Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực và cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh mỗi cá nhân.
Dù vậy, trên thực tế, việc thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở, như nhận xét từ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị là vẫn chưa đạt yêu cầu, thực tiễn triển khai đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, việc thực hiện phân luồng học sinh sau trung học cơ sở quyết định đến cơ cấu nguồn nhân lực, để đáp ứng mục tiêu phát triển đất nước. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở trong bối cảnh nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, trong dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Muốn trở thành nước công nghiệp phát triển, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải có nguồn lực.
Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế, nên theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước, nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định. Đây là điều mà tôi đã đề cập nhiều lần trước đây và là thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy.
Thế nhưng, phải nhìn nhận thấu đáo vấn đề này. Trong năm 2023, nước ta đã đạt quy mô dân số 100 triệu người. Dân số đông là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Giống như “con dao hai lưỡi”, nếu dân số đông lại đang ở thời kỳ “dân số vàng” mà được đào tạo chu đáo thì sẽ trở thành nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của đất nước. Thế nhưng, dân số đông mà không được qua đào tạo thì sẽ trở thành gánh nặng, áp lực kìm hãm sự phát triển của quốc gia.
Hơn nữa, chúng ta cũng đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ “dân số vàng”, đây là cơ hội cuối cùng, nếu để tuột mất cơ hội này thì mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển của Việt Nam sẽ khó mà đạt được.
Vậy nên vấn đề đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng, nhưng phải đào tạo như thế nào để đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước lại là một vấn đề lớn phải bàn.
Chính việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực.
Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2021 của Tổng Cục Thống kê cho thấy: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc thì 73,9% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trình độ trung cấp, 3,5% trình độ cao đẳng và 11,7% trình độ đại học.
Có đến khoảng 3/4 lực lượng lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nên chỉ đóng vai trò của lao động giản đơn . 6,8 % lao động qua dạy nghề với thời gian đào tạo dưới 1 năm. Như vậy, hơn 80% lao động có trình độ dưới chuẩn.
Theo kinh nghiệm thế giới, phù hợp với nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nhân lực cơ bản tức là lao động trực tiếp có trình độ học vấn đạt cấp độ 3 của ISCED-2011 (trung học nghề) và tay nghề ở bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam phải chiếm tỉ lệ trên 50%, để bảo đảm cho cấu trúc lao động có dạng hình tháp.
Để có được cấu trúc lao động như vậy, tại nhiều quốc gia người ta phải thực hiện việc phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở. Thí dụ như theo số liệu thống kê giáo dục của Đài loan năm 1989, toàn Đài loan có 206 trường trung học phổ thông với 207.000 học sinh (27,3%) và 203 trường trung học nghề với 550.000 học sinh (72,7 %).
Còn ở Việt Nam, cho tới nay lao động trình độ trung cấp (mặc dù còn chưa đạt cấp độ 3 của ISCED-2011) chỉ chiếm 4,1% và cũng chỉ được đào tạo tại trên 400 trường trung cấp nghề (so với 2400 trường trung học phổ thông) với một tỷ lệ học sinh rất khiêm tốn, khoảng vài %.
Muốn phát triển nền kinh tế đất nước, Việt Nam không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ, nghĩa là cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Tôi muốn nói tới tính đồng bộ của đội ngũ nhân lực này. Chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo nếu chưa đạt chuẩn cũng như cơ cấu đội ngũ nhân lực còn rất bất hợp lý, thiếu đồng bộ sẽ làm cho GDP và năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam bị thua kém nhiều lần so với thế giới và khu vực.
Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu mục tiêu là: “...Bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở (hết lớp 9) có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng…”
Vừa qua, Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Đây là quan điểm chỉ đạo đúng đắn và rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.
Nhìn từ thực tiễn, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung học phổ thông rất cao, điều này đang làm ảnh hưởng đến cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động. Học tiếp lên trung học phổ thông vẫn là lựa chọn của đa số học sinh. Trong khi đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề và trung cấp còn rất thấp.
