Trải nghiệm của GV khi dùng ChatGPT: lây "nạn" văn mẫu, KHTN còn xa kỳ vọng

20/02/2023 08:52
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ.

ChatGPT xuất hiện như một sự kiện được giáo viên nói riêng cả xã hội nói chung đón nhận, theo dõi và cả ngờ vực.

Tại buổi Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 13/2/2023 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ:

Với ngành Giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay, đây là câu chuyện dạy học trực tuyến và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đây là một cơ hội rất lớn và chúng ta cần phải có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, tất cả những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ, không có chính sách nào ra bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận những công nghệ này, cách đón nhận nó. Chúng ta không quá hào hứng nhưng chúng ta không quá lo ngại, hay hoảng sợ.

“Cách tốt nhất để hiểu nó chính là sử dụng nó. Công nghệ này có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh và 1,5 triệu nhà giáo, rồi các nhà quản lý giáo dục, chúng ta hãy dùng, hãy cảm nhận, hãy trải nghiệm để hiểu hơn về ChatGPT.

Và khi hiểu, chúng ta cùng thảo luận. Chúng ta nói cách học tốt nhất là dùng và thảo luận, cũng như học hỏi như ChatGPT làm. Tôi mong rằng ở các nhà trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm rồi sẽ thảo luận tiếp, làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT và những công nghệ khác cũng sẽ mang đến cho chúng ta.

Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời”.[1]

Học sinh Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng trong giờ Tin học.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng trong giờ Tin học.

Là giáo viên, tôi cũng rất quan tâm khi thấy giới thiệu ChatGPT có thể làm những việc như soạn giáo án, viết luận văn ....

Vậy thực sự ChatGPT có thể thay thế giáo viên soạn kế hoạch bài dạy, thay thế người thầy? Có ChatGPT người thầy sẽ phải dạy “lễ” cho học trò nhiều hơn?

Cách tốt nhất để hiểu là là sử dụng và trải nghiệm ChatGPT, chỉ mất 50.000 đồng tôi đã có tài khoản ChatGPT của riêng mình.

Để “thử tài” ChatGPT tôi đã đề nghị ChatGPT thực hiện soạn kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN hóa học lớp 9 theo công văn 5512.

Tôi đã gửi: Soạn Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN hóa học lớp 9 theo công văn 5512, nêu rõ mục đích cần đạt của các hoạt động dạy học, các thí nghiệm thực hiện để chứng minh tính chất vật lý, tính chất hóa học, ứng dụng và điều chế axetylen. Kế hoạch dạy học phải thực hiện đúng hướng dẫn của công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Sau 07 phút, tôi đã có Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN.

Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN Hóa học lớp 9 do ChatGPT thực hiện

Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN Hóa học lớp 9 do ChatGPT thực hiện

Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN Hóa học lớp 9 do ChatGPT thực hiện

Ảnh chụp màn hình Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN Hóa học lớp 9 do ChatGPT thực hiện

Đánh giá Kế hoạch bài dạy bài AXETYLEN Hóa học lớp 9 do ChatGPT thực hiện thầy giáo Nguyễn Đình Cường đang dạy học ở một trường trung học cơ sở nhận xét:

“Thời gian thực hiện của ChatGPT thực sự nhanh, có các bước lên lớp bài bản, nhưng chưa đúng theo công văn 5512.

Điều bất ngờ nhất, chính ChatGPT đã nhầm lẫn tính chất vật lý và tính chất hóa học.

Sách giáo khoa Hóa học 9 đã viết “Axetylen là chất khí không màu, không mùi, ít tan trong nước, d=26/29.

ChatGPT đã dùng thí nghiệm đốt cháy axetylen để dạy tính chất vật lý là không đúng. Nếu dùng kế hoạch bài dạy của ChatGPT để dạy, chắc chắn tiết dạy không đạt yêu cầu”.

Để thử trí thông minh của ChatGPT, tôi tiếp tục “nhờ” bạn ấy giải một bài toán hóa học dành cho học sinh giỏi lớp 8: X là đơn chất khí có tỷ khối so với khí hidro bằng 16, tìm công thức hóa học của X?

Ảnh chụp màn hình sản phẩm của ChatGPT thực hiện

Ảnh chụp màn hình sản phẩm của ChatGPT thực hiện

Sau hơn 01 phút, ChatGPT đã thực hiện xong bài giải, thế nhưng kết quả không đúng.

Nội dung bài giải đúng là:

Đặt ký hiệu hóa học của nguyên tố tạo thành đơn chất X là X = X (Nguyên tử khối X = X). X là đơn chất khí, nên công thức phân tử của khí X có dạng Xa. a ={2,3}.

Phân tử khối của Xa = 2.16 = 32. Vậy Xa = 32 => a.X = 32.

Ta có bảng sau:

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Ảnh chụp màn hình do tác giả cung cấp

Cặp nghiệm phù hợp là a = 2, X = 16, vậy X là nguyên tố Oxi, CTHH của khí X là O2.

Trải nghiệm ChatGPT trên một số vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực Hóa học mà bản thân tôi đang dạy, tôi thấy ChatGPT chưa có gì vượt trội so với kì vọng ban đầu của bản thân.

Với lĩnh vực khoa học tự nhiên thì chưa được như ý muốn, thế nhưng khi thử sử dụng ChatGPT trong lĩnh vực xã hội, phải thừa nhận kết quả tương đối tốt, nhưng nạn "văn mẫu" cũng đã lây vào ChatGPT.

Người viết yêu cầu ChatGPT viết bài cảm nghĩ về 3 trường học khác nhau, cả ba bài đều cùng một phong cách, nội dung na ná nhau.

ChatGPT cũng chỉ là công nghệ, có thể bước đầu chưa được “huấn luyện” nên chưa đáp ứng được mong đợi của bản thân tôi, nhưng qua thông tin từ buổi Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, tôi vẫn tin đây sẽ là một “công cụ” mà giáo viên cần có.

Thế nhưng, sử dụng ChatGPT như thế nào là trách nhiệm, lương tâm của mỗi giáo viên. Để phát huy được tính tích cực của ChatGPT chúng ta phải thực hiện như lời Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã nói:

“Cuối cùng, ứng dụng công nghệ làm sao để chúng ta hạn chế những mặt trái, sự lệ thuộc vào những công nghệ, công cụ và để làm sao mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao của người học, giảm chi phí trong giáo dục để mọi người dân có thể tiếp cận giáo dục chất lượng tốt.

Và tất cả chính sách cũng đều hướng đến ý nghĩa đó, giữ cho nền giáo dục trong sạch ở mọi nơi, với đạo đức trong nhà trường”.

Mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu để điều chỉnh chính sách pháp luật phù hợp với thực tế, thực tiễn, để ChatGPT nói riêng, công nghệ nói chung phát huy được tính tích cực trong giáo dục.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/hon-20-trieu-hoc-tro-va-15-trieu-gv-hay-dung-de-hieu-hon-ve-chatgpt-post233067.gd

Sơn Quang Huyến