Đề kiểm tra mẫu rao bán tràn lan, bỏ 100 nghìn đồng, GV mặc sức "sao chép"

11/08/2022 06:38
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Việc giáo viên mua đề, xin đề, sao chép đề trên mạng internet thì giản đơn, ít mất thời gian, công sức nhưng nó sẽ tạo ra những bất cập nhất định.

Thời gian qua, chúng ta nghe nói nhiều đến chuyện dạy và học theo văn mẫu và Bộ giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông.

Thế nhưng, tình trạng này đâu chỉ riêng mình bộ môn Ngữ văn mà các môn học khác cũng đã và đang xảy ra tình trạng bài tập mẫu, đề kiểm tra mẫu và đang được chào bán khá phổ biến ở các nhà sách hoặc trên các hội nhóm trên mạng xã hội của giáo viên.

Chỉ cần bỏ ra trên dưới 100 nghìn đồng là giáo viên đã sở hữu một cuốn sách biên soạn hàng mấy chục bài kiểm tra định kỳ mẫu và giáo viên chỉ cần nhìn từ đó để “chuyển” thành bài kiểm tra của mình ở trên lớp mà không ai có thể bắt bẻ được.

Các đề kiểm tra mẫu được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: H.M

Các đề kiểm tra mẫu được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: H.M

Đủ các dạng bài kiểm tra được chào bán trên mạng xã hội

Không phải đến bây giờ mà tình trạng chia sẻ miễn phí hoặc bán đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ các môn học trên các nhóm facebook của giáo viên đã diễn ra khá phổ biến từ nhiều năm qua.

Cho dù học sinh học ở đâu cũng chừng ấy đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa, hình thức ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ (kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ) về cơ bản là giống nhau nên việc chung đề kiểm tra hiện nay đang khá phổ biến ở các trường học.

Việc tự ra một đề kiểm tra, nhất là đề kiểm tra định kỳ hiện nay mất rất nhiều thời gian vì không chỉ là làm đề, làm đáp án mà còn phải làm bảng đặc tả kiến thức, ma trận đề, tìm ngữ liệu. Nên, để làm một đề kiểm tra định kỳ thì giáo viên phải làm cả ngày, thậm chí nhiều ngày mới có thể xong được.

Vậy nên, một bộ phận giáo viên khi được phân công ra đề định kỳ kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ thường xin đề ở trường khác, huyện khác về làm đề kiểm tra cho trường mình. Hoặc, lên mạng internet tìm kiếm, vào các trang nhóm giáo viên lựa chọn rồi lấy về chỉnh sửa cho nhanh.

Khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, những đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ phải làm mới hoàn toàn nên nhiều chuyên gia, nhà giáo rất nhanh nhạy biên soạn ra những đề kiểm tra theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực để giới thiệu đến các đồng nghiệp.

Giờ đây, không còn đăng tin bán những đề kiểm tra đơn lẻ theo file word như trước đây mà nhiều cuốn đề kiểm tra đã được biên soạn, biên tập công phu để xuất bản và bán ra thị trường.

Thay vì phải ngồi nghĩ ngợi, tính toán các đơn vị kiến thức nhận biết, đọc hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao, xây dựng ma trận, thiết lập đề bài, đáp án thì giáo viên chỉ cần bỏ ra một ít tiền mua hẳn một cuốn đề bài rồi đánh máy lại thành đề của mình và đem nộp cho tổ chuyên môn, cho nhà trường.

Các nhóm giáo viên trên mạng xã hội giờ đây không đơn thuần là nơi chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu với nhau mà trang nào cũng xuất hiện các tin chào bán các loại sách tham khảo, bài tập, giáo án và sách đề kiểm tra với tần suất ngày một nhiều hơn, sôi động hơn.

Nên giữ ổn định cấu trúc các bài kiểm tra định kỳ và đề thi

Việc mua bán đề kiểm tra xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả việc liên tục thay đổi cấu trúc đề kiểm tra của bộ phận chuyên môn, có cả việc một bộ phận giáo viên không muốn đương đầu với khó khăn để tự làm các đề kiểm tra cho học trò.

Những năm qua, Bộ liên tục có những thay đổi về việc ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việc thay đổi là đúng nhưng thay đổi liên tục khiến cho giáo viên rối và nhiều khi không thích ứng kịp.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn trước đây sử dụng hình thức kiểm tra tự luận, sau đó sang tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan, mấy năm nay lại chuyển sang tự luận hoàn toàn. Chuẩn bị cho năm học 2022-2023, bộ phận chuyên môn lại tập huấn cho giáo viên về định hướng ra đề kiểm tra và năm học tới lại chuyển sang kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm.

Ngoài ra, việc phân bổ tỉ lệ các đơn vị kiến thức trong một đề kiểm tra đối với các phần nhận biết, đọc hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao cũng được điều chỉnh liên tục.

Dĩ nhiên, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ thì giáo viên cũng phải tập huấn, phải thay đổi theo đúng hướng dẫn quy định của ngành.

Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục khiến cho nhiều thầy cô giáo thay đổi không kịp và dẫn đến một bộ phận giáo viên không tự làm được đề kiểm tra, hoặc ngại làm mới đề kiểm tra. Từ đó, dẫn đến tình trạng xin xỏ, sao chép, mua bán đề kiểm tra của người khác làm đề kiểm tra cho mình.

Thiết nghĩ, hiện nay toàn ngành đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và mục tiêu hướng đến là phát triển phẩm chất, năng lực cho học trò thì việc thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh là điều tất yếu. Song, thay đổi cũng nên mang tính cố định chứ không phải liên tục thay đổi.

Bên cạnh đó, hội đồng bộ môn cũng nên tập huấn kỹ lưỡng cho giáo viên ở các nhà trường về việc xây dựng, thiết lập các đề kiểm tra một cách thấu đáo, tường tận.

Các thầy cô giáo phụ trách chuyên môn ở các nhà trường cũng cần tổ chức, bàn bạc thảo luận về đề kiểm tra một cách thấu đáo để tất cả giáo viên nắm và hiểu kỹ mỗi khi có sự thay đổi về đề kiểm tra định kỳ.

Đồng thời, khi ký duyệt đề kiểm tra cho tổ, cho trường thì cũng cần thiết phải kỹ lưỡng xem các đề kiểm tra có phù hợp với đối tượng học trò của mình. Đặc biệt là giáo viên bộ môn phải chú trọng việc trau dồi năng lực chuyên môn của mình để những đề bài phải tự xây dựng mới có thể đáp ứng được sự thay đổi hiện nay.

Việc giáo viên mua đề, xin đề, sao chép đề trên mạng internet thì giản đơn, ít mất thời gian, công sức nhưng nó sẽ tạo ra những bất cập nhất định bởi vì có khi đề quá dễ hoặc quá khó đối với học sinh của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI