Chưa tổng kết nhưng học sinh phải cam kết không dự thi lớp 10, tại sao vậy?

24/04/2022 07:04
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hãy trả lại cho học sinh quyền được lưu ban, trả lại cho thầy cô quyền được cho học sinh lưu ban, có như thế, mới có thể có “dạy thật, thi thật, nhân tài thật”.

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao bàn tán về chuyện “ép học sinh yếu kém không dự thi lớp 10” và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo làm rõ chuyện này: “Học sinh lớp 9 học lực không tốt phải cam kết không thi lớp 10, Bộ GD nói gì?”.

Học sinh yếu kém không được thi lớp 10 là đúng rồi!

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình lớp 9, được Hội đồng xét tốt nghiệp của nhà trường tiến hành xét, đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Điều kiện để cấp Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở: Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, đối với diện phải xếp loại hạnh kiểm;

+ Xếp loại học lực cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích;

+ Xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đều đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó môn Toán hoặc môn Ngữ văn đạt từ 5,0 trở lên, nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.

Để tham gia kỳ thi tuyển vào lớp 10, điều kiện tiên quyết đầu tiên, đó là thí sinh phải tốt nghiệp trung học cơ sở.

Muốn có Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh phải có học lực trung bình trở lên nếu không thuộc diện đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.

Vì vậy, học sinh yếu kém không được thi lớp 10 là đúng, không cần bàn cãi.

Chưa tổng kết nhưng học sinh yếu kém phải cam kết không dự thi lớp 10, tại sao vậy?

Chuyện này, với giáo viên dạy trung học cơ sở, có chút quan tâm đến thời cuộc, không hề bất ngờ.

Thực tế, trong số học sinh lớp 9, không ít em thuộc diện “ngồi nhầm lớp”, do các lớp dưới cứ “đôn” lên.

Thế nhưng, chỉ tiêu tốt nghiệp trung học cơ sở của các cơ sở giáo dục đăng ký đầu năm đều gần con số tuyệt đối, điều đó có nghĩa số học sinh “ngồi nhầm lớp” cũng phải được “đôn” lên cho đủ điều kiện tốt nghiệp.

Khi các em “ngồi nhầm lớp” nhưng “được tốt nghiệp”, đủ điều kiện dự thi trung học phổ thông, kết quả dự thi không nói ai cũng biết, sẽ rất thấp.

Từ lớp 6 đến lớp 9, cả tỉnh (thành phố), chưa hề có điều kiện đánh giá chất lượng giáo dục của các cơ sở, kết quả dự thi trung học phổ thông là “cơ hội” để xếp loại giáo dục của từng trường, của từng huyện, so với cả tỉnh (thành phố).

Điểm trung bình học sinh dự thi trung học phổ thông của mỗi trường, mỗi huyện, là cơ sở đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông cơ sở của trường, của huyện đó.

Ảnh minh họa - Nguồn Giaoducthoidai.vn

Ảnh minh họa - Nguồn Giaoducthoidai.vn

Các trường trung học cơ sở “đôn” học sinh “ngồi nhầm lớp” lên để đủ chỉ tiêu tốt nghiệp không ai biết, nhưng học sinh “ngồi nhầm lớp” được tốt nghiệp, tham gia dự thi tuyển sinh lớp 10 điểm thấp, ai cũng biết, sẽ kéo thấp điểm trung bình của trường xuống.

Để có điểm trung bình cao, nhà trường sẽ tìm cách không để các đối tượng học sinh “ngồi nhầm lớp” nhưng “được tốt nghiệp” tham gia dự thi tuyển sinh lớp 10.

Mà học sinh “ngồi nhầm lớp” đều rất muốn “được tốt nghiệp”, nên nhà trường yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không thi lớp 10, việc này cả hai cùng có lợi, những trường vận động được học sinh đi học nghề nhiều, còn được khen thưởng.

Hoạt động yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không thi lớp 10 không có bất cứ bằng chứng nào, nên phụ huynh chỉ có thể phản ánh trên mạng xã hội, nhà trường sẽ không bao giờ thừa nhận, chỉ coi đó là hoạt động tư vấn nghề nghiệp, góp phần phân luồng sau trung học cơ sở.

Vì thế, trước khi tổng kết điểm cuối năm, nhà trường đã chủ động yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không dự thi lớp 10, những học sinh yếu kém có cam kết, mới được “đôn” tốt nghiệp trung học cơ sở.

Thực tế, những địa phương có sử dụng điểm trung bình tuyển sinh lớp 10 của học sinh để đánh giá chất lượng giáo dục trung học cơ sở, đều xảy ra hiện tượng yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không thi lớp 10, khác chăng là cách làm nhẹ nhàng, hay dưới hình thức “hướng nghiệp” học sinh đi học nghề.

Các cơ sở giáo dục sẽ đưa cho học sinh làm hồ sơ học nghề trước, nhận hồ sơ học nghề cùng lúc với hồ sơ tuyển sinh lớp 10, nên học sinh khó "bẻ kèo" được.

Hoạt động yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không thi lớp 10 không có bất cứ bằng chứng vật chất nào, nên phụ huynh chỉ có thể phản ánh trên mạng xã hội, nhà trường sẽ không bao giờ thừa nhận.

Thật lòng mà nói, không có giáo viên chủ nhiệm hay cán bộ quản lý nào muốn yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không dự thi lớp 10, ngay người viết cũng vậy.

Nhưng không làm không được, khi “học sinh không có quyền lưu ban”, “Đến khi nào tôi mới được cho học sinh lưu ban?”[1], số học sinh “ngồi nhầm lớp” sẽ không ít.

Trường này làm, trường kia làm, trường mình không làm, điểm trung bình tuyển sinh sẽ nằm dưới đáy sổ, lúc đó sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh, thi đua tập thể, thi đua cá nhân bị cắt, chỉ tiêu Chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến bị giảm…

Nên nhà trường yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không thật tốt phải chuyển về các trường tư hoặc làm cam kết không thi vào lớp 10. Thậm chí, có đến 50% phụ huynh trong một lớp được gọi tới, nhà trường họp riêng từng phụ huynh để đưa ra định hướng, lựa chọn, mục đích cuối vẫn là để các em không thi vào lớp 10 [2].

Dư luận cho rằng, do “bệnh thành tích mà ra”, nhưng thành tích đâu có xấu, chỉ tại người ta “đôn" thành tích, nên thành tích mới xấu.

Muốn xóa sổ “yêu cầu học sinh yếu kém cam kết không dự thi lớp 10” nói riêng, tiêu cực trong giáo dục nói chung, đầu tiên, cần phải bỏ đăng ký chỉ tiêu đầu năm, không dùng kết quả đánh giá học sinh cuối năm để xét thi đua khen thưởng.

Hãy trả lại cho học sinh quyền được lưu ban, trả lại cho thầy cô quyền được cho học sinh lưu ban, có như thế, mới có thể có “dạy thật, thi thật, nhân tài thật”.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/den-khi-nao-toi-moi-duoc-cho-hoc-sinh-luu-ban-20180424150314641.htm

[2] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bo-gd-dt-len-tieng-ve-thong-tin-ep-hoc-sinh-yeu-kem-khong-du-thi-lop-10-20220420112539652.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh