Chi phí 842 triệu -1,7 tỷ, sinh viên CTLK HV Ngoại giao nhận bằng bên nào cấp?

03/02/2024 06:26
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học phí chương trình liên kết của Học viện Ngoại giao xây dựng nhằm đảm bảo chi trả cho các hoạt động của chương trình liên kết.

Xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay mở ra nhiều hình thức học tập cho sinh viên trong đó có các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Theo đó, sinh viên có thể trải nghiệm môi trường đại học trong nước và đại học nước ngoài với chi phí tiết kiệm, rút ngắn thời gian học mà vẫn đạt được bằng cấp quốc tế hoàn toàn giống như sinh viên học tại nước ngoài.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục cũng là vấn đề khiến dư luận quan tâm, nhất là hiện nay có ngày càng nhiều chương trình liên kết quốc tế.

Cần kiểm định các chương trình liên kết do Việt Nam cấp bằng

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Minh Thu - Phụ trách các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao cho hay: Hiện nay chất lượng các chương trình liên kết quốc tế không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục. Điều đó cũng gây ảnh hưởng chung đến các chương trình liên kết quốc tế.

"Có ý kiến cho rằng vì không đỗ các chương trình chính quy nên sinh viên mới phải học các chương trình liên kết. Nhưng thực tế ở Học viện Ngoại giao, nhiều sinh viên có chất lượng đầu vào rất cao, trong đó có nhiều thí sinh dự tuyển đã có IELTS 8.0 và 8.5", cô Thu bày tỏ.

Cô Nguyễn Minh Thu - Phụ trách các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: NVCC)

Cô Nguyễn Minh Thu - Phụ trách các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: NVCC)

Chính vì thế, theo cô Thu với các chương trình liên kết quốc tế đào tạo ở Việt Nam, do Việt Nam cấp bằng hoặc cấp song bằng thì bắt buộc phải kiểm định chất lượng để xem các chương trình có đảm bảo hay không. Với các chương trình liên kết quốc tế do nước ngoài cấp bằng nhà trường có quyền yêu cầu đơn vị đối tác cung cấp minh chứng chương trình đó đã đạt kiểm định chất lượng tại nước sở tại hay chưa.

Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Bất cứ chương trình nào cũng vậy sau khi có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp thì phải tiến hành kiểm định chất lượng. Nếu cơ sở giáo dục không tiến hành kiểm định chất lượng trong một khoảng thời gian theo quy định thì phải dừng tuyển sinh cho đến khi kiểm định và đạt kết quả mới được tuyển sinh lại.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy cần phân biệt hai loại hình liên kết là do trong nước cấp bằng hay nước ngoài cấp bằng. Mỗi một hình thức sẽ có yêu cầu riêng. Trường hợp chương trình liên kết do Việt Nam cấp bằng thì phải tiến hành kiểm định theo quy định của Việt Nam.

“Một khi do trường ở Việt Nam cấp bằng thì phải kiểm định lại cho dù nhập khẩu 100% hay không. Nhập khẩu ở đây có thể là lấy khung chương trình, giáo trình... Ngược lại, nếu trường quốc tế cấp bằng thì sẽ thực hiện theo quy định kiểm định chất lượng của nước sở tại. Nhưng chương trình đào tạo đó phải đáp ứng các yêu cầu:

Thứ nhất, chương trình đào tạo phải được kiểm định bởi một tổ chức kiểm định hợp pháp ở nước sở tại. Thứ hai là giấy chứng nhận kiểm định phải còn hiệu lực thì mới đảm bảo đủ điều kiện liên kết đào tạo.

Cơ sở giáo dục liên kết của Việt Nam phải có hồ sơ liên quan đến chương trình giáo dục đó đảm bảo 2 tiêu chí này”, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội từng chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Kiểm định các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao

Chia sẻ về việc kiểm định các chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao, cô Nguyễn Minh Thu cho hay: Hiện Học viện có 3 chương trình cử nhân liên kết quốc tế với Đại học Victoria Wellington (New Zealand), Đại học Monash (Úc) và Đại học Macquarie (Úc).

Cũng theo cô Thu các cơ sở giáo dục nước ngoài hợp tác với Học viện Ngoại giao là các cơ sở đào tạo có danh tiếng và đều đạt chất lượng kiểm định quốc tế. Cụ thể:

Đại học Victoria Wellington:

Đại học Victoria Wellington là một trong những trường đại học lâu đời, nổi tiếng và uy tín nhất của New Zealand về đào tạo và nghiên cứu. Trường được xếp hạng top 100 trường đại học hàng đầu trên thế giới về đào tạo ngành Chính trị và top 250 về ngành Truyền thông (QS World University Rankings, 2023).

Đạt kiểm định của tổ chức AQA – Academic Quality Agency của New Zealand.

