Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng học phí ở một tỉ lệ hợp lý nhất định

24/09/2023 06:32
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng học phí ở một tỉ lệ hợp lý để đảm bảo hài hòa giữa ổn định vĩ mô nền kinh tế và đảm bảo hoạt động cho CSGDĐH công lập.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng học phí năm học 2023-2024 với bậc đại học.

Thông tin trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu khó khăn, nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81 thì mức trần sẽ tăng cao, có khối ngành tăng lên gần 100% so với năm học trước, việc này trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Nguyên nhân của việc tăng cao này do 3 năm qua (2021, 2022, 2023), Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch Covid-19.

Như vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm học vừa qua.

Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng mức học phí ở một tỉ lệ hợp lý

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết: “Chủ trương không tăng học phí của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay là chủ trương phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, việc không tăng học phí để giảm gánh nặng cho người dân và cũng là chia sẻ với các gia đình người học những khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng hết sức nặng nề vừa qua.

Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập trong 3 năm học liên tục không được điều chỉnh tăng học phí, trong bối cảnh lạm phát tăng, chi phí cho đào tạo ngày càng cao, mức lương cơ sở tăng 20,8% từ ngày 01/7/2023, ngân sách nhà nước cắt giảm hằng năm trung bình 5-10%, đặc biệt một số đơn vị bị cắt hoàn toàn ngân sách nhà nước khi thực hiện lộ trình tự chủ tài chính theo quy định khiến nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học công lập bị cạn kiệt, không đủ kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ, điều này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương cũng chia sẻ thêm một số khó khăn trong thực tiễn hoạt động của Đại học Huế: “Bên cạnh khó khăn như các cơ sở giáo dục đại học công lập khác như đã nêu ở trên, hầu hết học phí các ngành của Đại học Huế đang ở mức thấp theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, được duy trì suốt 3 năm học vừa qua, gây khó khăn nâng cao chất lượng đào tạo, nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện để phục vụ người học bị cắt giảm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho rằng, không tăng học phí, nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học công lập bị cạn kiệt, không đủ kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ... Ảnh: Mộc Trà.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho rằng, không tăng học phí, nguồn lực của các cơ sở giáo dục đại học công lập bị cạn kiệt, không đủ kinh phí đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ... Ảnh: Mộc Trà.

Hiện nay, Đại học Huế có 4 đơn vị được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao tự chủ tài chính nhóm 1 và 2 kể từ năm 2022.

Theo đó, 4 đơn vị này đã bị cắt hoàn toàn ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ hàng năm, để bù đắp kinh phí hoạt động các đơn vị này được thực hiện lộ trình học phí đối với các đơn tự chủ theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, lộ trình mức thu học phí hằng năm đã được phê duyệt theo đề án tự chủ.

Tuy nhiên, 3 năm học liên tục mặc dù ngân sách nhà nước bị cắt hoàn toàn nhưng học phí các đơn vị này vẫn phải bị áp dụng mức học phí ở mức thấp (tương ứng mức học phí đại trà) của với đơn vị chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên được ngân sách nhà nước hỗ trợ hằng năm.

Đây là điều bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ, gây thiệt hại cho 4 đơn vị này của Đại học Huế hơn 150 tỷ đồng do cắt ngân sách nhà nước hỗ trợ, 428 tỷ đồng học phí do không thực hiện lộ trình học phí theo đề án được phê duyệt trong 3 năm qua.

Đây là nguồn lực quan trọng nhất là với cơ sở giáo dục đại học ở địa bàn khu vực miền Trung - kinh tế xã hội tương đối khó khăn, đầu tư nhà nước hạn chế. Kinh phí cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học bị ảnh hưởng, điều này lâu dài ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, điều kiện dạy và học của các cơ sở giáo dục đại học”.

Trước đề xuất “lùi lộ trình tăng học phí 1 năm theo Nghị định 81” được Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Chính phủ, Giám đốc Đại học Huế cũng bày tỏ: “Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học công lập hiện nay nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng mức học phí ở một tỉ lệ hợp lý nhất định (có thể thấp hơn mức tăng của lộ trình) để đảm bảo hài hòa giữa ổn định vĩ mô nền kinh tế vừa đảm bảo duy trì hoạt động cho các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Khi áp dụng mức tăng học phí ở mức hợp lý nhất định, thì các cơ sở giáo dục có điều kiện hỗ trợ lại người học có hoàn cảnh khó khăn thông qua các quỹ học bổng, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, điều kiện dạy và học như vậy tái phục vụ lại người học nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

“Trong trường hợp Chính phủ tạm thời chưa tăng học phí theo lộ trình, đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục đại học công lập, đặc biệt là các đơn vị đang thực hiện tự chủ tài chính nhóm 1 và 2 nhưng vẫn phải áp dụng mức học phí như các đơn vị tự chủ 3 được hỗ trợ ngân sách hằng năm.

Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các loại đơn vị tự chủ tài chính, đảm bảo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước một cách đồng bộ và thống nhất” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương nhấn mạnh.

Để giáo dục đại học có chất lượng, không thể không có nguồn kinh phí

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa đề cập: “Để trả lời câu hỏi “mức học phí đại học bao nhiêu là đủ”, “mức quy định của Chính phủ là cao hay thấp”, trên cơ sở thực tiễn quản trị các hoạt động của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), tôi xin chia sẻ một số số liệu sau:

Trước hết, các trường thu học phí để phục vụ những gì? Trong đó: Dành khoảng 40% chi trả cho người dạy; Chi cho con người (phục vụ, quản lý) khoảng 10% (theo tỉ lệ 20-25% cán bộ phục vụ, quản lý); Dành 8% cho học bổng sinh viên, 5% cho nghiên cứu khoa học của sinh viên, giảng viên; Hoạt động chuyên môn phục vụ trực tiếp cho đào tạo khoảng 20%; 17% phần còn lại và ngân sách Nhà nước cấp chi cho cải tạo cơ sở vật chất, phát triển sự nghiệp,...”.

Vị Chủ tịch Hội đồng trường cũng chỉ ra: “Theo quy định, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu quy đổi là 20. Để đảm bảo thu nhập cho 01 giảng viên trình độ thạc sĩ với dựa trên mức thu nhập bình quân lao động trong doanh nghiệp tại các khu vực tương ứng (ví dụ tại Thái Nguyên, năm 2021 là 9,4 triệu đồng/tháng), thì mức học phí sẽ được tính theo bảng dưới đây:

Như vậy, với mức học phí quy định theo Nghị định 81 là tương đối phù hợp với các trường đại học ở các khu vực có mức thu nhập xã hội bình quân tương tự Thái Nguyên, khi kể đến mức độ tăng trưởng kinh tế 8%/năm và mức tăng lương 20% năm 2023 của Chính phủ.

Tuy nhiên, cần lưu ý là thu nhập của giảng viên đang chỉ tính theo mức lao động bình quân của xã hội mà chưa tính đặc thù nghề nghiệp và trình độ cao”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Mộc Trà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Mộc Trà.

“Vậy, nếu các trường chưa tự chủ hoàn toàn, vẫn tiếp tục thu học phí ở mức năm học 2021-2022 thì trường sẽ hoạt động như thế nào khi cán bộ, giảng viên phải có lương? Phải chăng, chỉ có thể cắt giảm kinh phí hoạt động chuyên môn?” - thầy Khoa đặt câu hỏi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, để đánh giá mức học phí hiện nay là cao hay thấp, cần nhìn nhận thông qua 3 vấn đề sau:

“Thứ nhất, lương giảng viên hiện nay vẫn chỉ tương đương mức thu nhập lao động phổ thông, thì các cơ sở giáo dục đại học có tuyển dụng và giữ được giảng viên giỏi hay không?

Thứ hai, chi phí dành cho hoạt động chuyên môn, đầu tư phát triển thấp như trên liệu có môi trường học tập, rèn luyện và phát triển của người học tốt không?

Thứ ba, chất lượng đào tạo, nhất là trình độ kỹ sư, cử nhân phải có tính toàn cầu hóa. Trong khi học phí đại học ở các nước tiên tiến như Úc, Mỹ, Anh đều được tính tương đương với thu nhập của kỹ sư, cử nhân khi tốt nghiệp. Ví dụ, nếu lương bình quân sau tốt nghiệp ở các nước này là 3.000 USD/tháng, thì học phí cũng sẽ là 3.000 USD/tháng. Thử hỏi, có cử nhân, kỹ sư nào nhận lương dưới 2 triệu đồng/tháng không? Quy luật tự nhiên và xã hội liệu có cho chúng ta sử dụng chi phí thấp nhưng lại tạo ra sản phẩm chất lượng cao hay không?”.

Chính vì thế, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho rằng: “Để giáo dục đại học có thể đào tạo có chất lượng thì không thể không có nguồn kinh phí. Nếu không từ xã hội thông qua học phí, Nhà nước cần xem xét cấp bù kinh phí do không tăng học phí theo Nghị định đã ban hành”.

Đề xuất tăng học phí đại học

Theo tờ trình, mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 là 1,2-2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, thay vì mức 1.350.000-2.760.000 đồng như Nghị định 81. Mức thu hiện nay là 980.000 đồng đến 1.430.000 đồng.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...), tùy mức độ được thu tối đa bằng 2-2,5 lần mức trên, tương đương khoảng 2.400.000-6.150.000 đồng/tháng.

Trong tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Mộc Trà