Có phải học ngành Bảo hiểm ra trường chỉ đi làm tư vấn bảo hiểm?

10/04/2024 06:18
Thuỳ Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -"Hiện nhiều người chưa nhận thức đúng về ngành Bảo hiểm. Sự sa sút lòng tin của người dân với bảo hiểm cũng là trở ngại cho tuyển sinh, đào tạo ngành này".

Trong những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học đã mở ngành đào tạo Bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này.

Thế nhưng thực tế, nhiều người chưa hiểu rõ học ngành Bảo hiểm ra trường sẽ làm công việc gì, hay chỉ đơn thuần là làm tư vấn bảo hiểm.

Học Bảo hiểm là học gì, làm gì?

Học viện Tài chính là trường đại học đầu tiên cả nước đào tạo chuyên ngành liên quan đến bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Phụng - Trưởng khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính cho biết, chuyên ngành Bảo hiểm của Học viện Tài chính có tên gọi đầy đủ là Tài chính bảo hiểm nằm trong ngành Tài chính - Ngân hàng.

Với chuyên ngành Tài chính bảo hiểm, sinh viên cũng được đào tạo hai phần kiến thức với 140 tín chỉ. Phần đầu là kiến thức giáo dục đại cương, bao gồm 47 tín chỉ. Phần thứ hai là kiến thức giáo dục chuyên nghiệp với 93 tín chỉ.

Theo thầy Phụng, với những kiến thức được trang bị, sinh viên chuyên ngành Tài chính bảo hiểm ra trường có rất nhiều “bến đỗ” để lựa chọn.

Sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, nhân viên đầu tư, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân viên quản lý, đại lý hay nhân viên cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tại các ngân hàng thương mại, sinh viên có thể đảm nhận ở các bộ phận kinh doanh, Bancassurance (kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng), các bộ phận phát triển mạng lưới và quản lý hỗ trợ đại lý trong các ngân hàng thương mại.

H2.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Phụng - Trưởng khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, Học viện Tài chính. Ảnh: Website Học viện Tài chính.

Tại các cơ quan quản lý như Cục quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam,... sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận công việc liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Còn nếu làm việc tại các cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các em có thể thực hiện các công việc quản lý thu bảo hiểm, giải quyết chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, cử nhân chuyên ngành Tài chính bảo hiểm có thể làm các công việc về nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Làm việc ở vị trí nào là phụ thuộc vào năng lực và sở thích của sinh viên, cũng như sự phân công từ phía cơ quan, doanh nghiệp.

Chia sẻ về ngành học này, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Bảo hiểm, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thị trường bảo hiểm thực chất là một phần của thị trường tài chính.

Nếu đứng từ góc độ của nền kinh tế thì ngành bảo hiểm chính là “đường băng” cho nền kinh tế. Đây là đường băng cất cánh nhưng cũng là đường băng hạ cánh khi có vấn đề.

Ngành Bảo hiểm thuộc về khối ngành Kinh tế nên sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức chung của ngành Kinh tế, sau đó là kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành về Bảo hiểm.

Hiện nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có các chương trình học song ngành, song bằng. Sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình bằng việc đăng ký học thêm các học phần của một chương trình đào tạo thứ hai ngoài chương trình đào tạo thứ nhất.

“Chúng tôi sắp xếp các ngành học có sự giao thoa về môn học nên sinh viên đăng ký học song bằng, song ngành không phải học thêm quá nhiều tín chỉ, nếu sắp xếp thời gian học hợp lý, các em có thể nhận bằng tốt nghiệp ngành học thứ hai sau khi ra trường. Điều này giúp các em thuận lợi hơn trong việc mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai”, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng nói.

Nói về công tác tuyển sinh ngành Bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm trong đời sống, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Phụng nhận định, hoạt động bảo hiểm đóng vai trò tích cực trong nền kinh tế, đây là một lá chắn kinh tế trước những rủi ro, bảo vệ và ổn định cuộc sống gia đình.

Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, nhiều người vẫn chưa nhận thức đúng về ngành Bảo hiểm, cũng như các sản phẩm bảo hiểm. Sự sa sút lòng tin của người dân đối với bảo hiểm cũng là trở ngại cho công tác tuyển sinh, đào tạo ngành Bảo hiểm.

Để khắc phục điều này, thầy Phụng cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, có các sản phẩm bảo hiểm thỏa mãn được nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống, từ nhà nước, doanh nghiệp, xã hội để người dân nhận thức đúng đắn, đánh giá một cách khách quan, công tâm đối với ngành Bảo hiểm.

Học bảo hiểm không phải chỉ làm tư vấn bảo hiểm

Theo thầy Đoàn Minh Phụng, nhận định “học Bảo hiểm ra chỉ làm tư vấn bảo hiểm” là không hoàn toàn chính xác. Nếu chỉ cần nhân sự cho vị trí tư vấn viên bảo hiểm thì các công ty, doanh nghiệp có thể có nhiều lựa chọn nhân sự khác hợp lý hơn, giá rẻ và dễ tuyển dụng hơn so với tuyển nhân sự có trình độ đại học đúng chuyên ngành Bảo hiểm.

hoc-vien-tai-chinh-tiep-tuc-hanh-trinh-tu-van-tuyen-sinh-nam-2021-tai-hai-phong-3.jpg
Học viện Tài chính là trường đại học đầu tiên cả nước đào tạo chuyên ngành liên quan đến bảo hiểm. Ảnh minh hoạ: Website nhà trường

Trên thực tế, sinh viên mới được tuyển dụng vào doanh nghiệp, hoặc sinh viên năm 3, năm 4 muốn đi làm để có thêm kiến thức về ngành thường sẽ vào vị trí tư vấn bảo hiểm để bắt đầu làm quen và tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm về các sản phẩm bảo hiểm của công ty.

