Còn 10/63 Sở GD chưa công bố hotline tiếp nhận thông tin kỳ thi tốt nghiệp 2023

15/06/2023 13:45
Bảo Ngọc
GDVN-Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, đúng quy trình. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 được tổ chức ngày 15/6, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã báo cáo một số nội dung chính trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

4 lưu ý quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương cho biết, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều công việc để chuẩn bị cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Về công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi: đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đã hoàn thành việc rà soát ma trận của 15 môn thi.

Ngày 01/3, công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; Rà soát, biên tập, hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để chuẩn bị cho Hội đồng ra đề thi.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương – Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cấp Quốc gia kỳ thi, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Đối với công tác ra đề thi, đã hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi theo đúng quy định; các bước thực hiện soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, các mẫu biểu của mỗi khâu được rà soát hoàn thiện theo đúng quy trình;

Thực hiện phân định rõ trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng ra đề thi; Hội đồng ra đề thi bắt đầu làm việc trong khu vực cách ly từ ngày 02/6/2023.

Về công tác chuẩn bị các phần mềm cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, bao gồm các phần mềm: đăng ký dự thi, hỗ trợ ra đề thi; chấm thi trắc nghiệm.

Ngày 10/5/2023, tổ chức thẩm định phần mềm hỗ trợ Hội đồng ra đề thi và phần mềm chấm thi trắc nghiệm trước khi đưa vào sử dụng với sự tham gia của đại diện các đơn vị gồm Cục Quản lý chất lượng, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo; Cục A03, Cục A05, Cục A06 - Bộ Công an.

Tổ chức công tác tập huấn sử dụng phần mềm chấm thi trắc nghiệm và hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị hạ tầng công nghệ thông tin, cài đặt và sử dụng phần mềm theo đúng quy định;

Phó Giáo sư Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh một số nội dung lưu ý trong công tác tổ chức thi.

Thứ nhất, việc bố trí khu vực in sao đề thi và bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại Điểm thi: các địa phương cần bố trí khu vực in sao đề thi ba vòng độc lập đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định của Quy chế thi.

Đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt, đúng quy trình. Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có công an trực, bảo vệ liên tục 24 giờ/ngày.

Thứ hai, công tác in sao đề thi: Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác in sao đề thi: các máy móc thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng Internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối.

Mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi/môn thi cuối cùng của bài thi.

Trong quá trình in sao cần in sao theo đúng số lượng được giao; lưu ý in sao đề thi các bài thi/môn thi Ngoại ngữ cho các phòng thi ghép; in sao từng mã đề thi cho mỗi đề thi của mỗi bài thi/môn thi trắc nghiệm. Phải có biện pháp cụ thể để phân biệt bì/túi đề thi của các bài thi/môn thi khác nhau.

Thứ ba về công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành địa phương: Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các địa phương cần phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành tại địa phương phối hợp chặt chẽ, đúng người, đúng việc, rõ trách nhiệm trong tất cả các khâu (đặc biệt bảo đảm an ninh, an toàn và thuận lợi cho thí sinh trong những ngày thi).

Thứ tư, về xây dựng các kịch bản dự phòng: Các địa phương chủ động xây dựng phương án dự phòng và các kịch bản để tổ chức Kỳ thi khi có các tình huống bất thường về thiên tai, dịch bệnh hoặc các vấn đề khác thường phát sinh hoặc dự báo có thể phát sinh.

10 địa phương cần bổ sung đường dây nóng

Ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin tại Hội nghị: Đến nay, Thanh tra Bộ đã xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của các năm qua và bổ sung những vấn đề liên quan đến tình hình mới, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh các quy chế thi có một số điều thay đổi với công tác thanh tra, kiểm tra.

Ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Đức Cường – Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng các tài liệu, bộ câu hỏi, tài liệu tập huấn, phối hợp với Bộ Công an để xây dựng các video clip cảnh báo về các thiết bị công nghệ cao, nhằm tập huấn cho đội ngũ lãnh đạo cốt cán các trường, các sở, với nguyên tắc: tất cả những người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi các cấp đều phải được kiểm tra và đánh giá.

Thời gian qua đã tổ chức được 4 hội nghị với hơn 1000 cán bộ công chức, lãnh đạo các trường, các sở, thanh tra các cấp để triển khai công tác tập huấn.

Bộ cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ, cùng với Bộ để tham gia công tác kiểm tra kỳ thi. Dự kiến năm nay huy động từ 134 cơ sở giáo dục đại học với gần 8000 cán bộ giảng viên đại học tham gia kiểm tra các khâu của kỳ thi, đặc biệt khâu coi thi.

Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học được triệu tập đã tập huấn và gửi danh sách về Bộ, sẽ thành lập 63 đoàn đến các điểm thi trong toàn quốc.

Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, có 53/63 Sở đã có đường dây nóng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo, đối với các sở chưa có đường dây nóng trực công tác thanh tra kiểm tra thì cần hoàn thiện.

“Đến thời điểm này, các địa phương đã xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, nhưng chúng tôi đề nghị các địa phương, thanh tra sở kết hợp với thanh tra tỉnh, tiếp tục rà soát tất cả các kế hoạch, phương án để đảm bảo xử lý được những tình huống bất thường có thể xảy ra.

Nghiêm túc thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn, đảm bảo nguyên tắc tất cả các khâu của kỳ thi phải được thanh tra, kiểm tra kỹ.

Đề nghị tiếp tục quán triệt nắm vững quy trình để thực hiện đảm bảo công tác kiểm tra, thanh tra nghiêm túc, đúng quy chế.

Với công tác tập huấn, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các sở giáo dục tập huấn kỹ theo hướng dẫn của Bộ, đồng thời có đánh giá, đảm bảo các cán bộ tham gia đều có đánh giá kiểm tra, để hiểu rõ công việc của mình và triển khai hiệu quả.

Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, bất cập xảy ra thì địa phương cần báo cáo về Bộ qua hệ thống đường dây nóng”, ông Nguyễn Đức Cường lưu ý các địa phương.

Bảo Ngọc