Đạt danh hiệu “Triple Crown” từ 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu (AACSB, EQUIS và AMBA) đối với ngành Kinh tế và Kinh doanh.

Đại học Monash:

Đại học Monash là thành viên sáng lập nhóm 8 trường đại học hàng đầu tại Úc (Group of Eight), được xếp hạng top 42 trường đại học xuất sắc nhất thế giới về chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất hiện đại (QS World University Rankings, 2024).

Luôn đáp ứng các tiêu chuẩn của một cơ sở giáo dục hàng đầu Úc thông qua công tác kiểm định chất lượng thường xuyên. Tháng 2/2020, nhà trường đã được Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học (TEQSA) cấp chứng nhận.

Đạt danh hiệu “Triple Crown” từ 3 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu (AACSB, EQUIS và AMBA) đối với ngành Kinh tế và Kinh doanh.

Đại học Macquarie:

Đại học Macquarie được xếp hạng top 10 các đại học hàng đầu nước Úc, top 130 các trường đại học tốt nhất toàn cầu (World University Rankings 2024), đứng đầu nước Úc về tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp (QS Employability Rankings, 2022).

Các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn của khung tiêu chuẩn giáo dục đại học do TEQSA - Cơ quan tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học công nhận.

Đạt kiểm định từ 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục uy tín hàng đầu (AACSB và AMBA) đối với ngành Kinh tế và Kinh doanh.

Học viện Ngoại giao nằm ở địa chỉ số 69 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Học viện Ngoại giao nằm ở địa chỉ số 69 phố Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Nhật Lệ)

Các chương trình cử nhân liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao

Chia sẻ về các chương trình liên kết quốc tế, cô Thu cho hay: Học viện Ngoại giao mở chương trình liên kết đào tạo từ năm 2011, số lượng sinh viên tuyển sinh và chuyển tiếp hàng năm luôn ổn định và đạt chất lượng tốt.

"Các môn học tại Học viện Ngoại giao đều được giảng dạy bằng tiếng Anh do các giảng viên hàng đầu của Học viện đảm nhiệm. Môi trường đào tạo tại Học viện Ngoại giao giúp sinh viên vững vàng về kiến thức và tâm lý trước khi chuyển tiếp. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được cấp bằng quốc tế có giá trị toàn cầu, được Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận", cô Thu nhấn mạnh.

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Các chương trình cử nhân liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao gồm:

Chương trình liên kết với Đại học Victoria Wellington (New Zealand): Ngành Quan hệ Quốc tế, ngành Khoa học Chính trị, ngành Truyền thông

Thời gian đào tạo 3 năm gồm 1,5 năm sinh viên học tại Học viện Ngoại giao và 1,5 năm học tại New Zealand. Sau khi chuyển tiếp sang Đại học Victoria Wellington, sinh viên có thể đăng ký học chuyên ngành hoặc song ngành. Toàn bộ chương trình được giảng dạy tại Học viện Ngoại giao được Đại học Victoria cung cấp và hoàn toàn giống như chương trình giảng dạy tại Đại học Victoria Wellington.

Trong quá trình học, Đại học Victoria Wellington bố trí cố vấn giảng dạy phối hợp với giảng viên Học viện Ngoại giao để quản lý và đảm bảo chất lượng chương trình. Để đạt điều kiện chuyển tiếp sinh viên phải thi đỗ ít nhất 6/9 môn ở Học viện Ngoại giao (trong đó có ít nhất hai môn đạt điểm B- trở lên); Điểm IELTS 6.0 trở lên (không có kỹ năng nào dưới 5.5) hoặc TOEFL iBT tương đương.

Mức học phí tại Học viện Ngoại giao (1,5 năm): 155.000.000 đồng.

Tại Đại học Victoria Wellington (1,5 năm): 687.345.000 đồng.

Chương trình liên kết với Đại học Monash (Úc): Ngành Kinh doanh quốc tế, ngành Truyền thông

Thời gian đào tạo 3 năm gồm 1 năm học tại Học viện Ngoại giao và 2 năm học tại Úc với ngành Kinh doanh quốc tế; 1,5 năm học tại Học viện Ngoại giao và 1,5 năm học tại Úc đối với ngành Truyền thông. Sau khi chuyển tiếp sang Đại học Monash, sinh viên có thể đăng ký học chuyên ngành hoặc song ngành.

Để đạt điều kiện chuyển tiếp, sinh viên cần trải qua các môn học tại Học viện Ngoại giao và GPA 2.7 trở lên; Điểm IELTS từ 6.5 trở lên (không kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL iBT tương đương.

Mức học phí: Ngành Kinh doanh quốc tế: Học viện Ngoại giao (1 năm): 175.000.000 đồng. Đại học Monash (2 năm): 1.530.000.000 đồng.