Với tình hình này, cơ cấu nguồn nhân lực sẽ phát triển theo hướng bất hợp lý, thiếu đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên lành nghề. Mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển đến bao giờ mới có thể đạt được!
Phóng viên: Ngành giáo dục đang thực hiện tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo. Theo đánh giá thì giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông hiệu quả chưa cao. Ông suy nghĩ sao về điều này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Nếu nhìn thẳng vào thực tế thì chúng ta chưa thực hiện được phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị, học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 94,3%, học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7% và phần lớn các tỉnh/thành đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, thậm chí có địa phương hơn 80%.
Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, chủ yếu học sinh đổ xô vào trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề và trung cấp còn rất thấp.
Thậm chí nhiều học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đã sớm gia nhập vào thị trường lao động khi chưa đến độ tuổi lao động.
Với những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, vì nhiều lý do, nếu không theo học đại học, cao đẳng, không học nghề thì hầu hết các em cũng gia nhập thị trường lao động khi chưa được đào tạo kỹ năng nghề.
Điều này lý giải vì sao chúng ta có khoảng gần 75% lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Và thực tế này cũng cho thấy chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và sau trung học phổ thông.
Phóng viên: Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Như số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp trong Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 thì có 70 - 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông.
Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh lại chọn hướng học lên trung học phổ thông mà không vào trung cấp nghề?
Bởi người học đã thấy rõ, việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở để đi vào trung cấp nghề là lối đi vào “ngõ cụt”.
Vì chỉ với thời gian đào tạo 1-2 năm, chủ yếu là dạy nghề, thì sau khi tốt nghiệp, người học còn chưa đủ tuổi lao động;
Chưa kể, nếu tốt nghiệp trung cấp nghề, người học cũng không thể học liên thông lên trình độ cao hơn, cho dù là trình độ cao đẳng. Vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, chưa nói tới học lên trình độ đại học.
Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, người học đều cố đi vào trung học phổ thông.
Còn theo luồng trung học phổ thông, nội dung của chương trình học trước đây cũng như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai, còn chưa thật sự thể hiện đúng tính chất “định hướng nghề nghiệp” như đã nêu ở phần mục tiêu của chương trình mà chỉ mang đặc trưng “phân ban hướng nghiệp”.
Do đó nếu sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông mà người học (phần đông) gia nhập ngay thị trường lao động thì họ sẽ gần như “trắng” về chuyên môn-kỹ thuật.
Chính đoán nhận ra nguy cơ đó từ rất sớm mà chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương” đã được khởi xướng từ năm 2013 tại Nghị quyết số 29, nhằm chủ động tăng nhanh lực lượng “nhân lực cơ bản”, cũng như đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ cao đẳng, đồng thời hạn chế tới mức tối đa tỷ lệ lao động không có chuyên môn-kỹ thuật.
Tuy nhiên qua các số liệu điều tra đã đưa ra ở trên, có thể nhận thấy cho tới nay, chủ trương trên vẫn chưa đi được vào cuộc sống .
Phóng viên: Vậy là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông mà tham gia thị trường ngay thì cũng “trắng” nghề? Số lượng học sinh này hằng năm cũng không hề nhỏ. Liệu đây có phải là điều đáng lo ngại, chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Đúng vậy, theo chương trình trung học phổ thông hiện nay thì học sinh tốt nghiệp chỉ có trình độ văn hóa nhưng không hề được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Và hiển nhiên, khi tốt nghiệp rồi gia nhập thị trường lao động, các em cũng chỉ làm được vai trò của lao động giản đơn, ngay cả khi đi xuất khẩu lao động. Chính số lượng này làm cho tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo tăng cao. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, trong khi tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của Việt Nam so với các nước vẫn còn rất thấp.
Chính vì chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, để học sinh đua nhau học lên trung học phổ thông, nhưng rồi lại một số lượng lớn không theo học cao đẳng, đại học mà gia nhập ngay thị trường lao động, trở thành lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Như vậy là nhiệm vụ đào tạo để có cơ cấu lao động phù hợp chúng ta chưa làm được, và chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực vốn rất tiềm năng của đất nước.