Chính vì điều này nên nhiều người nhầm tưởng sinh viên học ngành Bảo hiểm ra chỉ để làm tư vấn bảo hiểm.

Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Hùng- cựu sinh viên ngành Bảo hiểm (khóa 26), Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Giám đốc công ty thành viên của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV, thành viên Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chia sẻ, khi học ngành Bảo hiểm, người học không chỉ được trang bị kiến thức về ngành bảo hiểm, nghiệp vụ bảo hiểm mà còn được tham gia các chương trình học thuật, các chương trình hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực gắn liền với chuyên ngành bảo hiểm.

Chính điều này đã giúp anh trưởng thành và định hướng nghề nghiệp tốt hơn.

Ngoài doanh nghiệp bảo hiểm, hầu hết các doanh nghiệp khác cũng rất cần nhân sự chuyên ngành bảo hiểm trong hoạt động phụ trợ, dịch vụ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, giám định độc lập,…

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều đẩy mạnh phát triển phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, như một xu thế tất yếu.

Dịch vụ ròng từ hoạt động bảo hiểm là mục tiêu chính, đóng góp tỷ trọng lớn trong các hoạt động phi tín dụng của ngân hàng, vì vậy, nhân sự tốt nghiệp ngành Bảo hiểm luôn được ưu tiên tuyển dụng tại ngân hàng đối với kênh khai thác này.

Anh Phan Long Lâm - cựu sinh viên khóa 31, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang làm Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Bình Thạnh chia sẻ: “Học bảo hiểm có thể làm được tài chính, ngân hàng chứ không riêng gì bảo hiểm”.

Theo anh Lâm, khó khăn khi chuyển ngành từ bảo hiểm sang ngân hàng cũng có, tuy nhiên những kinh nghiệm làm về bảo hiểm cho anh sự tự tin, thích ứng nhanh với ngành ngân hàng. Tròn 1 năm công tác tại ngân hàng, anh đã được làm cán bộ quản lý.

“Công việc đòi hỏi chúng ta trang bị những kỹ năng cần thiết. Học và vận dụng kiến thức vào thực tế, đi làm vẫn không ngừng học hỏi mới quyết định sự thành công của bạn, cho dù ở bất cứ ngành nghề nào”, anh Lâm chia sẻ thêm.

Còn đối với anh Hứa Hùng Vỹ - cựu sinh viên khóa 42, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ tại Công ty bảo hiểm Bảo Minh - Chi nhánh Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng, sinh viên cần thực tập và làm việc từ sớm để có trải nghiệm cho bản thân.

Mức lương thử việc ban đầu anh được nhận là 6.500.000 đồng/tháng. Thu nhập sẽ gồm lương, thưởng, công tác phí, cơm trưa và một số phúc lợi khác. Khi được ký hợp đồng chính thức thì lương bình quân khoảng trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

“Khi đi làm sớm, sinh viên sẽ nắm bắt công việc sớm, hiểu ngành nghề hơn, việc thăng tiến, thu nhập cũng dễ dàng và nhanh hơn trong tương lai. Đây cũng là lợi thế của tôi khi mới ra trường. Tôi thực tập sớm, đi làm sớm nên khi mới ra trường, tôi đã trở thành nhân viên chính thức”, anh Vỹ nói.

Chủ động tiếp cận thị trường lao động từ sớm

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Lê Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Giám đốc Vùng 5 - Tây Nguyên, kiêm Giám đốc Sở Giao dịch Bảo Long thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long cho rằng, sinh viên nên chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập và làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

c-h.jpg
Thạc sĩ Lê Thanh Hằng - Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Giám đốc Vùng 5 - Tây Nguyên, kiêm Giám đốc Sở Giao dịch Bảo Long thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Ảnh: NVCC

“Trong thời gian thực tập hay vừa học vừa làm tại đơn vị liên quan đến ngành Bảo hiểm, các sinh viên có thể xác định định hướng, lộ trình phát triển cho bản thân, xem bản thân có thực sự yêu thích ngành học, năng lực của bản thân đến đâu và gắn bó được với công việc ngành Bảo hiểm hay không.

Các đơn vị ngành bảo hiểm luôn “rộng cửa” để tiếp nhận sinh viên thực tập. Họ nhìn vào quá trình thực tập để biết được năng lực và mức độ phù hợp của sinh viên đối với đơn vị, để quyết định giữ sinh viên lại làm việc khi sinh viên tốt nghiệp.

Nhân sự trong các công ty bảo hiểm đang thiếu, quan trọng là những người ứng tuyển có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Ngoài năng lực các bạn cần có sự nhiệt huyết, ngoài kỹ năng các bạn cần có sự đam mê”, bà Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc công ty thành viên của Tổng công ty bảo hiểm BIDV nhận định: “Ngành Bảo hiểm rất rộng, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy các bạn đã, đang và chuẩn bị theo học ngành Bảo hiểm an tâm lựa chọn, không lo lỗi thời vì nhân sự chất lượng cao ngành Bảo hiểm hiện tại vẫn đang thiếu hụt nhiều”.

Thuỳ Trang