định luôn mức ủng hộ tối thiểu cho mỗi phụ huynh học sinh. Khi mức ủng hộ tối thiểu được quy định thì phụ huynh chỉ được ủng hộ bằng hoặc cao hơn mức mà không được thấp hơn.

Điểm b, Khoản 1, Thông tư 55 quy định Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Quy định trên được hiểu, số tiền phụ huynh đã ủng hộ cho “quỹ hội” của lớp, sẽ được trích về trường sau khi các Ban đại diện cha mẹ học sinh của các lớp họp và đưa ra thống nhất mức % trích về trường.

Thế nhưng hiện nay, kinh phí hoạt động của cha mẹ học sinh các lớp trích về kinh phí hoạt động của cha mẹ học sinh cấp trường đều do hiệu trưởng mỗi trường quyết định.

Có hiệu trưởng yêu cầu trích về trường 60% hoặc 70%, trường chỉ yêu cầu trích về 30%, có những trường lại đưa ra mức 50-50 cho cân bằng.

Khi số tiền được để tại lớp còn quá ít, không đủ chi cho các hoạt động của lớp nên nhiều nơi lại huy động thêm sự đóng góp của học sinh, của phụ huynh. Và tiền quỹ lớp được ra đời. Dẫn đến, trong một lớp có tới 2 loại quỹ như quỹ lớp, quỹ hội.

Quỹ lớp, quỹ hội thường dùng vào những việc gì?

Nói là quỹ lớp hay quỹ hội của cha mẹ học sinh cũng là để lo cho các em học sinh. Điển hình như lo quà Trung thu, đồ dùng phục vụ học tập cho các em, chi các khoản cho hoạt động ngoại khoá, phô tô đề ôn tập, chi phần thưởng học sinh hàng tuần, hàng tháng hay học kỳ và cả năm học, chi ăn liên hoan...

Một số nơi còn dùng tiền quỹ lớp để chi quà vào các ngày sinh nhật, lễ, tết cho giáo viên. Khoản chi này, thường chiếm một số tiền khá lớn. Vì thế, số tiền đóng góp của phụ huynh học sinh cũng phải tăng khá cao.

Theo quy định, kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp (gọi tắt là quỹ hội) không được phép chi cho quyền lợi của giáo viên nhưng tiền quỹ lớp lại không được đề cập đến. Vì thế, tiền quỹ lớp gánh luôn phần này này nên ở một số nơi ngoài quỹ hội vẫn có thêm quỹ lớp.

Không có quỹ lớp được không?

Tại địa phương người viết công tác, mỗi lớp chỉ học chỉ có một loại quỹ duy nhất do phụ huynh ủng hộ từ đầu năm mà giáo viên vẫn thường gọi tắt là quỹ hội. Khoản quỹ này chính là "Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp".

Sau khi lớp đã trích một số tiền về Ban đại diện cha mẹ học sinh trường, số còn lại (lớp nhiều thì vài triệu, lớp ít cũng hơn một triệu đồng) để tại lớp chi cho các hoạt động của các em.

Những khoản chi như phô tô đề ôn tập giữa kỳ, cuối kỳ, cuối năm. Chi phần thưởng cho học sinh xuất sắc, chi mua bánh kẹo thưởng trong tuần, chi bồi dưỡng cho học sinh tham gia ngoại khoá...Thường thì đến cuối năm, lớp còn tiền sẽ tổ chức liên hoan, lớp hết tiền quỹ, phụ huynh sẽ góp thêm kinh phí hoặc tài trợ phần ăn cho các em.

Dù không thu thêm bất kỳ một khoản nào để làm quỹ lớp thì mọi hoạt động của lớp, của trường, ở địa phương tôi, học sinh vẫn được tham gia đầy đủ.

Vì thế, để tránh tình trạng lạm thu trong nhà trường thì ngành giáo dục ở mỗi địa phương cần cấm triệt để tên gọi quỹ lớp ở một số trường học hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên