Cơ hội và giới hạn nào cho ChatGPT trong giáo dục

23/02/2023 20:40
Hải Yến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Giáo dục tổ chức Toạ đàm khoa học: “Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức”.

Những luồng ý kiến tranh luận đa chiều của các chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp Edtech đã được bàn thảo tại chương trình toạ đàm khoa học: “Giáo dục và hệ sinh thái AI-GPT: Cơ hội và thách thức” do Trường Đại học Giáo dục - ĐHQGHN tổ chức diễn ra vào ngày 23/2.

Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu.Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh phát biểu.

Phát biểu đề dẫn của đại diện đơn vị tổ chức, Hiệu trưởng GS.TS. Nguyễn Quý Thanh nhận định, sự xuất hiện của AI-GPT mới chỉ là sự khởi phát của công nghệ giáo dục, đánh thức chúng ta về khả năng, giới hạn mới của công nghệ và sẽ ngày càng thâm nhập sâu hơn vào giáo dục trong thời gian tới.

Với tư cách là cơ sở giáo dục tiên phong trong đào tạo và nghiên cứu về công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục tổ chức Toạ đàm nhằm quy tụ các chuyên gia giáo dục, công nghệ, lãnh đạo và các công ty Edtech trong lĩnh vực công nghệ, giáo dục để thảo luận về 3 nhóm vấn đề chính:

Một là, nên khách quan nhìn nhận những tác động chủ yếu thường được đề cập khi xuất hiện các giải pháp công nghệ mới như thế nào? Những tác động đến lĩnh vực giáo dục sẽ tạo ra các hiệu ứng gì ở các cấp độ khác nhau?

Hai là, cần phải làm gì để sẵn sàng thích ứng và chủ động thích ứng với ChatGPT và những hiện tượng tiềm năng tương đương trong giáo dục, giới hạn nào cho các ứng dụng trong giáo dục trong những giai đoạn tới?

Ba là, làm rõ về bản chất, cơ chế vận hành của ChatGPT để có những phương án đề xuất về mặt chính sách, kĩ thuật, kĩ năng sử dụng tích hợp các ưu điểm của ChatGPT trong thực tiễn giáo dục như thế nào?

GS.TS. Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.GS.TS. Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán.

Có thể nói, AI-GPT đã tạo ra một cú hích lớn trong lĩnh vực công nghệ khi mới chỉ ra đời hồi cuối tháng 11/2022, chỉ sau 5 ngày sử dụng AI-GPT đã thu hút 5 triệu người dùng đăng ký sử dụng.

GS.TS. Hồ Tú Bảo – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán chia sẻ về các xu hướng AI tác động đến giáo dục cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng AI như một công cụ chuyên dụng nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống.

Công nghệ AI có thể cải thiện được năng lực trí tuệ của con người, AI cũng đang làm thay đổi cách truyền đạt kiến thức của người dạy và cách tiếp thu kiến thức của người học.

"Trong môi trường số, gia đình, nhà trường và xã hội đang cùng nhau tạo ra những thay đổi tác động lên giáo dục. Vậy chúng ta phải thay đổi cách làm, cách nghĩ như thế nào khi không chỉ có nhà trường, gia đình mà công nghệ cũng đang góp phần mang đến kiến thức cho người học?", GS. Hồ Tú Bảo nêu.

TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục.TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục.

Đồng tình với quan điểm của GS. Hồ Tú Bảo, TS. Tôn Quang Cường – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục nhận diện: “Liệu chúng ta có sẵn sàng chấp nhận và thích ứng với công nghệ không? Các mức độ sử dụng của AI-GPT trong giáo dục hiện nay là gì? Với tư cách là nhà giáo dục, chúng ta sẽ phát triển các công cụ này ra sao?”.

Thực tế, ChatGPT đã tạo ra những thay đổi trong quá trình dạy học và quản lý, thay đổi nội dung dạy học; thay đổi về bối cảnh/phương thức/mô hình và mô thức giáo dục; thay đổi vai trò của giáo viên và học sinh.

Nhóm nghiên cứu của Khoa Công nghệ Giáo dục cũng phát hiện nhiều khoảng trống trong ChatGPT để có thể đi sâu và tiếp tục gia tăng khai thác và nghiên cứu. Nhóm mong muốn có thêm nhiều cơ hội và các mối liên kết với các doanh nghiệp Edtech trong việc tạo ra hệ sinh thái Open Ai cho giáo dục để tạo ra các sản phẩm dịch vụ theo đúng mục tiêu, mục đích và đáp ứng yêu cầu của người dạy, người học.

PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm.PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm.

