CSGDĐH không kê chuyên môn đào tạo GV: Cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu

07/06/2024 06:23
Quỳnh Giao
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo các chuyên gia, đề án tuyển sinh không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục. 

Hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh năm 2024 nhưng ở nhiều trường, nội dung lại chưa thực hiện kê khai theo đúng quy định của Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Cụ thể, ngày 5/6/2024, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải bài viết: "HV Tài chính: Đề án tuyển sinh không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên" trong đó nêu rõ việc nhà trường không thực hiện kê khai chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên. Trong khi tại mục 10.3, chương I về danh sách giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, theo quy định tại biểu mẫu số 03: Báo cáo các điều kiện đảm bảo chất lượng, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT thì thông tin giảng viên toàn thời gian, giảng viên thỉnh giảng phải được kê khai đầy đủ các nội dung từ họ tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, chuyên môn đào tạo và tên ngành tham gia giảng dạy, cụ thể như sau:

ad-4nxevokexsrw37-vtbci26cuporaer8n0onbxutrd8x56nkckgfmdest61-7pa5jstx7tpa9nntwko2peby85i40ya0yrai5cwopyovj8kuh0lqmfcfno33jajr8-nidmpm-cscfd2w3iwolgoxyyanp-q6w-5802.png
Mẫu kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Đối chiếu với đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Tài chính, hầu hết các thông tin về họ và tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn, ngành tham gia giảng dạy ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian đều được kê khai đầy đủ.

Tuy nhiên, ở phần danh sách giảng viên toàn thời gian chưa kê khai thông tin về chuyên môn đào tạo của từng giảng viên.

anh-4.png
Thông tin giảng viên toàn thời gian được Học viện Tài chính công khai tại đề án tuyển sinh 2024 thiếu cột chuyên môn đào tạo. (Ảnh chụp màn hình)

Theo nhiều chuyên gia, khi nhà trường không kê khai chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên tức là chưa nghiêm túc quy định cũng như còn mập mờ trong thực hiện trách nhiệm giải trình với xã hội.

Không công khai chuyên môn đào tạo của giảng viên theo quy định cần xem xét xử lý

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng: Một giảng viên có thể có chuyên môn rất rộng, đảm nhiệm được nhiều ngành khác nhau trong cùng một lĩnh vực. Ví dụ, bằng của giảng viên là ngành Cơ khí nhưng có thể giảng dạy nhiều chuyên ngành khác nhau của ngành Cơ khí.

Chính vì thế, việc công khai chuyên môn đào tạo sẽ giúp người học cũng như xã hội hiểu rõ chuyên môn đó có thể giảng dạy những ngành nào, những lĩnh vực nào. Chỉ cần ngành đào tạo đúng chuyên môn là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo thầy Tống nếu trường không công bố chuyên môn đào tạo của đội ngũ giảng viên trong đề án tuyển sinh là trường đã làm sai quy định.

“Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định phải kê khai thì các cơ sở giáo dục đại học phải kê khai chi tiết, còn nếu trường không kê khai là không đúng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chặt chẽ hơn nữa vấn đề này. Bởi khi trường không công khai, tức là giấu diếm chuyên môn của đội ngũ giảng viên giảng dạy là sai quy định. Bởi người học khi đăng ký xét tuyển cũng cần có căn cứ để có sự tin tưởng đối với đội ngũ giảng viên của nhà trường”, thầy Tống nhận định.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, với những trường không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên như vậy thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có phương án xử lý. Bởi khi đã tuyển sinh là phải đảm bảo thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, nếu đã không làm đúng thì cần xử lý nghiêm túc.

Tống Photo_2018_by Nhật Linh.JPG
Chuyên gia giáo dục - Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc cơ sở giáo dục đại học không kê khai chuyên môn đào tạo của giảng viên thì trách nhiệm sẽ thuộc về trường. Những vấn đề liên quan đến tuyển sinh, đào tạo các trường cần làm theo đúng những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Còn trường hợp không làm đúng quy định thì Bộ có thể thanh tra, kiểm tra, thậm chí xử lý theo quy định”, thầy Nghĩa nêu quan điểm.

Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ - người cũng từng đảm nhận vai trò trưởng đoàn của rất nhiều đoàn đánh giá ngoài về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đại học nhận định: Chuyên môn đào tạo của giảng viên cần được công khai vì còn liên quan đến quy định mở ngành đào tạo, yêu cầu phải có giảng viên đúng chuyên ngành mới được giảng dạy, mỗi ngành cần có một tiến sĩ chủ trì ngành. Khi nhà trường nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí chưa công khai thì cần bổ sung ngay thông tin này.

-dsc8682-7857.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ. (Ảnh: UEB)

Cũng theo Giáo sư Đặng Ứng Vận, việc để xảy ra tình trạng không công khai chuyên môn của đội ngũ giảng viên trách nhiệm trước hết thuộc về giám đốc/hiệu trưởng nhà trường sau đó đến các đơn vị chức năng trực tiếp phụ trách thống kê, tổng hợp cũng như những đơn vị phụ trách trực tiếp đào tạo, giảng dạy chương trình.

“Với những trường hợp không kê khai cụ thể chuyên môn đào tạo của giảng viên mà giảng viên không đảm bảo đủ số lượng giảng dạy chương trình đào tạo sẽ không thể đạt kiểm định chất lượng. Nội dung này nằm ở tiêu chuẩn 6 của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục của Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Nếu cơ sở giáo dục không đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn này thì khi đánh giá ngoài chương trình đào tạo sẽ không đạt yêu cầu.

Còn về phương diện quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thanh tra, kiểm soát lại chất lượng đào tạo các chương trình. Đối với việc công bố đề án tuyển sinh các trường cần thực hiện theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời phải tuân theo tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của các chương trình đào tạo”, Giáo sư Đặng Ứng Vận nhấn mạnh.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng đối với trường không công khai chuyên môn của đội ngũ giảng viên trong đề án tuyển sinh đại học thì người đứng đầu cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm. Vì việc không công khai chuyên môn của giảng viên có thể nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực khác. Nhất là trường hợp một giảng viên có thể đứng tên ở rất nhiều cơ sở giáo dục nhưng trên thực tế có đi dạy hay không thì xã hội không kiểm chứng được.

Điều 9. Tiêu chuẩn 6: Quản lý nguồn nhân lực, chương II Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục của Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học quy định:

1. Tiêu chí 6.1: Nguồn nhân lực được quy hoạch để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

2. Tiêu chí 6.2: Các tiêu chí tuyển dụng và lựa chọn (bao gồm cả các tiêu chí về đạo đức và tự do học thuật sử dụng trong việc đề bạt, bổ nhiệm và sắp xếp nhân sự) được xác định và được phổ biến.

3. Tiêu chí 6.3: Xác định và xây dựng được tiêu chuẩn năng lực (bao gồm cả kỹ năng lãnh đạo) của các nhóm cán bộ, giảng viên, nhân viên khác nhau.

4. Tiêu chí 6.4: Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên được xác định và có các hoạt động được triển khai để đáp ứng các nhu cầu đó.

5. Tiêu chí 6.5: Hệ thống quản lý việc thực hiện nhiệm vụ (bao gồm chế độ khen thưởng, ghi nhận và kế hoạch bồi dưỡng) được triển khai để thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

6. Tiêu chí 6.6: Các chế độ, chính sách, quy trình và quy hoạch về nguồn nhân lực được rà soát thường xuyên.

7. Tiêu chí 6.7: Các chế độ, chính sách, quy trình và quy hoạch nguồn nhân lực được cải tiến để hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:

"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;..."

Quỳnh Giao