Học Ngành Y Sinh học Thể dục thể thao sẽ được đào tạo những gì?

31/03/2024 06:09
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngành Y Sinh học Thể dục thể thao là ngành mới, trong khi các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ ngành này không nhiều, tuổi đã cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện ở Việt Nam chỉ có 2 cơ sở giáo dục đào tạo mã ngành 7729001 cử nhân Y Sinh học Thể dục thể thao là Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.

Cả nước có 2 cơ sở đào tạo ngành Y Sinh học Thể dục thể thao

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chiêu – Chuyên gia cao cấp Giám định Pháp y, Giảng viên cao cấp, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao, Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thầy đã có 40 năm gắn bó, cống hiến trong ngành giáo dục, thể dục thể thao.

Theo chia sẻ của thầy Chiêu, mục tiêu của ngành Y Sinh học Thể dục thể thao là đào tạo một đội ngũ chuyên viên y tế có đủ phẩm chất đạo đức và chuyên môn, kiến thức cơ bản trong chẩn đoán điều trị và phòng ngừa chấn thương bệnh lý xuất hiện trong hoạt động thể dục thể thao. Đào tạo sinh viên có năng lực, thực hành chuyên môn và biết vận dụng kiến thức y sinh học trong học tập, nghiên cứu khoa học, kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện của người luyện tập thể dục thể thao; có kỹ năng về chăm sóc y tế cho vận động viên và người tập thể dục thể thao.

Thầy Chiêu.jpg
Giờ thực hành kiểm tra các chỉ số y học trong hoạt động thể lực của thầy Chiêu cùng các sinh viên ngành Y Sinh học Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Khẳng định vai trò quan trọng của ngành Y Sinh học Thể dục thể thao, thầy Chiêu cho rằng, ngành có 4 nhiệm vụ chính. Cụ thể:

Thứ nhất, nghiên cứu ảnh hưởng thể dục thể thao đến cơ thể con người.

Thứ hai, điều chỉnh và xây dựng nội dung kế hoạch huấn luyện, xác định các chế độ đảm bảo cho quá trình tập luyện với từng đối tượng khác nhau như chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, hồi phục trong và sau tập luyện.

Thứ ba, chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị chấn thương, bệnh lý trong quá trình tập luyện gây nên. Trong quá trình tập luyện và thi đấu thể dục thể thao, nếu có những chấn thương, bệnh lý,… y học thể dục thể thao phải nghiên cứu và áp dụng phương pháp điều trị, hồi phục,… hợp lý nhất để người tập nhanh bình phục và trở lại tập luyện, thi đấu.

Thứ tư, áp dụng phương pháp thể dục để chữa bệnh. Y Sinh học Thể dục thể thao phải nghiên cứu và áp dụng thể dục chữa bệnh để nâng cao thể trạng bệnh nhân, uốn nắn những lệch hình, xây dựng cho bệnh nhân những phản xạ mới và bỏ những phản xạ bệnh lý. Thể dục chữa bệnh góp phần tích cực vào việc điều trị bệnh toàn diện.

"Công tác đào tạo ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh rất tốt. Từ khi thành lập đến nay, ngành đã đào tạo 11 khóa tốt nghiệp (tổng số 515 sinh viên). Hiện, ngành đang có 105 sinh viên theo học.

Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 40 em. Tỷ lệ tuyển sinh đạt 70-80% chỉ tiêu và tương đối ổn định. Tuy nhiên, để ngành học thu hút được nhiều sinh viên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong năm 2024, Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao được nhà trường tạo điều kiện đến các trường trung học phổ thông trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh", thầy Chiêu chia sẻ.

Cũng theo thầy Chiêu, sinh viên tốt nghiệp ngành Y Sinh học thể dục thể thao đều có việc làm. Nhiều sinh viên trưởng thành và giữ chức vụ cao trong ngành Y Sinh học Thể dục thể thao, đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ, phục vụ tốt cho công tác kiểm tra y học, tuyển chọn tài năng thể thao, theo dõi đánh giá chất lượng công tác huấn luyện; đánh giá mức độ mệt mỏi và lựa chọn giải pháp hồi phục tại các đội tuyển thể thao, các trường năng khiếu nghiệp vụ thể dục thể thao và các trung tâm huấn luyện thể thao. Cũng có sinh viên ra trường làm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu khoa học thể dục thể thao và một số trở thành kỹ thuật viên hồi phục chức năng khoa vật lý trị liệu ở bệnh viện, giảng viên ngành Y Sinh học Thể dục thể thao trong cơ sở giáo dục đào tạo thể dục thể thao.

