Đề Ngữ văn chương trình mới theo hình thức tự luận hay kết hợp với trắc nghiệm?

27/08/2023 06:48
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu không có chỉ đạo thống nhất từ Vụ Giáo dục Trung học, không có đề mẫu của Bộ thì khi bước vào kỳ thi cuối cấp sẽ rất rối và khó cho giáo viên, học sinh.

Năm học 2023-2024 tới đây đã là năm thứ 3 ở cấp trung học cơ sở và năm thứ 2 ở cấp trung học phổ thông triển khai giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo lộ trình, năm học 2024-2025 là thực hiện cuốn chiếu xong chương trình mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa thống nhất, hay có một đề kiểm tra, đề thi mẫu cho môn Ngữ văn.

Chính vì thế, có địa phương triển khai thực hiện kiểm tra định kỳ môn học này theo hình thức tự luận hoàn toàn, có địa phương kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Ngày 03/8 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Môn Ngữ văn được hướng dẫn như sau: “Đối với môn Ngữ văn, cần thực hiện tốt yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn theo hướng dẫn tại Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông”. Với hướng dẫn này, giáo viên cho rằng chẳng có gì mới so với các năm học vừa qua, kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn vẫn mạnh ai người nấy làm.

Đề Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 của Phú Yên ra theo cấu trúc, hình thức tập huấn của Bộ Ảnh minh họa: doctailieu.com

Đề Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 của Phú Yên ra theo cấu trúc, hình thức tập huấn của Bộ

Ảnh minh họa: doctailieu.com

Kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn, mỗi nơi mỗi hình thức khác nhau

Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 hướng dẫn kiểm tra môn Ngữ văn như sau: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểuviết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Với hướng dẫn của Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 và mới nhất là Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024 thì giáo viên hiểu rằng khi kiểm tra định kỳ sẽ không lấy lại những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa để biên soạn đề kiểm tra.

Hiểu một cách đơn giản nhất, những tác phẩm văn học đã học trong sách giáo khoa thì không được kiểm tra mà giáo viên sẽ lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho học sinh kiểm tra.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề, cũng như điều mà giáo viên chờ đợi nhất kể từ khi thực hiện chương trình 2018 thì môn Ngữ văn sẽ thực hiện kiểm tra theo hình thức nào? Tự luận hoàn toàn, hay tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan? Đến nay mọi thứ vẫn đang khá mâu thuẫn.

Bộ đã ban hành tài liệu tập huấn và tập huấn cho đội ngũ cốt cán của các tỉnh về đề kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận. Nhưng, khi báo chí phản ánh sự việc, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Để triển khai thực hiện Chương trình chương trình giáo dục 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).

Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT”. [1]

Tháng 3 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025 để lấy ý kiến góp ý của xã hội thì môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận còn các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Để chuẩn bị cho việc dạy lớp 8 và lớp 11, giáo viên tham gia tập huấn sách giáo khoa, các tác giả sách giáo khoa môn Ngữ văn cũng giới thiệu về đề kiểm tra Ngữ văn được kết hợp theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

Vì thế, các địa phương hiện nay đang thực hiện khác nhau, có địa phương đang thực hiện đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn theo hình thức tự luận hoàn toàn như cấu trúc, hình thức đề đã thực hiện nhiều năm qua đối với chương trình 2006.

Nhưng, cũng rất nhiều địa phương đang thực hiện đề kiểm tra môn Ngữ văn kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận đối với các lớp chương trình 2018 và tự luận hoàn toàn đối với chương trình 2006.

Theo dõi đề Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh 10 của 63 tỉnh thành năm nay, thấy duy nhất tỉnh Phú Yên thực hiện cấu trúc, hình thức như đề kiểm tra mà Bộ đã tập huấn cho đội ngũ cốt cán ở các tỉnh thành. Phần đọc hiểu 6,0 điểm (8 câu trắc nghiệm, 2 câu tự luận ngắn); phần viết 4,0 điểm (1 câu tự luận).

Vì thế, việc kiểm tra môn Ngữ văn hiện nay mỗi nơi mỗi kiểu, trong khi cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông đều hướng đến kỳ thi tuyển sinh 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu không có sự chỉ đạo thống nhất từ Vụ Giáo dục Trung học, không có một đề mẫu của Bộ thì khi bước vào kỳ thi cuối cấp sẽ rất rối, nhất là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vì khi thực hiện kiểm tra định kỳ lớp 10 vừa qua ở nhiều địa phương đang thực hiện kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận (theo hình thức Bộ đã tập huấn cho đội ngũ cốt cán).

Chương trình 2018 gần cuốn chiếu xong, vẫn chưa thống nhất về đề kiểm tra Ngữ văn

Giáo viên có thể thống nhất hình thức kiểm tra cho học sinh ở các nhà trường nhưng cái cần là sự thống nhất chung để hướng tới các kỳ thi chung, kỳ thi cuối cấp.

Nếu Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trả lời về hình thức kiểm tra môn Ngữ văn rằng: “Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT” thì e rằng rất khó để những thầy cô dạy Ngữ văn yên tâm.

Nội dung đề kiểm tra có thể nói “giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn” nhưng hình thức kiểm tra nào thì Vụ Giáo dục Trung học phải thống nhất được, không nên né tránh.

Không thể để tình trạng Bộ tập huấn đề Ngữ văn cho các Sở, Sở tập huấn cho giáo viên về hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận, sau đó Bộ lại trả lời “giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn”. Vậy, nếu mỗi trường thực hiện mỗi kiểu thì đến khi thi cuối cấp học sinh sẽ thực hiện ra sao?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd#228939|zone-timeline-5|2

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN