Đại diện trường ĐH chỉ ra điểm nghẽn trong đào tạo ngành Quản lý hạ tầng đô thị

24/08/2023 06:33
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lĩnh vực xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị hiện còn thiếu về nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu kiến thức tổng hợp của hạ tầng kỹ thuật đô thị...

Nước ta đang đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chính phủ ưu tiên tập trung cho phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, rất cần số lượng lớn kỹ sư chuyên môn hạ tầng kỹ thuật phục vụ xây dựng mới ở thành phố, khu đô thị, khu công nghiệp, và hàng vạn km đường giao thông. Tuy nhiên, nguồn nhân lực kỹ thuật cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu chưa tương xứng.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lưu Văn Quân – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Tài nguyên nước, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (phụ trách chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị), Trường Đại học Thuỷ Lợi đã có những chia sẻ về tình hình tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị.

Theo thầy Quân, tỉ lệ tuyển sinh chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị năm 2020 của trường đạt trên 70%, năm 2021 và 2022 đạt 100% chỉ tiêu (60 chỉ tiêu/năm).

Năm 2023, điểm trúng tuyển chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị của trường là 20,85 điểm (tăng 2,85 điểm so với năm 2022).

Sinh viên chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị Trường Đại học Thuỷ Lợi trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Sinh viên chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị Trường Đại học Thuỷ Lợi trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị có mục tiêu đào tạo kỹ sư chất lượng cao về xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng thực hiện các công việc về nghiên cứu, quy hoạch, thiết kế mạng lưới công trình hạ tầng đô thị hoặc khu công nghiệp, thiết kế kỹ thuật, quản lý dự án, giám sát thi công, thi công xây dựng công trình, quản lý – vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật.

“Hai năm gần đây, chuyên ngành tập trung hơn vào khối kiến thức hạ tầng đô thị và khu công nghiệp. Do vậy, những môn học mới đã được bổ sung như: quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông thông minh, quản lý dự án hạ tầng, quản lý hạ tầng đô thị, quản lý nhà ở, cây xanh và chiếu sáng,…”, thầy Quân chia sẻ.

Song, việc bổ sung các môn học mới có những thuận lợi và khó khăn riêng. Cụ thể, thầy Quân cho rằng, về thuận lợi, hầu hết các môn bổ sung đều có sự kế thừa từ những tài liệu, giáo trình của các trường với lĩnh vực tương ứng. Đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản nên việc triển khai xây dựng bài giảng, học liệu không gặp nhiều khó khăn.

Lĩnh vực xây dựng và quản lý hạ tầng đô thị hiện còn thiếu về nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu kiến thức tổng hợp của hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp. Bởi vì, trước đây, hầu hết người lao động chỉ được đào tạo chuyên môn hẹp, nên các nhà tuyển dụng phải sử dụng nhân lực chuyên ngành gần để bố trí việc làm. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thuỷ lợi, giao thông (chuyên ngành hẹp) được bố trí làm ở lĩnh vực hạ tầng đô thị (lĩnh vực rất rộng, tổng hợp như: giao thông đô thị, nhà ở dân dụng, hệ thống thoát nước, cây xanh, điện,…).

Do đó, chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị tích hợp tất cả các môn học nên sinh viên ra trường được trang bị chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc thực tế.

Việc bổ sung môn học mới cũng tạo thử thách cho giảng viên và sinh viên. Trong đó, khó khăn lớn nhất với giảng viên là phải cập nhật kiến thức, bài giảng, viết giáo trình để chuẩn hóa.

Về thực tập, thực hành, theo thầy Quân, sinh viên năm nhất, năm hai được thực hành ở các phòng thí nghiệm tại trường. Còn sinh viên năm ba về sau, các em được tham quan, thực tập thực tế tại các cơ sở, các công trường đang xây dựng, các khu đô thị hoặc khu công nghiệp đã hoàn thiện và đang trong giai đoạn quản lý - vận hành.

“Để nâng cao chất lượng, trong chương trình đào tạo chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị có tổ chức cho sinh viên thực tập theo chủ đề, chủ điểm.

Ví dụ, sinh viên thực tập thi công phải vận dụng lý thuyết vào việc trộn bê tông, lắp ván khuôn, uốn thép và buộc thép theo tiêu chuẩn,… công việc trên do các em thực hiện trực tiếp tại xưởng dưới sự hướng dẫn của giảng viên phụ trách”.

_ Tiến sĩ Lưu Văn Quân _

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Thanh Hải – Trưởng Bộ môn Kiến trúc xây dựng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, khoảng 1 năm trước, doanh nghiệp về xây dựng có nhu cầu tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp khối Kỹ thuật cơ sở hạ tầng nhưng trường không có đủ nhân lực để giới thiệu.

Những năm gần đây, ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị của trường có số lượng sinh viên đăng ký không nhiều (chỉ khoảng trên dưới 10 sinh viên) nên phải vận động sinh viên sang học ngành Xây dựng hoặc ngành Kiến trúc của trường.

Nguyên nhân được thầy Hải cho là do xu hướng của người học chọn ngành hot, theo phong trào. Chưa kể, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp trung học phổ thông chưa đạt hiệu quả. Tư vấn tuyển sinh chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực xã hội, hiện đang hướng thí sinh đăng ký ngành nghề nổi, lương cao.

“Ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị cũng được đào tạo ở một số trường đại học công lập với mức học phí thấp hơn trường đại học tư thục nên sinh viên cũng muốn học ở trường công hơn. Chính vì thế, trường không cạnh tranh được với các trường công về số lượng người học trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng đô thị”, thầy Hải cho biết.

Về mức thu nhập, chia sẻ thêm với phóng viên, theo thầy Quân, sinh viên chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị ra trường có lương khởi điểm khoảng 6~8 triệu đồng/tháng nếu làm ở cơ quan nhà nước. Với khối doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mức lương khởi điểm khoảng 8~10 triệu đồng/tháng, nắm bắt và giải quyết tốt công việc có thể đạt trên 10 triệu đồng/tháng. Khối doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu ngoại ngữ nên lương khởi điểm của sinh viên ra trường có thể cao hơn.

Theo khảo sát những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị ra trường có việc làm đúng chuyên ngành đạt trên 80%. Thầy Quân cho đây là con số không quá lớn, kỳ vọng là 100% sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành.

“Những năm qua, Nhà nước cắt giảm đầu tư công, ảnh hưởng của dịch Covid 19 khiến công việc xây dựng hạ tầng giảm sút. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động phát triển kinh tế được khôi phục, nhà nước đang đẩy mạnh đầu tư công cho hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt chú trọng xây dựng khu đô thị - khu công nghiệp nhằm "đón sóng" đầu tư mới. Do đó, kỳ vọng sinh viên chuyên ngành Xây dựng và Quản lý hạ tầng đô thị ra trường có việc làm đúng chuyên ngành 100% là hoàn toàn có cơ sở”, thầy Quân chia sẻ.

Khối ngành Kỹ thuật hạ tầng đặc thù, tính chất vất vả. Vì vậy, để thu hút và đảm bảo chất lượng người học, thầy Quân đề xuất nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên, cấp thêm kinh phí để xây dựng khu thực hành, thí nghiệm, thực tập cho trường.

Ngọc Mai