Khi sinh viên, học sinh đang ngày càng khao khát được học hỏi và hào hứng với những gì mới mẻ mà ChatGPT mang lại, thì giảng viên, giáo viên cũng cần nhanh chóng thích nghi và thành thạo với công cụ đó.

PGS.TS. Nguyễn Chí Thành – Chủ nhiệm Khoa Sư phạm và Ths. Đặng Minh Tuấn – giảng viên đã có những ví dụ rất điển hình đối với việc sử dụng ChatGPT trong dạy học các môn Toán và Khoa học tự nhiên triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, trên cơ sở các khung lý thuyết đã được nhiều nhà khoa học đưa ra, chuyên gia cũng đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp theo quan điểm kiến tạo để hỗ trợ giáo viên và học sinh có thể sử dụng ChatGPT như một trợ lí chức năng trong quá trình dạy học.

Ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng Giám đốc Edmicro.Ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng Giám đốc Edmicro.

Dưới góc nhìn của chuyên gia EdTech ông Nguyễn Ngọc Quế - Tổng Giám đốc Edmicro khẳng định, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận những hạn chế của ChatGPT như là cơ hội để xây dựng, phát triển những mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mang tính thuần Việt.

Hiện nay, đã có nhiều cộng đồng trẻ đã và đang đầu tư vào các môn hình LLM thuần Việt. Đối với câu chuyện học tập cá nhân hoá, ông Nguyễn Ngọc Quế cho rằng: “Chúng ta đã nói nhiều đến vấn đề cá nhân hoá, nhưng không thể cá nhân hoá hàng triệu học sinh trên cả nước, vì vậy máy tính vẫn là cơ hội để thực hiện giấc mơ này. Học tập thích ứng dựa trên AI là nơi thể hiện rõ vai trò cá nhân hoá của người học”.

TS. Trần Quốc Long - Viện trưởng Viện Tri tuệ nhân tạo - Trường ĐH Công nghệ.

TS. Trần Quốc Long - Viện trưởng Viện Tri tuệ nhân tạo - Trường ĐH Công nghệ.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Quốc Long - Viện trưởng Viện Tri tuệ nhân tạo cũng chia sẻ khá nhiều cơ hội cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mới của AI trong giáo dục bằng các mô hình, thuật toán công nghệ và xử lí dữ liệu lớn.

“Đã có quá nhiều thông tin và phản hồi được đưa ra chưa chính xác bởi ChatGPT, vậy làm sao có thể cá nhân hoá việc học nhờ ChatGPT?”, chuyên gia xã hội học-giáo dục GS.TS. Lê Ngọc Hùng đặt câu hỏi.

Theo Giáo sư, cuộc chơi của khoa học công nghệ hiện đại sẽ ngày càng phát triển và đổi thay, các nhà quản lý trước khi đưa bất cứ vấn đề công nghệ mới nào vào trường học, hoạt động giáo dục cần cân nhắc kỹ: (1) điều đó có làm giảm nhẹ công việc cho người giáo viên không? (2) Có đem lại hứng thú không? (3) Có tăng năng suất, hiệu suất công việc không? (4) Có mang lại chất lượng và hiệu quả hơn không? (5) Có tăng thêm thu nhập không?

Đánh giá các mặt tích cực mà ChatGPT mang lại, GS.TS. Trần Trung – Giám đốc Học viện Dân tộc chia sẻ về việc sử dụng AI trong giảng dạy và nghiên cứu.

Giáo sư cho rằng, các hãng công nghệ đưa ra các công cụ cho người dùng sẽ phụ thuộc vào khả năng sử dụng thông thái và phù hợp của người dùng. Trong giảng dạy hay nghiên cứu, con người cần phải hiểu bản bất của công cụ và nó cung cấp dịch vụ ra sao. ChatGPT cũng chỉ là một chatbot, nó không đại diện cho AI và AI cũng chỉ là một trong những lĩnh vực của công nghệ số. Vì vậy, có thể sử dụng nhiều ứng dụng chatbot khác nhau cho những mục đích khác nhau và tránh việc “tin cậy hóa” hay tuyệt đối hóa các công cụ này.

PGS.TS. Trần Văn Công – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục.PGS.TS. Trần Văn Công – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục.

Cụ thể hơn đối với vấn đề này, PGS.TS. Trần Văn Công – Phó Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục cho rằng không dễ dàng để đặt câu hỏi rằng ChatGPT có tác động như thế nào đến hoạt động đào tạo, nghiên cứu và tư vấn tâm lý trong trường đại học. Tuy nhiên PGS.TS. Trần Văn Công cũng chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và nguy cơ tiềm ẩn mà AI-GPT có thể tác động đến.

Đối với đào tạo, AI-GPT có thể cung cấp tài nguyên nhanh và chính xác, tạo ra quy trình và công cụ đánh giá quá trình học tập của người học; đồng thời cải thiện các kỹ năng: viết luận, khả năng nghiên cứu, kỹ năng trình bày… AI-GPT cũng có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ý tưởng nghiên cứu, dịch văn bản sang các ngôn ngữ khác nhau, có thể phân tích hoặc định hướng phân tích dữ liệu, tham khảo cách viết khoa học, viết sơ bộ tổng quan hoặc lý do chọn đề tài.

Đối với việc tham vấn và trị liệu tâm lý, AI-GPT có thể cung cấp tri thức cơ bản và ban đầu về tâm lý và các bệnh tâm thần, đưa ra lời khuyên - cách thức phòng ngừa - khắc phục các vấn đề của bản thân, lời khuyên hợp lý khi cần tìm các nhà tham vấn.

Do đó, lãnh đạo Khoa Các Khoa học Giáo Dục cũng đề xuất 3 phương án sử dụng ChatGPT hiệu quả: (1) Sử dụng AI-GPT phổ biến đối với giảng viên trong một số hoạt động: tìm tài liệu tham khảo, khởi động cho bài viết khoa học; (2) Thay đổi trong cách thức và định hướng giảng viên - nhấn mạnh phát triển tư duy phản viện của người học; (3) Tận dụng sức mạnh AI-GPT thay vì né tránh.

Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra đánh giá, PGS.TS. Vũ Trọng Lưỡng - Khoa Quản trị Chất lượng trích dẫn một số báo cáo khoa học cập nhật nhất hồi tháng 2/2023 của tác giả Thomas K.F. Chiu và cộng sự liên quan đến việc ứng dụng AI trong kiểm tra đánh giá: “AI mang đến những ưu thế trong việc xây dựng các bài kiểm tra adaptive test phù hợp với năng lực và đặc điểm của người học; cung cấp hệ thống chấm điểm tự động với trặc nghiệm tự luận và trình diễn; cuối cùng là cung cấp dự đoán khả năng, năng lực của người học dựa trên dữ liệu thu được từ thái độ và biểu hiện học tập trên nền tảng trực tuyến”.

AI cũng được ứng dụng trong tổ chức thi cử, giám sát gian lận, phát triển và chuẩn hoá câu hỏi thi trong lĩnh vực khảo thí…Song song với đó, PGS.TS. Vũ Trọng Lưỡng cũng chỉ rõ những ứng dụng và hạn chế của AI trong kiểm tra đánh giá người học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ mà không thể thay thế hoàn toàn vai trò của người dạy trong quá trinh kiểm tra đánh giá người học.

Đối với AI-GPT, PGS.TS. Vũ Trọng Lưỡng cho rằng nó là một công cụ rất hữu ích và thuận tiện trong giáo dục, có thể nâng cao khả năng học tập, giảng dạy, tăng cường tính tương tác và trải nghiệm khả năng học tập, cải thiện giảng dạy và khả năng đánh giá, phân tích. Tuy nhiên, AI-GPT không thể thay thế được sự tương tác cá nhân, khả năng đánh giá toàn diện và tính nhân văn của người dạy. Do đó AI-GPT cần được sử dụng đúng cách và kết hợp với sự hỗ trợ của con người thật để đảm bảo tính chính xác, hiệu quả trong quá trình học tập của người học.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

Tại buổi Toạ đàm, Ban tổ chức cũng nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự. Vẫn còn nhiều vấn đề được bỏ ngỏ Ban tổ chức mong muốn và kỳ vọng các vấn đề trăn trở tại Toạ đàm sẽ mở ra các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ giáo dục.

Năm 2023, Trường Đại học Giáo dục dự kiến tuyển sinh 1100 chỉ tiêu cho các nhóm ngành đào tạo sư phạm và ngoài sư phạm. Thông tin chi tiết: Tuyển sinh đại học chính quy năm 2023

Tổng hợp thông tin tuyển sinh đại học chính quy của Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN liên tục được cập nhật theo đường link: Tuyển sinh đại học chính quy

Mọi thắc mắc, hỗ trợ, thí sinh liên lạc theo địa chỉ:

Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội

Địa chỉ: Nhà G7, số 144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Website: http://education.vnu.edu.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/education.vnu.edu.vn

Hotline tuyển sinh: 0865964905 hoặc (024) 7301 7123 – máy lẻ 1102 (trong giờ hành chính)

Hải Yến