Có trường cao đẳng sư phạm rơi vào cảnh làn sóng giảng viên nghỉ việc

07/04/2023 06:43
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một thời gian dài không được định hướng rõ con đường phát triển, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk hao hụt về đội ngũ, không thể giữ chân giảng viên trình độ cao.

Từ khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, các trường cao đẳng sư phạm chỉ còn được đào tạo giáo viên mầm non. Trong những năm qua, theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số trường cao đẳng sư phạm đã lựa chọn sáp nhập thành phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; hoặc hợp nhất với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thế nhưng, hiện nay, vẫn còn nhiều trường cao đẳng sư phạm chưa thể quyết định về con đường phát triển của mình, vẫn phải loay hoay giữa bộn bề khó khăn.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm ĐắK Lắk cho biết, nhà trường đang rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, không chỉ về quy mô đào tạo mà còn về cả bài toán đội ngũ, khi nhân sự lần lượt chuyển công tác.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hiển - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk. Ảnh: Nguyên Phương

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hiển cho biết, hiện số lượng sinh viên chính quy (ngành đào tạo giáo viên mầm non) chỉ có 328 em. Năm học 2022-2023, nhà trường được giao 83 chỉ tiêu và trường tuyển được đủ số lượng.

Ngoài đào tạo chính quy giáo viên mầm non, hiện nay, trường còn đào tạo các lớp vừa làm- vừa học liên thông từ trình độ trung cấp lên cao đẳng Giáo dục mầm non theo Nghị định 71 là 53 học viên; liên kết với một số trường đại học để đào tạo liên thông lên trình độ đại học số lượng 730 học viên.Trong khi đó, một số mã ngành thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì nhà trường không tuyển sinh được.

Từ khi Luật Giáo dục 2019 đi vào thực tiễn, quy mô tuyển sinh bị thu hẹp, quy mô đào tạo của trường liên tục giảm, kéo theo đó là những khó khăn về nguồn lực.

Khó khăn lớn nhất và có thể nhìn thấy rõ nhất là sự hao hụt về đội ngũ, trường bị vỡ khung nguồn nhân lực. Từ chỗ được đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, nay trường chỉ còn đào tạo sư phạm mầm non, nhiều giảng viên không còn có tiết dạy, đặc biệt là các bộ môn tương ứng với đào tạo giáo viên phổ thông, họ buộc phải lựa chọn chuyển công tác.

Thế nhưng, làn sóng giảng viên nghỉ việc không dừng lại ở đó. Nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, trong khi tương lai, con đường phát triển của trường chưa được xác định rõ, nhiều thầy cô cũng đã rời đi, tìm đến những môi trường làm việc mới với cơ hội phát triển sự nghiệp tốt hơn.

“Những giảng viên không có tiết dạy phải chuyển công tác là điều đương nhiên, nhưng ngay cả những giảng viên trình độ cao của ngành giáo dục mầm non, nhân viên làm công tác hành chính, và những giảng viên nhà trường đang rất cần cũng không thể “giữ chân” họ lại.

Trong số những giảng viên rời đi, có cả tiến sĩ ngành giáo dục mầm non, có thầy cô vừa bảo vệ xong luận án tiến sĩ, có những người đã công tác lâu năm, gắn bó với trường từ thuở bắt đầu sự nghiệp giáo dục.

Ngay cả bây giờ, nhiều giảng viên, nhân viên của trường cũng đang đôn đáo tìm môi trường làm việc mới. Chứng kiến tình cảnh này, lãnh đạo nhà trường, những người làm công tác quản lý vô cùng đau lòng, xót xa.

Vì không có định hướng sớm từ đầu cho con đường phát triển của các trường cao đẳng sư phạm nên trường bị mất hết nhân sự. Sau này muốn phát triển, muốn thực hiện đề án nào cũng khó vì đội ngũ nhân lực đã không còn đáp ứng được”, Cô Hiển trăn trở.

Nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Phương

Nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Phương

Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk cho biết, hiện nay, trường chỉ còn 77 giảng viên trong tổng số 148 viên chức (bao gồm cả viên chức của cơ sở giáo dục thực hành). Trong năm qua, đã có hơn 10 giảng viên xin chuyển công tác về các cơ sở giáo dục đại học, về các trường phổ thông và các cơ quan đơn vị khác, trong đó giảng viên có trình độ Tiến sĩ, đang học nghiên cứu sinh là: 04.

Nhà trường rất lo lắng vì sau này muốn thực hiện kế hoạch phát triển gì cũng không đảm bảo được đội ngũ nguồn nhân lực.