Ngành Truyền thông: Học viện Ngoại giao (1,5 năm): 227.500.000 đồng. Đại học Monash (1,5 năm): 876.000.000 đồng.

Chương trình liên kết với Đại học Macquarie (Úc): Ngành Truyền thông

Chương trình chia làm 2 giai đoạn: 1,5 năm tại Học viện Ngoại giao và 2 năm tại Đại học Macquarie (do một số môn chỉ có vào một học kỳ nhất định).

Để đạt điều kiện chuyển tiếp, sinh viên cần trải thi đạt các học tại Học viện Ngoại giao và đạt GPA 2.5 trở lên; Điểm IELTS từ 6.5 trở lên (không kỹ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL iBT tương đương.

Mức học phí tại Học viện Ngoại giao (1,5 năm): 227.500.000 đồng.

Đại học Macquarie (2 năm): 859.200.000 đồng.

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế của Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Điều kiện xét tuyển các chương trình liên kết quốc tế:

Thí sinh cần tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông trong nước hoặc nước ngoài (đã được nước sở tại cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ trung học phổ thông của Việt Nam) hoặc sinh viên đang theo học các trường đại học trong nước hoặc nước ngoài.

Có chứng chỉ quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển (đạt IELTS Academic từ 5.5 trở lên, không có kỹ năng nào dưới 5.0 hoặc TOEFL iBT từ 46 trở lên) hoặc các chứng chỉ tương đương khác.

Trong 3 chương trình liên kết quốc tế tại Học viện Ngoại giao, chương trình liên kết với Đại học Victoria Wellington (ngành Quan hệ Quốc tế, Khoa học Chính trị, Truyền thông) năm học 2023-2024, Học viện Ngoại giao đã tuyển sinh khóa 16, hiện đã có 13 khóa sinh viên tốt nghiệp.

Chương trình liên kết với Đại học Monash (ngành Kinh doanh quốc tế) đang tuyển sinh khóa 3; Chương trình liên kết với Đại học Monash; Đại học Macquarie (ngành Truyền thông) đang tuyển sinh khóa 2, chưa có sinh viên tốt nghiệp.

Căn cứ xây dựng học phí cho các chương trình liên kết quốc tế

Chia sẻ về căn cứ xây dựng mức học phí của các chương trình liên kết quốc tế, cô Thu cho hay: Học phí chương trình liên kết của Học viện Ngoại giao xây dựng nhằm đảm bảo chi trả cho các hoạt động của chương trình liên kết như: giảng dạy, quản lý, cố vấn học tập, tài liệu học tập, hoạt động ngoại khóa, cơ sở vật chất…

Sau khi đạt đủ điều kiện chuyển tiếp, sinh viên sẽ nộp học phí trực tiếp cho các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài. Bên cạnh thông tin về học phí, học viện cũng tham khảo các chi phí khác như: chi phí sinh hoạt, ký túc xá, tiền bảo hiểm, dịch vụ sinh viên… để thông tin về chi phí tương đối chính xác cho phụ huynh và sinh viên tham khảo. Bên cạnh đó, Học viện Ngoại giao và các đối tác đều có các chính sách học bổng hấp dẫn khấu trừ vào học phí cho sinh viên sau khi chuyển tiếp.

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế nhận bằng tốt nghiệp ở nước ngoài. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Sinh viên học chương trình liên kết quốc tế nhận bằng tốt nghiệp ở nước ngoài. (Ảnh: Học viện cung cấp)

Cũng theo cô Thu để đảm bảo sinh viên có thể hoàn thành lộ trình học tập với kết quả tốt nhất học viện luôn sát sao tư vấn cho từng sinh viên. Đối với sinh viên không thể ra nước ngoài học vì lý do khách quan như dịch bệnh, cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tạo điều kiện cho sinh viên học online để kịp tiến độ. Cụ thể, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra, sinh viên chương trình liên kết của trường vẫn được chuyển sang học kỳ cuối tại New Zealand.

Trường hợp sinh viên không đủ điều kiện học chuyển tiếp do chưa đạt yêu cầu của môn học thì các bạn cần học lại. Đây cũng là yêu cầu để đảm bảo chất lượng đào tạo mà Học viện Ngoại giao cam kết.

Hiện Việt Nam hiện có 17 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước và quốc tế.

Trong nước có 7 trung tâm kiểm định gồm: Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Đại học Đà Nẵng; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục, Trường Đại học Vinh; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn và Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long.

10 tổ chức kiểm định giáo dục quốc tế hoạt động tại Việt Nam, gồm: Hcéres, AUN-QA, QAA, FIBAA, AQAS, ASIIN, THE-ICE, ACBSP, ABET, ACQUIN.

Nhật Lệ