Qua khảo sát cựu sinh viên và nhu cầu tuyển dụng lao động ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của nhà tuyển dụng, lương của người lao động làm việc trong lĩnh vực này dao động từ 7-10 triệu đồng/tháng.

Thầy Chiêu 1.jpg
Thầy Chiêu cùng các sinh viên khi thực hành kiểm tra các chỉ số sinh lý của các vận động viên trong tập luyện sức bền. (Ảnh: NVCC)

Về đội ngũ giảng viên, thầy Chiêu chia sẻ: "Trong quá trình phát triển, Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao luôn được tăng cường đội ngũ giảng viên về số lượng và chất lượng. Các giảng viên của khoa đều có chức danh, học vị cao. Bên cạnh đó, Khoa có sự tham gia giảng dạy của các giảng viên thỉnh giảng là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực khoa học Y Sinh học Thể dục thể thao, như: Tiến sĩ khoa học Vũ Công Lập; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quý Phượng; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Nguyệt Nga,...".

Còn về chương trình đào tạo, hiện cả nước chỉ có 2 trường đào tạo ngành Y Sinh học Thể dục thể thao nên chương trình đào tạo ngành Y Sinh học thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh thường xây dựng dựa trên việc so sánh với một số chương trình đào tạo ngành sức khỏe vận động ở một số nước (như Trung Quốc, Nga, Úc,...) và nhu cầu xã hội hiện nay. Nhờ đó, ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của trường được cải tiến chương trình sao cho phù hợp, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển ngành Thể dục thể thao nói chung và ngành Y Sinh học Thể dục thể thao nói riêng.

Ngoài ra, ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh còn được liên kết với Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – nơi có nhiều huấn luyện viên tài năng, vận động viên đẳng cấp đang được huấn luyện; có trung tâm hồi phục thể thao, phòng nghiên cứu y học thể thao,... là điều kiện thuận lợi cho sinh viên học, thực hành, đánh giá lượng vận động trong tập luyện, giải pháp hồi phục cho vận động viên.

Một số thành tích của Khoa Y Sinh Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh:

Huân chương lao động Hạng ba (2014); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2011) vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho Khoa vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào các năm học 2016 – 2017; 2017 – 2018; 2018 – 2019; 2019 – 2020; 2020 – 2021; 2021 – 2022; 2022 - 2023

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trương Đức Thăng – Trưởng Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh cho biết, ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của trường gồm các chuyên ngành: Y sinh học Thể dục thể thao, Chăm sóc sức khỏe và hồi phục trong thể dục thể thao.

Theo thầy Thăng, Y Sinh học Thể dục thể thao (Sport Biomedical Science) là môn khoa học nghiên cứu về cơ thể con người trong hoạt động thể dục thể thao, nhằm duy trì, nâng cao sức khỏe cho người tập luyện thể thao, nâng cao thành tích thể thao, đồng thời ngăn ngừa, điều trị các bệnh tật và chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

Thầy Thăng 2.jpg
Tiến sĩ Trương Đức Thăng – Trưởng Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC).

Bàn về công tác đào tạo cử nhân Y Sinh học Thể dục thể thao của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, theo thầy Thăng, từ năm 2007 đến nay, ngành Y Sinh học Thể dục thể thao được tuyển sinh và đào tạo tại nhà trường. Đến nay, ngành đã đào tạo được 216 sinh viên tốt nghiệp. Hầu hết những sinh viên ra trường đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc trong thực tiễn, đồng thời khẳng định được vai trò và vị thế của ngành Y Sinh học Thể dục thể thao trong việc chăm sóc sức khỏe, tăng cường hồi phục cho người tập thể thao quần chúng, cũng như thể thao thành tích cao.

“Khoa Y học Thể dục thể thao của nhà trường tuyển sinh hàng năm theo kế hoạch chung. Một số năm có tỷ lệ tuyển sinh đạt từ 65-80% chỉ tiêu. Điều đáng mừng là 3 năm tuyển sinh gần đây, số lượng sinh viên đăng ký ngành Y Sinh học Thể dục thể thao khả quan hơn.

Năm 2024, ngành dự kiến tuyển sinh 25 chỉ tiêu. Hy vọng, lãnh đạo Khoa và giảng viên ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của trường sẽ được chào đón những thí sinh đam mê với ngành chăm sóc sức khỏe đặc biệt này”, thầy Thăng bày tỏ.