Khó khăn thứ hai là sự lãng phí về cơ sở vật chất. Hiện các khu giảng đường, cơ sở vật chất của trường không được tận dụng và khai thác tối đa kể từ khi nhiệm vụ đào tạo bị thu hẹp. Hơn nữa, nguồn thu của trường cũng bị giảm, không thể đầu tư phát triển cơ sở vật chất.

Khuôn viên trường rộng lớn, cơ sở vật chất vốn chất lượng và nhiều tiềm năng nhưng không được sử dụng hết dẫn tới nguy cơ lãng phí và xuống cấp nếu tình trạng này kéo dài.

Tại buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk ngày 23/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định sự cần thiết của việc đưa Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk sáp nhập với Trường Đại học Tây Nguyên. Bộ trưởng thống nhất với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk về định hướng chỉ đạo việc sáp nhập các trường Cao đẳng về trường Đại học đào tạo ngành Sư phạm.

Cũng trong buổi làm việc với Trường Đại học Tây Nguyên ngày 23/3 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã giao nhiệm vụ cho Vụ Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học Tây Nguyên lên Đề án trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa Trường Cao đẳng Sư phạm về Trường Đại học Tây Nguyên.

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Hiển chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã kết luận về hướng sáp nhập trường với Trường Đại học Tây Nguyên, mong rằng việc xây dựng đề án sáp nhập sẽ sớm được tiến hành, xác định rõ định hướng con đường phát triển cụ thể cho Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, để đội ngũ giảng viên, nhân viên của trường yên tâm công tác.

“Chúng tôi cũng mong muốn sẽ xây dựng được đề án hợp tình, hợp lý để đội ngũ của trường tiếp tục được phát triển chuyên môn, đồng thời cũng hi vọng sẽ được bố trí vị trí việc làm hài hoà giữa hai nhà trường trong quá trình sáp nhập.

Trong hơn 6 thập kỷ qua, các trường cao đẳng sư phạm đã thực hiện, hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của mình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chúng tôi rất mong sớm có hướng phát triển rõ ràng để giữ chân giảng viên và tránh tình trạng lãng phí về cơ sở vật chất”, Tiến sĩ Thanh Hiển chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, về cơ bản, nhà trường thống nhất việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vào Trường Đại học Tây Nguyên.

Tuy nhiên, cần nhiều vấn đề phải được tính toán và sắp xếp, đặc biệt liên quan đến nhân sự, số lượng biên chế, và cả vấn đề về tài chính.

Việc thực hiện sáp nhập rất cần sự hỗ trợ của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt trong việc sắp xếp biên chế vì trong bối cảnh tinh giản bộ máy hiện nay, vấn đề biên chế là một bài toán đặt ra cho các trường.

Nếu tỉnh Đắk Lắk và Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất hỗ trợ Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk thì việc sáp nhập sẽ giải quyết được nhiều bài toán đặt ra cho tỉnh và cho hai trường.

Về cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk:

Tổng diện tích đất: 20,5 ha.

* Cơ sở 1: 19,5ha bao gồm

Diện tích sàn xây dựng: 26.207m2, trong đó:

- Nhà hiệu bộ (nhà A0): 1.596m2

- Nhà làm việc các phòng, ban (nhà A1): 1.674m2

- Khu vực giảng đường: có 49 phòng học bố trí theo các dãy nhà A2, A3, A5 và dãy nhà cấp 4 với hệ thống bảng trượt và đầy đủ ti vi phục vụ dạy học.

- Thư viện: Diện tích sàn:1.054m2 với 10.650 đầu sách bằng 176.525 cuốn và 50 đầu mục báo, tạp chí.

- Nhà thí nghiệm - thực hành: có 09 phòng thí nghiệm - thực hành, 02 phòng máy tính.

- Trung tâm Ký túc xá sinh viên gồm 5 tòa nhà: 3 tòa 5 tầng và 2 tòa 3 tầng với diện tích sàn là: 13.586m2; tổng số phòng ở là: 240 phòng.

- Nhà căn tin - nhà ăn sinh viên diện tích là: 200m2.

- Nhà thi đấu Đa chức năng diện tích: 1.055m2.

- Sân vận động với diện tích: 15.000m2.

- Phòng truyền thống, hệ thống hội trường, nhà trực bảo vệ, gara ôtô, hệ thống cây xanh, cây cảnh.

Cơ sở 2: 1,0 ha là Trường thực hành sư phạm mầm non

Nguyên Phương