Phóng viên: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để thực hiện triệt để và có hiệu quả phân luồng học sinh sau trung học cơ sở?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Để đảm bảo cho chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” tại Nghị quyết số 29 sớm trở thành hiện thực, dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, vừa qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những ý tưởng chính như sau:
Thứ nhất, chấp nhận vẫn có phân hệ giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chương trình dạy nghề đang có (theo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đều thuộc bậc Giáo dục nghề nghiệp).
Thứ hai, bổ sung luồng trung học hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian đào tạo 3 năm, chấp nhận phần nội dung bắt buộc của chương trình trung học phổ thông 2018 (6 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - An ninh), do các trường trung học phổ thông thực hiện.
Thứ ba, bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của chương trình phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn.
Phần nội dung tự chọn này cũng do các trường trung học phổ thông chịu trách nhiệm tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp sản xuất cùng thực hiện.
Thứ tư, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi thi tốt nghiệp chỉ phải thi 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán). Bằng trung cấp (nghề) có thể thay cho 2 môn thi tự chọn (cũng tương tự như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép học sinh được lấy Chứng chỉ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để thay cho kết quả môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Thứ năm, học sinh học luồng trung học phổ thông được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; học luồng trung học hướng nghiệp được cấp bằng trung học phổ thông hướng nghiệp (theo các nghề khác nhau). Cả hai loại bằng này đều có giá trị học vấn ngang nhau nên người học đều được quyền liên thông lên cao đẳng và đại học (theo các ngành đào tạo phù hợp) mà không cần phải học thêm bất cứ nội dung bổ sung nào cả.
Riêng học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi tốt nghiệp được công nhận đạt chuẩn đầu ra của bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được quyền hành nghề phù hợp.
Ngoài ra cần phục hồi lại hệ cao đẳng chuyên nghiệp (đào tạo kỹ thuật viên) thuộc bậc giáo dục đại học để dạy trong các trường đại học định hướng ứng dụng do cho tới nay các trường cao đẳng vẫn chưa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo loại nhân lực này.
Nhà nước nên kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”: nếu các trường nghề hiện đã được quyền triển khai dạy khối kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì các trường trung học phổ thông cũng được quyền dạy các chương trình trung cấp, nếu bảo đảm đủ điều kiện quy định; các trường đại học cũng phải được đào tạo các chương trình cao đẳng.
Nếu như kiến nghị này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận thì sẽ mở ra cơ hội vô cùng to lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục – đào tạo, sẽ huy động được thêm hơn 2400 trường trung học phổ thông và gần 1000 trung tâm giáo dục - dạy nghề mới thành lập (theo chủ trương sắp xếp lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề cấp huyện) nhằm khắc phục “lỗ hổng” về nguồn “nhân lực cơ bản” và lực lượng kỹ thuật viên trong đội ngũ lao động nước ta hiện nay.
Theo tôi chủ trương định hướng nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông đã được khẳng định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên không phải qua thủ tục trình xin ý kiến Quốc hội.
Việc phê duyệt bổ sung các môn học tự chọn trong Chương trình này cũng chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các chương trình trung cấp nghề (có khối lượng học tối thiểu 45 tín chỉ) đã được Tổng cục giáo dục nghề nghiệp ban hành.
Vì vậy tôi cho rằng đây là giải pháp hoàn toàn khả thi và kinh tế trong điều kiện hiện nay. Đồng thời đây cũng là giải pháp hợp lý để Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết bài toán liên thông chương trình, nội dung các bậc học trong Hệ thống giáo dục quốc dân như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Tôi thực sự kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, cùng nhau có giải pháp đào tạo để sớm điều chỉnh lại cơ cấu nguồn nhân lực một cách hợp lý, vì mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nếu được như vậy, đây sẽ là món quà năm mới đầy ý nghĩa để dành tặng cho học sinh trung học phổ thông, đặc biệt là học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, khi các em ít có cơ hội được vào học đại học.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!