Chia sẻ về vị trí việc làm ngành Y Sinh học Thể dục thể thao, thầy Thăng tâm sự, qua quá trình công tác, các thế hệ sinh viên ra trường có kể với thầy cô về mức lương của các em. Căn cứ vị trí việc làm, mức lương sẽ khác nhau. Cụ thể, khi làm tại các cơ quan nhà nước, mức lương sẽ theo quy định về lương của cán bộ công, viên chức; làm ở các trung tâm hồi phục thể thao có thu nhập khoảng 16-20 triệu đồng/ tháng (tùy sự cố gắng của cá nhân); còn khi đi theo các đội bóng đá để thực hiện chuyên môn sẽ có thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng và được thưởng theo thành tích của đội; làm hướng dẫn tập luyện trong các phòng tập có thu nhập 30-60 triệu đồng/tháng,...

Chương trình đào tạo ngành Y Sinh học Thể dục thể thao của Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh được liên tục rà soát, cập nhập theo các chương trình đào tạo tiên tiến. Thế mạnh của ngành Y Sinh học Thể dục thể thao là có đơn vị thực hành - Trung tâm phục hồi chức năng với trang thiết bị hiện đại và gần 200 vận động viên trẻ và quốc gia đang tập huấn tại trung tâm đào tạo vận động viên của nhà trường. Sinh viên được kết hợp giữa lý thuyết và thực hành ngay tại trường, chất lượng đào tạo sinh viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay.

Một số thành tích của Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh:

Năm học 2015-2016 và năm học 2021-2022, Khoa Y Sinh học Thể dục thể thao được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Mong có thêm đội ngũ giảng viên đủ năng lực, chuyên môn về Y Sinh học Thể dục thể thao

Bên cạnh những thuận lợi, thầy Thăng và thầy Chiêu đều chỉ ra những khó khăn, thách thức đối với ngành Y Sinh học Thể dục thể thao.

Cụ thể, theo thầy Thăng, vai trò của nguồn lực y sinh học thể dục thể thao rất lớn và cần thiết nhưng hiện các trung tâm thể dục thể thao, các đội tuyển,... không được quy định rõ vị trí việc làm để tuyển dụng.

Thực tiễn cho thấy, nhu cầu về cán bộ chăm sóc sức khỏe cho người tập luyện thể dục thể thao đang là vấn đề cấp thiết với xã hội hiện nay. Rất nhiều khảo sát, điều tra đã phản ánh điều này.

Tuy nhiên, để cử nhân Y Sinh học Thể dục thể thao có thể lao động và cống hiến, giúp duy trì, nâng cao sức khỏe cho người tập luyện thể thao, đặc biệt là nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, thầy Thăng mong muốn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có đề xuất với Bộ Nội vụ xác định vị trí việc làm tại các đội thể thao, trung tâm huấn luyện thể thao nhằm tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho các cơ sở hoạt động lĩnh vực thể thao trong tuyển dụng cán bộ y sinh học thể dục thể thao.

Thầy Thăng 1.jpg
Sinh viên Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh trong giờ thực hành. (Ảnh: NVCC)

Cùng chỉ ra khó khăn của ngành Y Sinh học Thể dục thể thao, theo thầy Chiêu, đây là ngành mới, có tính đặc thù chuyên ngành Y. Trong khi đó, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ ngành Y Sinh học Thể dục thể thao không nhiều. Do đó, Khoa đang đề xuất nhà trường tạo điều kiện cho các giảng viên Y Sinh học Thể dục thể thao tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chuyên môn, có học vị, học hàm để kịp thời bổ sung vào đội ngũ giảng viên.

Để tháo gỡ khó khăn trong đào tạo, nghiên cứu khoa học Y Sinh học Thể dục thể thao, thầy Chiêu cho biết, vừa qua, Khoa đã kết hợp với một số đơn vị trong việc thực hiện chương trình đào tạo bác sĩ thể thao (4 năm) đối với sinh viên tốt nghiệp cử nhân Y Sinh học Thể dục thể thao loại Khá, Giỏi để trở thành bác sĩ chuyên ngành thể thao. Từ đó, cung cấp đội ngũ nhân lực phục vụ công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, khám, chữa bệnh, chăm sóc vận động viên.

“Tôi mong, chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành thể thao sớm được thực hiện để có đội ngũ đủ năng lực, chuyên môn tham gia vào công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học thể dục thể thao”, thầy Chiêu bày tỏ.

Ngọc Mai